Gia đình lo hậu sự vẫn sống lại nhờ Methadone
"Anh là người từng thở hắt ra trên giường bệnh trong khi gia đình sẵn sàng tâm lý lo hậu sự".
Phương pháp điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone là phương pháp điều trị “tiêu chuẩn vàng” đã được thí điểm ở Việt Nam từ năm 2008 và đã đạt được những hiệu quả nhất định. Ông Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và Liên Hợp Quốc, để liệu pháp điều trị nghiện bằng thuốc Methadone có thể mang lại lợi ích tối đa về kinh tế và an ninh, trật tự xã hội. Chính vì thế, Chính phủ đã khuyến khích và tạo điều kiện để đẩy mạnh mô hình xã hội hóa hoặc tư nhân hóa điều trị Methadone theo nhu cầu. Những người từ bỏ ma túy nhờ điều trị Methadone có thể lao động và kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình. Chúng tôi xin trích dẫn câu chuyện của người một thời lầm lỡ và đã tìm được “lối thoát” cho mình. |
Quả thật khi nghe anh nói rằng anh vội vàng uống thuốc Methadone xong phải về nhà ngay vì bận làm ao, để kịp cho vụ thả cá tới, tôi thực sự không tin nổi.
Tôi không tin không phải vì anh từng là người sử dụng ma túy nên tôi có sự nghi ngờ, kì thị gì, mà là nếu như ai đã từng gặp anh, tiếp xúc với anh từ thời điểm anh mới bắt đầu đến điều trị Methadone và chứng kiến sự thăng trầm của anh trong thời gian đó đều có cảm giác như tôi vậy.
Không nén nổi tò mò, bản thân lại rất thích ao hồ sông suối, con lợn, con gà nên tôi nhất quyết bố trí một buổi theo anh về tận nhà để mục sở thị cái công trình vườn cây ao cá đầy hấp dẫn đó .
Qua một cây cầu là ra khỏi vùng nội thành ồn ào náo nhiệt, tôi theo anh đi vào một ngõ nhỏ ngay ven đô. Đi sâu hơn vào trong cách mặt đường chừng khoảng một cây số, ngoằn ngoèo qua một nghĩa trang khá rộng là tới trang trại của anh. Đây đúng là một trang trại kinh tế theo mô hình vườn ao chuồng mà anh thường nhắc tới mỗi khi có dịp ngồi nói chuyện với.
Nhìn toàn thể nơi đây không ai nghĩ rằng ông chủ của nó là một người đã từng kinh qua biết bao nhiêu những thăng trầm, biến cố của cuộc sống, là một người mà có thời điểm đã chạm tới đáy của xã hội, một người mà có khoảnh khắc thở hắt ra trên giường bệnh trong khi gia đình sẵn sàng tâm lý lo hậu sự. Ấy vậy mà nhờ có chương trình Methadone anh lại có được ngày hôm nay.
Cởi bỏ bộ quần áo khá tươm tất khi đến phòng khám uống thuốc, anh bảo ra ngoài là phải lịch sự còn về đây thì cứ thoải mái ta với thiên nhiên. Khoác chiếc áo bu dông bạc màu, anh xắn tay xắn áo chính thức với công việc hằng ngày của mình. Anh kể, mỗi buổi sáng thức dậy, việc đầu tiên là anh ra ngắm đàn cá yêu quý của mình và cho chúng ăn. Đây là công việc anh thích nhất, mỗi lần ngắm nhìn đàn cá bơi lội tung tăng, ngắm nhìn những con vịt con nghỗng thảnh thơi rỉa lông rỉa cánh là anh cảm thấy cuộc sống thật bình yên, êm đềm, giản dị và đáng quý biết bao. Ánh mắt xa xăm anh chậm rãi kể về cuộc đời đầy sóng gió của mình...
Năm 16 tuổi anh theo một số người thân vượt biên ra nước ngoài. Hồi ấy ở Hải Phòng rộ lên phong trào vượt biên bằng đường biển sang Hồng Kông, người may mắn thì cập bờ và được đưa vào trong trại tị nạn, người không may mắn thì phải làm mồi cho cá dữ ngoài biển khơi vĩnh viễn không trông thấy ánh mặt trời. Anh là một trong số những người may mắn đó. Vào trại tị nạn được một thời gian ngắn, anh theo đám anh em trốn trại ra bên ngoài và khi ra được ngoài anh xin được vào làm thợ xây cho mấy công trình ở đó.
Cuộc sống tạm bợ nơi đất khách quê người cùng với sự cô đơn, lạc lõng giữa thành phố Hồng Kông tráng lệ đã dẫn bước cho các anh tìm đến với nàng tiên nâu. Ban đầu là chỉ hút tập tẹ cho quên đi nỗi buồn và sự nhọc nhằn của những kẻ tha phương, rồi nghiện lúc nào không hay. Đến lúc tỉnh ra thì đã quá muộn. Bao nhiêu tiền của làm ăn tích cóp cứ thế bay theo khói trắng của những cuộc chơi. Một lần nữa, anh may mắn được trở về Việt Nam.
Gia đình lại giang tay đón anh, đùm bọc anh như một đứa con lầm lạc tìm được lối về. Khi đó anh đã dừng không còn sử dụng heroin nữa, lúc đó anh tròn 21 tuổi. Cũng như bao thanh niên khác anh cũng lập gia đình với người con gái anh yêu thương và có một cậu con trai kháu khỉnh. Cuộc sống tưởng chừng như êm đềm trôi qua như bao gia đình khá. Nhưng không, anh trầm ngâm nhớ lại: “lúc ấy có thằng cu quả thật tôi rất vui, vui lắm.
