Giải mã 3 điều không tưởng về giấc ngủ

Có những điều thật kì lạ liên quan đến giấc ngủ mà có thể bạn chưa từng nghe tới bao giờ. Hãy cùng giải mã 3 điều sau đây nhé.

Giấc ngủ giúp não ổn định, khiến bạn sáng suốt, cho phép bạn xử lí thông tin nhanh hơn, nhớ được nhiều thứ hơn… Và tất nhiên, những hiểu lầm về giấc ngủ có thể khiến bạn phải trả giá đắt, không chỉ trong hiệu quả công việc mà còn về sức khỏe nữa.

1. Những người thành công chỉ cần ngủ 5 tiếng/đêm là ổn

Hoàn toàn sai

Đúng là Napoleon chỉ cần 4-5h/đêm và Thomas Edison cần 4h/đêm là đủ để ngủ. Nhưng biết đâu thế giới này sẽ tốt đẹp hơn và ngay cả bóng đèn điện cũng sẽ được phát minh ra sớm hơn nếu hai người này… ngủ nhiều hơn một chút? Các nhà khoa học ước tính rằng chỉ khoảng 10% số người trưởng thành có thể cần ngủ ít hơn (hoặc nhiều hơn) đáng kể so với mức 7-8h/đêm.

Sau khi chia 48 tình nguyện viên ra thành 4 chế độ ngủ: 8 tiếng, 6 tiếng, 4 tiếng và không ngủ tí nào mỗi đêm thì các nhà nghiên cứu ở ĐH Pennsylvania (Mỹ) thấy rằng: sau 2 tuần, những người ngủ 6h/đêm sẽ bị thiếu tỉnh táo và nhanh nhẹn, trí nhớ giảm sút bằng với mức mà những người không hề ngủ 24 tiếng.

Giải mã 3 điều không tưởng về giấc ngủ - 1

Những người ngủ 6h/đêm sẽ bị thiếu tỉnh táo và nhanh nhẹn, trí nhớ giảm sút

Giải pháp

Nếu bạn không thể ngủ 7-8h/đêm trong suốt tuần thì hãy làm phép thử nhỏ sau đây: Đến cuối tuần cứ ngủ như bình thường nhưng sáng hôm sau không đặt chuông báo thức và xem bạn có dậy đúng giờ như các ngày trong tuần hay không.

Nếu có thì có thể bạn là một trong số ít người có thể ngủ ít mà vẫn khỏe mạnh. Còn nếu bạn ngủ thành 9-10 tiếng vào cuối tuần thì bạn nên điều chỉnh lại chế độ để ngủ được khoảng 7-8h/đêm nhé.

2. Thường xuyên phải dậy vào nửa đêm để đi vệ sinh có thể là một vấn đề về sức khỏe

Điều này hoàn toàn đúng

Lần đầu tiên đi vệ sinh đêm lúc đang ngủ có thể là do bạn uống quá nhiều nước trước khi ngủ. Nhưng nếu đi đến lần thứ 2 hoặc 3 thì có thể là dấu hiệu cảnh báo “có vấn đề".

“Nếu bạn thường xuyên phải đi vệ sinh 2 lần trở lên vào mỗi đêm thì có thể bạn bị hội chứng ngừng hô hấp khi ngủ” – theo Tiến sĩ Alex Chediak, Giám đốc Y tế của Trung tâm Rối loạn Giấc ngủ Miami (Mỹ). Tức là các mô mềm ở phía sau cổ họng che mất đường thông khí trên, khiến bạn không thở được trong 10 giây đến 1 phút hoặc lâu hơn.

Giải mã 3 điều không tưởng về giấc ngủ - 2

Thiếu ngủ dễ bị bệnh tim, căng thẳng, tâm trạng không ổn định

Việc này có thể xảy ra hàng trăm lần/đêm, khiến bạn khó ngủ sâu giấc và làm cho các cơ quan nội tạng bị thiếu oxy. Chính vì vậy, những người bị hội chứng này dễ bị bệnh tim, căng thẳng và tâm trạng không ổn định.

Nhưng tại sao bạn lại muốn đi vệ sinh? Vì sự nghẹt thở nho nhỏ đó làm giảm mức oxy lưu thông, khiến tim bạn phải hoạt động mạnh hơn, làm tăng huyết áp. Lượng chất lỏng dồn vào các mạch gây kích thích đi tiểu nhằm giảm áp suất.

Giải pháp

Nằm gối cao hơn một chút có thể giúp ngăn chặn tình trạng các mô mềm bít cổ họng. Nên làm sạch mũi trước khi ngủ. Các nhà nghiên cứu Nhật Bản khẳng định rằng những người bị nghẹt mũi dễ bị mệt mỏi vào ban ngày gấp đôi những người có đường thở thông thoáng.

Nếu bạn vẫn phải dậy nhiều lần vào buổi đêm để đi vệ sinh, hãy đến gặp bác sĩ để kiểm tra bệnh khác như lượng đường trong máu…

3. Tập thể dục đến mệt nhoài trước giờ đi ngủ sẽ giúp mình ngủ say hơn

Sai hoàn toàn

Tập thể dục thường xuyên là một trong những “phương thuốc” tốt nhất để ngủ ngon, nhưng tập ngay trước giờ đi ngủ lại có thể khiến bạn… tỉnh như sáo. “Khi thân nhiệt của bạn chuyển đổi từ ấm sang lạnh thì bạn dễ ngủ nhất” - Tiến sĩ Chediak nói - “Sau khi tập thể dục, quá trình “làm mát” này phải mất 4-6 tiếng”.

Vì vậy, sẽ tốt hơn nếu bạn tắm nước nóng gần giờ đi ngủ. Quá trình “làm mát” cơ thể sau khi tắm chỉ khoảng 2 tiếng, tức là bằng một nửa so với sau khi tập.

Giải pháp

Bạn hãy tập thể dục thể thao, nhưng là vào buổi sáng để có năng lượng cho cả ngày. Việc tập thể dục thể thao cải thiện được giấc ngủ hiệu quả không kém gì… thuốc ngủ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dung Trinh (Afamily)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN