Giả danh bệnh nhân lừa cư dân mạng

Dùng nick ảo, sử dụng hình ảnh của bệnh nhân trộm từ nick thật hoặc chụp lén tại bệnh viện, nhiều cá nhân đã trục lợi lòng hảo tâm và sự cả tin của một số cư dân mạng.

Từ khi “nổi tiếng bất đắc dĩ” vì phải cưa chân sau hành động tắc trách của bác sĩ (BS) tại bệnh viện (BV) địa phương và trở thành tấm gương nghị lực, trang Facebook của cô gái trẻ Lê Thị Hà Vi (SN 2000; học sinh Trường THCS và THPT Đông Du; TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã trở thành nơi cô bé nhận được rất nhiều lời động viên suốt hơn 1 tháng điều trị tại các BV. Tuy nhiên, mạng xã hội giờ đây đã trở thành nỗi phiền toái cho Hà Vi và gia đình khi nick của cô bé liên tục bị hack cùng với nhiều trang Facebook, Zalo giả mạo, tự xưng là Hà Vi lần lượt xuất hiện.

Lợi dụng lòng hảo tâm

Tìm kiếm trên Facebook, chúng tôi từng phát hiện được gần chục trang giả mạo Hà Vi. Hễ trang này bị báo cáo vi phạm và bị Facebook khóa, những trang giả mới lại được tạo ra. Trong các status cũng như trao đổi với Báo Người Lao Động, Hà Vi và gia đình bày tỏ lo ngại rằng các kẻ giả danh sẽ lợi dụng câu chuyện của Vi để lừa đảo cư dân mạng về tiền bạc và thực sự điều này đã xảy ra. Bằng các hình ảnh sao chép từ trang thật, các trang Facebook và Zalo giả tự nhận mình là Hà Vi và kết nối với nhiều người.

Giả danh bệnh nhân lừa cư dân mạng - 1

TS-BS Lê Thanh Hùng, Giám đốc BV Nhi Đồng 1, chuyển giao sổ tiết kiệm 1,29 tỉ đồng và hơn 350 triệu đồng tiền mặt từ các nhà hảo tâm cho cha ruột của cháu bé “văng khỏi bụng mẹ” vào năm 2014 trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương và các cơ quan truyền thông

Khác với cô bé Hà Vi thật dùng Facebook để chơi và trò chuyện cùng bạn bè, các trang giả liên tục đăng những status than thở, gợi ý tặng quà cáp, gửi tin nhắn nhờ nạp card điện thoại... Kể cả trang Facebook thật của Hà Vi cũng nhiều lần bị hacker chiếm quyền kiểm soát để làm những hành động tương tự.

Vào cuối năm 2015, BV Nhi Đồng 1 cũng từng phải tổ chức gặp gỡ báo chí khi phát hiện trường hợp một cháu bé bị bỏ rơi tại Khoa Tim mạch bị kẻ xấu lợi dụng. Cháu bé ra đời mắc nhiều dị tật bẩm sinh, từng điều trị tại Khoa Hồi sức sơ sinh rồi Khoa Tim mạch của BV này. Trong thời gian đó, mẹ cháu bé đột ngột mất liên lạc. Trong thời gian điều trị còn lại và chờ hoàn tất thủ tục để đưa đến cơ sở xã hội, cháu bé được các BS của Khoa Tim mạch thay nhau chăm sóc. Tuy nhiên, có người đã lén chụp ảnh cháu bé và đưa ra lời kêu gọi trên Facebook. Phía bệnh viện sợ người dân bị lừa nên đã nhờ các phương tiện truyền thông cảnh báo.

Theo ThS-BS Lê Bích Liên, Phó Giám đốc BV này, BV thi thoảng vẫn gặp các tình huống tương tự. Ngoài ra, còn có các trường hợp người ngoài mượn danh từ thiện, dụ dỗ bệnh nhân phối hợp với mình để chia phần trăm. Khi đó, các ca bệnh là có thật, nghèo thật nhưng tiền họ quyên góp thì không rõ bệnh nhân thực nhận là bao nhiêu.

