Giám đốc Bệnh viện K chỉ ra những dấu hiệu cần nghĩ ngay đến bệnh u não

Sự kiện: Ung thư

Đau đầu là một trong những triệu chứng phổ biến, có thể gặp ở khoảng 50% số bệnh nhân u não.

Theo GS.TS. Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, u não là một tập hợp những tế bào não phát triển bất thường vượt quá tầm kiểm soát của cơ thể. U não có thể bắt đầu trực tiếp từ tế bào não, tế bào đệm của hệ thần kinh trung ương, hoặc bắt đầu từ những bộ phận khác như phổi, thận,... rồi theo máu tới não hay còn được gọi là u di căn não. U não thường phân theo 4 cấp độ từ giai đoạn 1 tới giai đoạn 4.

Biểu hiện u não giai đoạn đầu

Đau đầu

Đau đầu là một trong những triệu chứng phổ biến, có thể gặp ở khoảng 50% số bệnh nhân u não. Thông thường người bệnh đau nhiều vào buổi sáng sớm hoặc nửa đêm về sáng, đau dai dẳng, lặp lại hằng ngày, càng ngày càng đau nhiều hơn về cả cường độ và thời gian. Ở trẻ nhỏ thì khó biểu đạt bằng lời mà trẻ thường có biểu hiện như bỏ ăn, ngủ ít, quấy khóc, vật vã,...

Buồn nôn và nôn

U não có triệu chứng gì? Người bệnh có khối u não thường có biểu hiện buồn nôn và nôn, đi kèm với triệu chứng đau đầu. Nôn thường xảy ra vào buổi sáng, sau mỗi lần nôn người bệnh sẽ mệt hơn nhưng đỡ đau đầu. Nếu như người bệnh nôn nhiều có thể dẫn tới suy kiệt, mất nước và rối loạn điện giải. Giai đoạn đầu của u não các dấu hiệu chưa rõ ràng thì một số ít người bệnh được chẩn đoán là triệu chứng nôn đơn thuần có thể nhầm lẫn với bệnh lý tiêu hoá.

Giảm thị lực

Phù gai thị: là dấu hiệu nặng thường gặp trong tăng áp lực nội sọ. Khi có nghi ngờ tăng áp lực nội sọ nên soi đáy mắt để xác định vì qua giai đoạn phù gai thị sẽ chuyển sang teo gai thị có thể dẫn tới mù.

Bán manh: thường gặp trong trường hợp u não chèn vào một phần của cửa dày thị giác hoặc giải thị giác.

Liệt vận nhãn: gây nhìn đôi với người bệnh liệt dây thần kinh VI và biểu hiện lác trong, liệt dây thần kinh II biểu hiện lác ngoài. U não chèn vào cuống não hoặc u vùng tuyến tùng thường gây ra hội chứng parinaud.

Căng thẳng kéo dài

Căng thẳng kéo dài chính là dấu hiệu bệnh u não với biểu hiện như mệt mỏi, cáu gắt, dễ kích động, ngủ nhiều, kém tập trung hoặc luôn ở trạng thái buồn ngủ.

Yếu liệt và tê bì

Cảm giác yếu liệt, tê bì hay kiến bò ở bàn tay hoặc bàn chân. Thông thường tê yếu hay xảy ra ở một bên thân người, đặc biệt là người bệnh có hội chứng của trên lều tiểu não. Những triệu chứng thường gặp đó là mất cảm giác nửa người, yếu hoặc liệt vận động nửa người, rối loạn chức năng nói, nhìn, rối loạn giấc ngủ, giảm sự tập chung và rối loạn ý thức. Tóm lại, biểu hiện u não giai đoạn đầu thường gặp đó là đau đầu, buồn nôn, nôn, giảm thị lực, rối loạn tâm trạng,... Những dấu hiệu này thường không rõ ràng và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Do vậy, khi xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào bất thường cần tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám và làm xét nghiệm chẩn đoán sớm, đồng thời có biện pháp can thiệp phù hợp.

