Gần 70% dân số cả nước tham gia bảo hiểm y tế

Điều kiện tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện chưa hợp lý dẫn đến tình trạng lựa chọn ngược khi tham gia.

Thực hiện Quyết định số 823/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về ngày Bảo hiểm Y tế Việt Nam, ngày 26/6, Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức mít tinh kỷ niệm Ngày Bảo hiểm Y tế Việt Nam (1/7 hằng năm).

Sau hơn 20 năm tổ chức triển khai thực hiện, đặc biệt là từ khi Quốc hội ban hành Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT), chính sách BHYT ở Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng, góp phần tích cực trong việc xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Số đối tượng tham gia BHYT phát triển nhanh chóng qua các năm, đặc biệt là người thuộc diện chính sách xã hội như người nghèo, người dân tộc thiểu số sống ở vùng khó khăn...

Theo đó, diện bao phủ BHYT ở nước ta đã tăng từ 60% năm 2010 lên 65% năm 2011; đến năm 2013 có trên 61 triệu người tham gia BHYT, đưa diện bao phủ BHYT lên gần 70% dân số cả nước. Riêng năm 2013, quỹ BHYT đã chi trả cho trên 131 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT với số chi trên 42.000 tỷ đồng, trong đó có hàng chục triệu người nghèo, người có công với nước, người mắc bệnh hiểm nghèo.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách BHYT cũng nảy sinh một số tồn tại, hạn chế như ý thức tự giác tham gia BHYT của một bộ phận người dân chưa cao, tính tuân thủ pháp luật về BHYT tại một số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân còn thấp; còn nhiều đơn vị trốn, nợ đóng BHYT cho người lao động.

Bên cạnh đó, quy định về điều kiện tham gia BHYT tự nguyện chưa hợp lý dẫn đến tình trạng lựa chọn ngược khi tham gia BHYT. Cơ chế quản lý thuốc chữa bệnh chưa đạt hiệu quả như mong muốn; việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế còn phân tán, khó kiểm soát. Tình trạng lạm dụng quỹ BHYT vẫn chưa được khắc phục triệt để. Đặc biệt thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã phát hiện một số cơ sở khám chữa bệnh có hiểu hiện rõ nét về việc trục lợi quỹ BHYT.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, để giải quyết những bất cập trên, hiện  Bộ Y tế đang phối hợp với các cơ quan chức năng tập trung nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT, tăng cường hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh và giảm dần chi phí mà người dân phải bỏ tiền túi khi đi khám chữa bệnh BHYT.

Bộ trưởng cũng cho biết, thời gian qua, Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã ban hành Quyết định 1313 nhằm giảm phiền hà trong thanh toán BHYT tại các bệnh viện từ 9 thủ tục xuống còn 6 thủ tục. Bên cạnh đó, Bộ cũng đang có chủ trương thành lập phòng BHYT tại các Sở Y tế, đồng thời tại mỗi bệnh viện sẽ phải có một cán bộ chuyên trách BHYT để thực hiện tốt hơn chính sách này.

                                                                                             

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thúy Hà (Chinhphu.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN