Gần 30% trẻ em Việt Nam bị suy dinh dưỡng thấp còi
“Ở Việt Nam, tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi là 25,9%, cứ bốn trẻ thì có hơn một trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi”.
PGS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế), cho biết nhân “Ngày vi chất dinh dưỡng” diễn ra chiều 1/12.
Theo ông Tuyên, thiếu vi chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự tăng trưởng và phát triển của tất cả trẻ em. Nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho thấy chế độ ăn của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không cung cấp đầy đủ năng lượng, chất dinh dưỡng và vi chất dinh dưỡng cho trẻ để có sự phát triển tối ưu.
“Ở Việt Nam, tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi là 25,9%, cứ bốn trẻ thì có hơn một trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi”.
Kết quả điều tra của Viện Dinh dưỡng cho thấy, hơn 9% trẻ em bị thiếu máu, gần 13% bị thiếu sắt và gần 52% thiếu kẽm, hơn 14% thiếu hụt vitamin A. Thiếu vi chất ảnh hưởng tới sự phát triển tinh thần và thể lực của trẻ em, tới năng suất lao động của người Việt Nam.
“Thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng đến sự phát triển về tinh thần và thể lực của trẻ, năng suất lao động sẽ giảm”, ông Tuyên nhấn mạnh.
Hiện Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã có những giải pháp phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng cho trẻ từ 6-36 tháng tuổi. Trẻ uống vitamin A liều cao 2 lần/năm, cung cấp viên sắt cho phụ nữ có thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được áp dụng trong toàn quốc.
Ông Tuyên chia sẻ: “Chúng tôi nhận thấy giải quyết vấn đề thiếu vi chất dinh dưỡng không đơn giản, cần một chiến lược đồng bộ với những giải pháp khác nhau”.
Với sự hỗ trợ của Liên minh toàn cầu về cải thiện dinh dưỡng, Viện dinh dưỡng đã được chỉ định để xây dựng dự án “cải thiện tình trạng dinh dưỡng bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”.
Dự án hướng tới 24 nghìn trẻ em, đưa ra giải pháp tăng cường vi chất thuận tiện và dễ dàng cho các bà mẹ để cung cấp mức vi chất dinh dưỡng vừa đủ trong chế độ ăn hằng ngày của trẻ.