Vậy mà không hiểu ma dẫn lối, quỷ đưa đường thế nào mà lại bập lại. Cái giống nghiện như bọn anh gọi là có phốt trong người rồi thì chỉ cần hơi “nhích” một tí thì lại tái lại ngay được. Cuộc sống của một người chồng , người cha vô dụng khiến anh lại một lần nữa sang nước ngoài. Lần này anh sang Đức. Mục đích của chuyến đi là để đoạn tuyệt với ma túy, để tránh xa những cám dỗ từ những người bạn sử dụng ma túy. Những ngày đầu mới sang anh cũng không động chạm gì đến cái thứ chết người kia nữa, nhưng một lần nữa cái sự trống vắng, nhớ nhà đến hoang hoải lại xui khiến anh tìm đến ma túy và rồi lại trượt dài theo ngày tháng nghiện ngập.
Vừa làm để kiếm tiền nuôi sống bản thân vừa sử dụng ma túy, anh lại rơi vào cái vòng luẩn quẩn của những cơn thèm nhớ mãnh liệt thôi thúc phải sử dụng. Vậy là sau 4 năm bôn ba xứ người, ngày ra đi gia đình tràn trề hi vọng vào một tương lai sáng ngời, có thể rũ bỏ sạch những hệ lụy của một người nghiện… thì nào ngờ, ngày về anh lại còn thảm hại hơn với một hình hài thân tàn ma dại. Điều đó đã vắt kiệt niềm tin và sự mong mỏi của những người thân trong gia đình. Mẹ anh vì đó mà đổ bệnh, vợ anh không chịu đựng được đã làm đơn ra tòa.
Anh cũng biết mình nên không dám giữ chị ở lại, chỉ chua chát cho cái số phận của mình, bất lực trước cái ma lực ghê gớm của ma túy kia. Nhưng ông trời còn thương anh, không bắt anh phải mất đi điều quý giá nhất trong cuộc đời. Chính là đứa con trai bé bỏng của anh lúc đó đã tuổi. Trước tòa khi được hỏi sẽ ở với ai, mọi người bàng hoàng và chính anh cũng không tin vào tai mình khi cháu khóc và có nguyện vọng muốn sống với bố, người bố mà đã bỏ nó ra đi khi còn đỏ hỏn nay trở về cũng không tròn trách nhiệm của một người cha. Hai bố con ôm nhau khóc trước tòa buồn buồn tủi tủi. Sau lần đó ý thức và trách nhiệm của một người cha làm cho anh quyết tâm một lần nữa đi cai. Anh làm đơn xin đi trại cai nghiện tập chung một năm và rồi anh cũng tái nghiện ngay sau khi ra khỏi trại.
Và cuộc đời anh chỉ thực sự bước sang một trang mới khi anh tìm đến với chương trình điều trị Methadone. Vừa tung nắm cỏ còn hơi mùi sương sớm cho lũ cá đang nhảy lao xao như chờ ông chủ ban cho bữa điểm tâm ngày mới anh vừa cười vừa nói: “chắc em còn nhớ ngày đầu khi anh đến làm thủ tục để uống thuốc chứ ?”.
Vâng anh là một trong số những bệnh nhân khiến tôi ấn tượng và nhớ mãi. Hồi đó, vào một ngày hè nóng oi ả, trong khi các bệnh nhân khác đều đi cùng với người nhà để làm thủ tục thì anh đi hẳn với ….công an khu vực.
Lúc ấy trông anh khổ sở và tiêu tụy vô cùng, khuôn mặt đỏ au vì cái nắng cộng thêm với những tổn thương viêm lỗ chân lông ở hai má càng làm cho sắc mặt anh trông đáng sợ vô cùng. Ấy vậy mà trên khóe mắt còn đang thất thần lo lắng đó hai hàng nước mắt chảy ra. Anh khẩn khoản xin lỗi vì đến muộn, vì không có người nhà đi cùng, vì anh chỉ còn mẹ thôi mà mẹ anh quá già và đang bệnh nên không thể đến được … Anh công an đi cùng ái ngại xác minh điều đó và buông một câu mà chắc anh cũng khó có thể quên được: “ Thôi ưu ái cho nó, nếu nó không được điều trị thì không chỉ mình nó chết đâu”
Anh lý giải, hồi đó anh sợ lắm. Anh sợ không được uống thuốc thì anh sẽ chết mất vì anh nghĩ chỉ có Methadone mới có thể giúp anh thoát khỏi vũng lầy tăm tối đó và chỉ có Mehadone mới có thể giúp anh trở lại làm người. Bởi vậy, anh phải tự mình đi làm các thủ tục, tự mình nhờ anh công an khu vực đến để nói đỡ cho anh. Thực ra anh lo xa chứ sau đó thì anh biết các em ở trung tâm đâu có ghê gớm như anh nghĩ đâu nhỉ.
Trở về nhà tôi cảm thấy lâng lâng một niềm vui. Tôi mừng cho anh, mừng cho sự đổi thay của anh, mừng cho những cố gắng nỗ lực của anh và mừng cho những ai một thời lỡ bước đã và đang tham gia chương trình điêu trị Methadone này.
(Câu chuyện của một bệnh nhân đang điêu trị tại cơ sở điều trị Methadone quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng).
Phạm Thị Thanh Giang, TVV phòng khám MMT Lê Chân , Hải Phòng