Giải rượu ngày Tết không đúng cách còn rước thêm họa ngay đầu năm
Chồng quá chén ngày Tết, chị em cho chồng uống nước chanh hay cố ép gây nôn... tưởng có lợi nhưng hoá ra rất có hại.
TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc thuộc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết giải rượu sai cách có thể gây hại cho sức khỏe, thậm chí nguy hiểm tính mạng.
Uống nước chanh hoặc đồ chua
Đây là sai lầm khi giải rượu nhiều người mắc phải nhất. BS Nguyên cho hay nếu người say vẫn còn một lượng rượu trong người thì khi kết hợp với nước uống chua dễ gây nôn thêm, tổn thương dạ dày do có axit.
Thay vì uống nước chanh thì nên cho người say uống các đồ uống có đường, muối như nước đường, mật ong, nước canh…
Ảnh minh hoạ
Cố gây nôn khi không còn tỉnh táo
Gây nôn chỉ có tác dụng khi người uống rượu xong vẫn tỉnh táo, nói chuyện được bình thường, nếu không tỉnh táo, càng gây nôn càng nguy hiểm.
Đó là do việc cố ép gây nôn dễ sặc, chất nôn nhiều có thể bị tràn vào phổi dễ gây viêm phổi.
Lạm dụng sản phẩm bổ gan, giải độc rượu
Không có một loại thuốc giải độc nào chống được say rượu chứng minh có tác dụng hiệu quả rõ ràng. Các loại thuốc giải rượu chỉ có tác dụng hỗ trợ một phần bù lại một số chất vitamin, muối, đường. Chúng không thể làm thay đổi hẳn việc một người đang hôn mê, ức chế thần kinh do ngộ độc rượu, khi uống bổ gan, giải độc rượu vào lại tỉnh táo.
Uống thuốc giảm đau đầu
Sau mỗi cuộc bia, rượu, nhiều người thường cảm giác đau đầu. Bác sĩ khuyến cáo không nên uống giảm đau để "trị" đau đầu sau cuộc rượu. Lý do, rượu bia hay thuốc giảm đau đều đào thải, được "lọc" qua gan. Nếu uống thêm giảm đau sau khi gan đã bị "gồng mình" lọc độc vì rượu bia sẽ làm chức năng gan quá tải, dễ tổn thương.
Trước thực tế không ít người có thói quen uống thêm vitamin B1, B6, acid folic… để làm giảm đau đầu khi say, bác sĩ nói điều này dễ có hại cho gan. Paracetamon, Aspirin và một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt khi uống với rượu sẽ kích ứng niêm mạc dạ dày, gây chảy máu đường tiêu hoá.
Ngoài ra, khi say cũng lưu ý không uống các loại thuốc chống nôn vì sẽ giữ chất độc lại trong cơ thể, gan không thể lọc chất độc kịp càng tổn hại nghiêm trọng, lâu ngày sẽ xơ gan, ung thư gan.
TS Nguyên khuyến cáo, để đảm bảo sức khỏe và hạn chế tác dụng phụ của rượu, khi uống rượu mọi người cần ăn uống đầy đủ. Đã có trường hợp tử vong vì uống rượu nhưng không ăn đầy đủ. Người có bệnh về gan mật, huyết áp, tim... cần thận trọng khi uống rượu.
Không nên uống nhiều loại rượu cùng một lúc. Khi thấy có biểu hiện đau đầu, chóng mặt... sau vài tiếng uống rượu, người dân cần tới bệnh viện khám ngay.
Uống rượu xong không nên mặc áo mỏng hay đi ra ngoài trời ngay, nhất là trong thời tiết lạnh dễ làm giãn mạch, hạ thân nhiệt nhanh...
Dưới đây là một số khuyến nghị của Cục Y tế dự phòng đối với người có uống rượu, bia trong dịp Tết cổ truyền.
Nguồn: [Link nguồn]