“Gảy đàn” suốt ngày vì trời lạnh
Trời lạnh, thời tiết hanh khô khiến những người viêm da cơ địa, như các bệnh chàm da, khô da, sẩn ngứa, mề đay... phát bực vì ngứa ngáy suốt ngày.
Những ngày lạnh trời, khoa khám bệnh BV Da liễu T.Ư tiếp nhận 200-300 bệnh nhân/ngày có vấn đề về da, nguyên nhân chủ yếu do thời tiết.
Khổ sở... vì ngứa
Chị N.T.H., 32 tuổi, ngụ Q. Hoàng Mai, Hà Nội, đang chờ khám cho biết da chị vốn thuộc loại khô, nhất là trong mùa lạnh thường có hiện tượng bong tróc, ngứa da, đặc biệt là ở vùng đùi, cẳng chân. Vì cho rằng ngứa là do... bẩn nên chị thường xuyên tắm nước nóng và sử dụng xà phòng sát khuẩn mạnh, nhưng càng tắm sạch hiện tượng ngứa càng nặng thêm.
BS Trịnh Xuân Vinh - trưởng khoa điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em (Bệnh viện Da liễu TƯ) - khám một ca vừa nhập viện - Ảnh: QUANG THẾ
Trong khi đó, con gái chị cũng có hiện tượng nẻ mặt, ngứa bề mặt da, nhất là các vùng đùi, cẳng chân, bụng, lưng... giống như mẹ. Ngứa ngáy nên bé gãi suốt ngày gây phồng rộp khắp chân bé khiến cả nhà thấy xót, nhưng mùa đông nào cũng như vậy, mẹ con chị cứ đến hẹn là lại... khô da. Tuy không phải chứng bệnh nặng, song việc phải gãi ngứa suốt ngày trong khi đóng bộ quần áo dày cộp quả là nỗi buồn khó nói.
Theo TS.BS Phạm Lan, khoa khám bệnh BV Da liễu T.Ư, những bệnh về da hay gặp nhất trong mùa lạnh là chàm khô da, viêm da cơ địa, sẩn ngứa, mề đay do lạnh, cước do lạnh... Bệnh thường gặp nhất ở những người lớn tuổi có rối loạn nội tiết, người khô da cơ địa, viêm da cơ địa, trong đó những bệnh nhân có bệnh da mãn tính từ trước thường dễ mắc các bệnh về da và ở mức độ nghiêm trọng hơn so với người bình thường.
Cũng theo bác sĩ Lan, bên cạnh bệnh da do hanh khô, những người sinh sống và làm việc trong môi trường lạnh giá kèm độ ẩm cao thường bị cước hơn những đối tượng khác. Trường hợp bị cước do lạnh có biểu hiện như: đầu ngón chân ngón tay thường bị ngứa, bỏng rát, nhức buốt, nặng hơn có phỏng nước ở những vùng da này. Một số bộ phận khác như đầu mũi, tai cũng có nhiều thương tổn do hiện tượng co mạch máu.
Ngoài ra, theo bác sĩ Lan, trẻ em cũng chịu nhiều tác động của thời tiết lên sức khỏe nhất, trong đó có các bệnh về da trong mùa lạnh. "Mặc dù không có thống kê chính thức nhưng số trẻ em bị viêm da cơ địa do thời tiết lạnh đến khám tại khoa khám bệnh cũng tăng lên đáng kể trong những ngày đặc biệt giá rét như vừa rồi" - bác sĩ Lan cho biết.
Những sai lầm trong chăm sóc da
Theo ThS.BS Nguyễn Hữu Trường, Trung tâm Dị ứng và miễn dịch lâm sàng BV Bạch Mai, nguyên nhân gây sẩn ngứa, nổi mề đay trong mùa lạnh chủ yếu là do việc vệ sinh, chăm sóc da không đúng cách. Bác sĩ Trường giải thích tiết trời lạnh, hanh khô làm gia tăng tình trạng mất nước ở da, trong khi cơ thể lại không được bổ sung nước kịp thời vì thói quen ngại uống nước khi trời quá lạnh. Tình trạng mất nước kéo dài gây ra hiện tượng khô da, ngứa da. Nhiều người "chữa" bằng cách tắm thường xuyên bằng xà phòng có tính sát khuẩn cao và nước quá nóng, chính điều này càng làm tăng mức độ mất nước cho da, làm ngứa da hơn trước. Nhưng càng ngứa và gãi nhiều, tổn thương da càng nghiêm trọng, càng khó điều trị hơn trước.
BS Nguyễn Minh Quang, phó giám đốc BV Da liễu Hà Nội, cho biết người mắc chứng khô da cơ địa, ngứa ngáy khó chịu trong những ngày trời lạnh có thể hạn chế tình trạng này bằng cách bôi kem làm ẩm da thường xuyên, nhất là sau khi tắm tại các vùng da khô, ngứa. Khi tắm nên sử dụng loại sữa tắm ít bọt, tránh loại sữa tắm nhiều bọt, có thành phần xút cao càng gây ngứa nhiều hơn. Bác sĩ Quang hướng dẫn người khô da nên chọn loại sữa tắm để lại cảm giác trơn và ẩm trên da sau tắm.
Cũng theo bác sĩ Quang, người bình thường cũng có cảm giác da khô nẻ, ít đàn hồi hơn trong những ngày hanh và lạnh. Người bệnh chàm da, viêm da cơ địa, khô da... thì hiện tượng này xuất hiện ngay từ khi thời tiết bắt đầu hanh khô và biểu hiện nặng khi thời tiết trở lạnh hơn. Ngoài yếu tố môi trường, việc mặc trực tiếp đồ len, dạ - những vật tích điện, sử dụng lò sưởi nóng hay tắm nước nóng quá nhiều... cũng gây mất nước cho da, từ đó gây ra hiện tượng ngứa, nổi mề đay. Ngoài việc giữ ấm cơ thể trong những ngày trời lạnh, nên tránh mặc trực tiếp đồ len, dạ mà mặc một lớp quần áo chất liệu cotton ở trong cùng, hạn chế tắm nhiều bằng nước quá nóng.
Trong môi trường khô nóng vì sử dụng lò sưởi, điều hòa nhiệt độ, cần bổ sung độ ẩm bằng cách để chậu nước trong phòng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng da khô, mất nước. Với các trường hợp bị cước da do lạnh, mỗi tối nên ngâm vùng da đó trong nước ấm có chút muối hoặc gừng trong khoảng 5-10 phút, sau đó lau khô và ủ ấm. Bên cạnh đó, cần chú trọng việc chăm sóc da bằng các sản phẩm kem giữ ẩm, dưỡng da và bổ sung nước, vitamin cho cơ thể.