Gặp vị BS gắp 300 hạt sỏi khỏi khớp vai bệnh nhân
Phải để đến khi khớp vai trái không thể vận động, cánh tay không nhấc nổi để đưa lên miệng, bắp tay teo lại vì quá lâu ngày không được “sử dụng”, anh Nguyễn Đông Tới mới tìm đến bệnh viện để chữa trị…
Vừa qua, các bác sĩ bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) vừa mổ nội soi khớp vai cho một bệnh nhân, lấy ra được khoảng 300 viên sỏi màu trắng hồng, giống hệt như những hạt trân châu. Nhân dịp này, phóng viên GĐ&XH đã có dịp gặp bác sĩ Vương Trung Kiên (Phó khoa Chấn thương chỉnh hình, BV Xanh Pôn) – người trực tiếp “gắp sỏi” cho bệnh nhân trong ca phẫu thuật này.
Sỏi bao trùm hết vùng khớp vai trái của bệnh nhân Tới
Bác sĩ có thể cho biết tình trạng bệnh nhân khi nhập viện?
- BS Vương Trung Kiên (BS): Bệnh nhân là anh Nguyễn Đông Tới, 37 tuổi, nhà ở Đông Anh (Hà Nội). Theo lời kể của bệnh nhân thì anh bị đau khớp vai trái từ cách đây 10 năm, nhưng đau nặng hơn cách đây 6 năm. Ban đầu anh Tới vẫn nghĩ bị đau do lao động gắng sức nên chủ quan, được nghe mách bảo đi uống thuốc Đông y, chườm nóng, xoa bóp bấm huyệt, châm cứu. Tuy nhiên, bệnh không những không đỡ mà còn nặng thêm. Khi thấy khớp vai trái rất khó cử động, đau ngay cả khi không vận động, dần dần có cảm giác như đông cứng lại, anh đã đi khám và điều trị ở nhiều bệnh viện mà không thấy đỡ.
BS Vương Trung Kiên
Gần đây, khớp vai trái của anh Tới mất vận động hoàn toàn. Theo lời em trai anh Tới, bệnh nhân không thể làm được việc gì, không nhấc nổi cánh tay, không đưa tay lên mặt được. Cánh tay, bắp tay bệnh nhân đã bị teo do thời gian dài không được vận động.
Lúc bấy giờ bệnh nhân mới đến BV Xanh Pôn khám, chụp X quang và cộng hưởng từ. Các bác sĩ tiến hành hội chẩn với TS Nguyễn Hạnh Quang (Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình), TS Bùi Văn Giang (Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh) và kết luận anh Tới bị mắc bệnh u xương sụn màng hoạt dịch.
Đây là trường hợp đầu tiên "sở hữu" số sỏi trong khớp vai nhiều và kích thước lớn như thế này tại BV Xanh Pôn
Kết quả hình ảnh và khám lâm sàng cho thấy, trong ổ khớp vai của anh có rất nhiều sỏi, là nguyên nhân gây ra triệu chứng đau, giảm vận động. Nếu không được phẫu thuật kịp thời thì nguy cơ mất hồi phục khớp vai, nguy cơ tàn phế là điều có thể tiên lượng.
Ca phẫu thuật đã diễn ra như thế nào, thưa bác sĩ?
- BS: Ca phẫu thuật diễn ra trong gần 3 tiếng đồng hồ. Trước đây, chúng tôi đã từng mổ nội soi khớp gối, khớp háng, khớp vai cho nhiều bệnh nhân, nhưng mổ lấy sỏi khớp vai với số lượng nhiều như vậy thì đây là bệnh nhân đầu tiên. So với hai khớp gối, háng, kỹ thuật nội soi khớp vai phức tạp hơn rất nhiều. Trường hợp của anh Tới rất đặc biệt, bệnh đã ở giai đoạn muộn, việc phẫu thuật càng khó khăn hơn.
Chúng tôi đã lấy ra gần 300 viên sỏi, đường kính trung bình mỗi viên sỏi khoảng 10mm, sỏi trắng hồng như những hạt trân châu.
Sau mổ, tôi đưa cho bệnh nhân xem một lọ đầy sỏi, anh Tới rất ngạc nhiên và xin mang về làm “kỷ niệm”! Sở dĩ chúng tôi giữ lại những viên sỏi này là để làm dụng cụ trực quan phục vụ cho công tác giảng dạy, hướng dẫn học viên y khoa!
Hiện nay tình trạng bệnh nhân phục hồi sau mổ ra sao thưa bác sĩ?