Các yếu tố nguy cơ làm tăng rủi ro u não có thể là:

Tuổi tác

Người càng lớn tuổi càng có nguy cơ bị u não. Hầu hết các khối u não xảy ra ở người lớn tuổi từ 85 đến 89, mặc dù vẫn có một số loại u não phổ biến hơn ở trẻ em dưới 15 tuổi.

Tiền sử gia đình (di truyền)

Theo báo cáo, chỉ có từ 5-10% tổng số ca ung thư là do di truyền. U não chỉ chiếm 2% tổng số ca ung thư trên toàn thế giới, do đó tỉ lệ khối u não được di truyền là rất thấp.

Một số tình trạng di truyền được biết là làm tăng nguy cơ mắc khối u não, bao gồm: bệnh xơ cứng củ, bệnh u sợi thần kinh loại 1, loại 2, hội chứng Turner, hội chứng Li-Fraumeni, hội chứng Turcot, hội chứng Gorlin,…

Chế độ ăn thiếu khoa học

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng các hợp chất N-nitroso trong chế độ ăn uống có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc các khối u não ở trẻ em và người lớn.

Thừa cân và béo phì

Thừa cân hoặc béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh u màng não. Khoảng 2% tổng số ca được chẩn đoán u não ở Anh mỗi năm là do thừa cân hoặc béo phì.

Cố gắng giữ cân nặng lành mạnh bằng cách tham gia các hoạt động thể chất và ăn uống điều độ là một việc làm cần thiết.

Không có tiền sử bệnh thủy đậu

Dựa theo một báo cáo năm 2016 được xuất bản trên tạp chí Cancer Medicine, những người chưa có tiền sử mắc bệnh thủy đậu ở thời thơ ấu nguy cơ phát triển u thần kinh đệm cao hơn 21% so với người đã nhiễm bệnh thủy đậu.

Phơi nhiễm hóa chất

Một số ngành nghề do môi trường làm việc đặc thù cần tiếp xúc với nhiều hóa chất có thể làm tăng nguy cơ ung  thư não, chẳng hạn như:

- Người làm nông nghiệp phải tiếp xúc nhiều với thuốc trừ sâu.

- Công nhân làm việc trong môi trường nhiều kim loại nặng (niken, thủy ngân).

- Người làm ngành vật liệu xây dựng, tấm lợp, gạch lát, đóng tàu thuyền,..do tiếp xúc nhiều với chất amiăng có thể gây u não.

- Người sống gần nguồn nước thải công nghiệp, bãi rác tập thể chứa Vinyl Clorua.

- Nhân viên xăng dầu không bảo hộ kỹ hít phải hợp chất vòng thơm như benzene, ethylbenzene trong thời gian dài.

Tiếp xúc với bức xạ

Bức xạ ion hóa là một loại bức xạ được sử dụng bởi một số quy trình quét y tế, chẳng hạn như chụp X-quang và chụp CT. Những người đã tiếp xúc với bức xạ ion hóa có nguy cơ mắc các khối u não cao hơn người bình thường. Do đó, nếu bạn đã có tiền sử xạ trị trước đây với các bệnh ung thư khác thì cũng có thể làm tăng nguy cơ bị u não của bạn lên một chút. Tuy nhiên, u não do tiếp xúc với bức xạ xảy ra với tỉ lệ rất hiếm (dưới 1%).

U não vốn là một bệnh lý nguy hiểm và dễ mắc ở nhiều người. Do đó, việc phát hiện và điều trị kịp thời đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp người bệnh sớm ổn định sức khỏe.

Nguồn: [Link nguồn]

Cách vào viện 1 tuần, người đàn ông thấy chán ăn, sút 4 kg/1 tuần, ngoài ra không có biểu hiện gì bất thường khác (không khó thở, ho, đau ngực, đau bụng, đại tiểu tiện bình thường).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo TUẤN ANH ([Tên nguồn])
Ung thư Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN