Gần 9 triệu người trưởng thành ở Việt Nam mắc bệnh thận, nhiều người bị bỏ sót ở giai đoạn sớm
Tỷ lệ bỏ sót chẩn đoán bệnh thận mạn hiện nay còn rất cao, đặc biệt ở giai đoạn sớm do các triệu chứng của bệnh không điển hình.
Tại Lễ phát động Chương trình tầm soát bệnh tim mạch – thận nhân Ngày sức khỏe thế giới do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phát động, TS. BS. Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam nhấn mạnh, trong các bệnh không lây nhiễm, bệnh thận mạn là một bệnh lý tiến triển, có tỷ suất mắc cao, chưa được chẩn đoán kịp thời và quan tâm đúng mức, là một gánh nặng cho bệnh nhân, gia đình và xã hội cũng như cho nền y tế quốc gia.
Tuy nhiên, tỷ lệ bỏ sót chẩn đoán bệnh thận mạn hiện nay còn rất cao, đặc biệt ở giai đoạn sớm do các triệu chứng của bệnh không điển hình, chỉ có khoảng 4,5-15,5% bệnh nhân bệnh thận mạn giai đoạn 3 được chẩn đoán. Điều này dẫn đến gánh nặng trong điều trị ở giai đoạn trễ như lọc máu, thay thế thận… càng lớn hơn.
TS. BS. Hà Anh Đức, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam.
Tại Việt Nam, có hơn 8,7 triệu người trưởng thành mắc bệnh thận mạn, chiếm 12,8% dân số, là nguyên nhân gây tử vong thứ 8 tại Việt Nam vào năm 2022.
Việt Nam hiện có hơn 400 đơn vị chạy thận nhân tạo và cung cấp dịch vụ lọc máu cho khoảng 30.000 bệnh nhân mắc bệnh thận giai đoạn cuối mỗi năm, tuy nhiên mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu của bệnh nhân cần lọc máu trên cả nước. Chi phí quản lý bệnh thận mạn ở nước ta cao hơn GDP bình quân đầu người và chi phí lọc máu cao gấp 4 lần so với chi phí điều trị bệnh thận mạn ở các giai đoạn sớm. Vì vậy, việc chẩn đoán và điều trị sớm bệnh thận mạn, cũng như làm chậm quá trình suy giảm chức năng thận, điều trị thay thế thận sẽ đem đến đến những lợi ích đáng kể và lâu dài về kinh tế đồng thời làm giảm gánh nặng cho ngành y tế.
Chính vì vậy, bệnh thận mạn cần được chú trọng nhiều hơn, không chỉ từ các cán bộ y tế mà còn cần sự quan tâm chỉ đạo của các cấp quản lý, ngay từ bước tầm soát và chẩn đoán cho bệnh nhân có nguy cơ cao.
Người dân được khám tầm soát bệnh không lây nhiễm.
Đại diện Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết, các chương trình của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và các đơn vị đối tác sẽ tập trung vào huy động rộng rãi sự tham gia của cộng đồng, các đơn vị chuyên môn và các tổ chức để cùng nâng cao năng lực chẩn đoán, cải thiện chất lượng điều trị, chăm sóc, và quản lý bệnh không lây nhiễm mạn tính thông qua việc triển khai các công cụ kỹ thuật số. Hướng tới một nền y tế bền vững, cùng nhau, chúng ta có thể và sẽ làm nên sự khác biệt, vì Việt Nam và thế giới khỏe mạnh.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh thận mạn là một bệnh không lây nhiễm thường gây ra bởi đái tháo đường và tăng huyết áp – là một vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng. Tử vong do bệnh thận mạn đã gây ra 4,6% tử vong trên toàn cầu và nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 12 vào năm 2017. Chi phí kinh tế y tế liên quan đến điều trị bệnh thận mạn có thể lên đến hàng tỉ đô la Mỹ mỗi năm, chiếm 2,4% – 7,5% chi tiêu y tế hàng năm của quốc gia, trong đó chi phí chi trả cho chạy thận nhân tạo đặc biệt tăng cao.
Ông Fairlie Shane Francis, Trưởng Điều phối viên Truyền thông Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết, thực tế là ít nhất 4,5 tỷ người - hơn một nửa dân số thế giới - không được cung cấp đầy đủ các dịch vụ y tế thiết yếu vào năm 2021.
Để giải quyết những thách thức này, chủ đề của Ngày Sức khỏe Thế giới 2024 được lựa chọn là “Sức khỏe của tôi, quyền của tôi” để bảo vệ quyền của mọi người, ở mọi nơi được tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục và thông tin có chất lượng. Việc ứng dụng công nghệ cao và sự tham gia của nhiều tổ chức sẽ củng cố thêm quyền và điều kiện tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người dân.
Chế độ ăn uống có ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng của thận. Vì vậy, những người bị bệnh thận mạn tính thường được khuyên tránh một số loại thực phẩm...
Nguồn: [Link nguồn]