- BS: Sau mổ, bệnh nhân được tập hồi phục phục hồi chức năng sớm, chỉ 5 ngày bệnh nhân đã vận động được khớp vai tương đối tốt so với trước đây, triệu chứng đau cũng giảm dần, hiện bệnh nhân đã xuất viện.
Nguyên nhân gây ra u xương sụn màng hoạt dịch là do đâu, thưa bác sĩ?
- BS: Màng hoạt dịch là một màng mỏng, phủ mặt trong của bao khớp, có chức năng tiết ra dịch nhờn bôi trơn bề mặt khớp đảm bảo cho khớp vận động dễ dàng. Khi màng hoạt dịch phát triển bất thường các cấu trúc sụn, kèm theo hiện tượng lắng đọng canxi, là nguyên nhân gây nên bệnh lí u xương sụn màng hoạt dịch. Ban đầu những hạt canxi lắng đọng nằm trong bao hoạt dịch, về sau các hạt này phát triển to lên nhưng có xu hướng lồi vào bên trong ổ khớp.
Ở giai đoạn muộn, hình thành các hạt dính vào màng hoạt dịch bằng một cái cuống, tạo thành từng chùm giống như chùm nho. Khi những “quả nho” rơi vào trong khớp, gây hiện tượng cọ xát, chèn ép vào sụn, làm tổn thương bề mặt khớp, thoái khớp, phá hủy khớp. Bệnh chỉ biểu hiện ở một khớp, hay gặp các khớp lớn như khớp háng, khớp gối, khớp vai...
Cảnh báo nào cho người dân để phát hiện và điều trị bệnh, thưa bác sĩ?
- BS: Khi thấy khớp của mình có biểu hiện đau, mỏi, nhức, hạn chế vận động, vận động khó, khớp sưng lên, người dân phải đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa xương khớp để được thăm khám, chụp chiếu xác định chính xác tình trạng bệnh lý.
Thực tế tại bệnh viện chúng tôi ghi nhận, người dân có một “lỗi lớn” là rất ngại đến bệnh viện, ngại mổ, nhất là ở vùng nông thôn, vùng xa. Khi thấy mình có triệu chứng, không ít người nghe theo lời truyền miệng về một ông lang, bà mế nào đó có khả năng chữa bách bệnh mà không phải mổ xẻ gì nên tìm mọi cách để đến. Đến lúc mọi biện pháp “bó tay” thì mới tìm đến cơ sở chuyên khoa. Nếu đến khám sớm, khớp chưa bị hạn chế vận động nhiều nên cơ chưa bị teo, chưa bị xơ hóa, thì việc điều trị sẽ dễ hơn nhiều, khả năng phục hồi cũng rất nhanh.
Chẩn đoán u xương sụn màng hoạt dịch chủ yếu dựa vào siêu âm, X-quang, cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ. Siêu âm cho phép phát hiện tổn thương ngay ở giai đoạn sớm mới có dấu hiệu phì đại kèm vi vôi hóa bao hoạt dịch. Ở giai đoạn muộn, cần thiết phải có sự kết hợp các phương pháp để chẩn đoán chính xác tổn thương, đánh giá toàn trạng khớp để có cách thức phẫu thuật hợp lí nhất cho người bệnh.
Ở giai đoạn đầu của bệnh, tổn thương mới chỉ ở màng hoạt dịch và chưa xuất hiện sỏi trong ổ khớp, bệnh nhân có thể được điều trị bằng các thuốc chống viêm giảm đau. Ngược lại, khi đã có sỏi ổ khớp là tác nhân phá hủy khớp nhanh chóng, vì thế mà chỉ định mổ là cần thiết, mọi phương pháp điều trị khác đều không còn tác dụng.
Trước đây, phương pháp phẫu thuật là mổ mở cắt vùng bao hoạt dịch bị tổn thương đồng thời gắp sỏi trong ổ khớp. Phương pháp này có hạn chế là lấy sỏi khó khăn và hay bị sót sỏi, đường mổ lớn cùng với việc cắt bao hoạt dịch làm tổn thương khớp nên kết quả phẫu thuật khá hạn chế.
Ngày nay, nhờ có phương pháp mổ nội soi nên việc lấy sỏi trở nên dễ dàng, tránh nguy cơ sót sỏi, đồng thời bao hoạt dịch được bảo tồn, vết mổ nhỏ nên khả năng hồi phục khớp là rất tốt. Phương pháp mổ nội soi còn tránh biến chứng dính khớp, cho phép thực hiện những lần mổ sau khi bệnh nhân tái phát sỏi trong ổ khớp.
Xin cảm ơn bác sĩ!