“Tôi thấy thường đến thẳng BV, hỏi về bệnh nhân và xin đóng tiền tạm ứng viện phí cho họ chứ không đưa cho ai. Thông tin trên mạng xã hội tính xác thực không cao, có khi là một người xa lạ “mượn đầu heo nấu cháo”. Đến gặp người thân của bệnh nhân cũng chưa chắc ăn vì một người bệnh có tới mấy người nuôi, đưa không đúng người thì mình làm từ thiện cũng vô ích. Mấy trường hợp đó, tôi gặp nhiều rồi” - anh Đ.T.Q.V, lãnh đạo một công ty tại quận Bình Thạnh, TP HCM và cũng là một nhà từ thiện thường xuyên lui tới nhiều BV, cho biết.

Muốn giúp đỡ, đừng quên xác minh!

BS Lê Thanh Chiến, Giám đốc BV Trưng Vương, cho rằng việc một người xa lạ lợi dụng hình ảnh bệnh nhân là hoàn toàn có thể xảy ra. “Ví dụ, người ta vác máy quay phim vào thì chúng tôi sẽ kiểm tra xem họ vào BV với mục đích gì. Còn nếu chỉ dùng điện thoại di động lén chụp hình bệnh nhân đang nằm điều trị thì rất khó kiểm soát” - ông Chiến nói.

Còn theo BS Liên, việc người ngoài tìm cách chụp ảnh, quay phim trộm bệnh nhân để lợi dụng không chỉ khiến những người có lòng tốt bị lợi dụng, lừa đảo mà còn ảnh hưởng nhiều đến quyền được bảo vệ thông tin cá nhân của bệnh nhân. “Tôi cho rằng việc đầu tiên cần làm nếu muốn giúp đỡ bệnh nhân là hãy liên hệ với BV để xác minh lại những điều mình đã đọc, đã nghe. Ở BV Nhi Đồng 1, người dân có thể tìm đến đơn vị trợ giúp xã hội (sắp tới sẽ là Phòng Công tác xã hội). Nên hỏi rõ bệnh nhân đó mắc bệnh gì, phải điều trị ra sao, chi phí điều trị và phần đồng chi trả với BHYT bao nhiêu, khả năng của gia đình...” - BS Liên khuyên.

BS Chiến cho biết tại BV Trưng Vương, đơn vị công tác xã hội và Phòng Kế hoạch tổng hợp đều có thể trợ giúp nhà từ thiện trong trường hợp cần xác minh thông tin về bệnh nhân. Hiện nay, công nghệ thông tin đã được ứng dụng rộng rãi trong việc quản lý bệnh nhân, cho nên việc tra cứu nhằm hỗ trợ bệnh nhân nghèo rất dễ dàng.

Cách làm từ thiện an toàn

Một cách làm từ thiện an toàn là nhờ chính BV nơi bệnh nhân đang điều trị làm trung gian. Hiện nay, đa số các BV lớn trong TP đều có đơn vị công tác xã hội đảm nhận khâu này. Theo lãnh đạo các BV, để phần tiền, quà hỗ trợ bệnh nhân được sử dụng đúng mục đích, nhà hảo tâm nên nói rõ yêu cầu của mình, chẳng hạn tặng cho bệnh nhân cụ thể hay tặng chung cho một số bệnh nhân nghèo, tiền đóng góp dùng để đóng viện phí hay hỗ trợ cuộc sống gia đình bệnh nhân...

“Chúng tôi sẽ tư vấn phù hợp dựa trên tình trạng bệnh nhân. Ví dụ, có một em bé bị bệnh mạn tính, muốn điều trị nhiều lần thì tiền hỗ trợ sẽ được đơn vị trợ giúp xã hội chia ra, gửi từng lần để bảo đảm với nhà hảo tâm rằng số tiền được dùng để trang trải chi phí khám chữa bệnh cho em. Với số tiền không gửi đích danh, chúng tôi sẽ đưa vào quỹ để trang trải những trường hợp không có khả năng thanh toán viện phí, không có tiền về xe…” - ThS-BS Lê Bích Liên cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thư (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN