Duy trì những thói quen này sẽ giúp giảm nguy cơ mắc căn bệnh bà Nga trong “Thương ngày nắng về” gặp phải
Alzheimer – căn bệnh bà Nga trong phim Thương ngày nắng về gặp phải được coi là “nỗi ám ảnh” của người già. Tuy nhiên, bệnh có thể được phòng ngừa và giảm nhẹ biến chứng thông qua một số thói quen tích cực.
Bộ phim Thương ngày nắng về đã chính thức kép lại sau 54 tập, để lại nhiều cảm xúc trong lòng khán giả. Càng về cuối, các tình tiết của phim càng lấy đi nhiều nước mắt của người xem, nhất là chi tiết bà Nga (NSƯT Thanh Quý thủ vai) mắc bệnh Alzheimer – một bệnh lý hay gặp ở người cao tuổi.
Nhiều người xót thương "mẹ Nga" cả đời hy sinh vì con, vì cháu cuối cùng lại chịu thêm gánh nặng bệnh tật. Căn bệnh này khiến bà nhớ nhớ quên quên, thậm chí có khi bà còn chẳng nhận ra người thân của chính mình.
Những tập cuối của bộ phim Thương ngày nắng về, bà Nga được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer. Ảnh TL
Dù chỉ là nhân vật trên phim nhưng thực tế, bệnh Alzheimer cũng là "nỗi ám ảnh" của không ít gia đình có người mắc phải. Vậy, Alzheimer là bệnh gì? Nguy hiểm đến mức nào?
Theo các bác sĩ, Alzheimer là một bệnh lý thoái hóa thần kinh, bắt đầu ở vùng hải mã (một khu vực của não liên quan tới khả năng ghi nhớ) và sau đó lan đến phần còn lại của cấu trúc não. Triệu chứng chính của bệnh Alzheimer là suy giảm trí nhớ. Những triệu chứng này làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày và có thể ảnh hưởng đến khả năng tự lập.
Nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer tăng lên theo tuổi tác, bắt đầu từ khoảng 65 tuổi. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, một số yếu tố có khả năng thúc đẩy căn bệnh này phát triển như: Bệnh tiểu đường; stress, căng thẳng và phiền muộn kéo dài; cholesterol cao; hút thuốc; ít giao tiếp xã hội…
Đến nay, bệnh Alzheimer chưa có thuốc điều trị khỏi hoàn toàn nhưng nếu bệnh nhân sống giữa sự cảm thông thì diễn tiến bệnh sẽ chậm hơn hoặc ít ra người bệnh sẽ không tủi thân vì sự vô cảm của những người xung quanh.
Hơn nữa, Alzheimer xảy ra do tiến trình lão hóa não bộ theo thời gian và tuổi tác. Bệnh có thể đến sớm hay muộn, mức độ trầm trọng hay giảm nhẹ là do lối sống và sinh hoạt của mỗi người.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, có nhiều cách để phòng ngừa bệnh đến sớm và kiểm soát biến chứng nguy hiểm của bệnh như phòng ngừa bệnh tim mạch, tập thể dục thường xuyên, tránh các chấn thương vùng đầu, ăn uống khoa học, ngủ đúng giờ...
Ảnh minh họa
Một số thói quen giúp phòng ngừa bệnh Alzheimer như:
Luyện tập trí não thường xuyên
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, những người luôn cố gắng ghi nhớ và hoạt động não bộ sẽ ít có nguy cơ mất trí nhớ và mắc bệnh Alzheimer hơn những người "lười" hoạt động trí não.
Một số hoạt động tốt cho não bộ như: Đọc sách báo thường xuyên; chơi đố chữ hay những trò chơi trí tuệ; ghi chép lại các hoạt động trong ngày; học ngoại ngữ…
Ngủ đủ giấc
Chất lượng giấc ngủ kém tương đương với mức beta-amyloid cao hơn (1 loại protein làm tắc nghẽn não ngăn ngừa giấc ngủ sâu). Cùng với đó, thiếu ngủ ảnh hưởng đến suy nghĩ và tâm trạng, gia tăng nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer hơn.
Vì vậy, cần ngủ đủ giấc và cố gắng tạo 1 nhịp sinh học tự nhiên bằng cách đi ngủ và thức dậy vào 1 thời điểm nhất định và đều đặn mỗi ngày. Điều này rất có lợi cho não bộ, giúp giảm nguy cơ suy giảm trí nhớ về sau.
Tránh căng thẳng, stress
Khi stress tăng cao, cơ thể bài tiết quá nhiều cortisol làm teo vùng hải mã của não, nơi đảm nhận việc xử lí trí nhớ và giúp não phát triển. Do đó, khi bị stress, não sẽ trở nên rối loạn và làm trí nhớ ngày càng suy giảm.
Tập thể dục hàng ngày
Theo một nghiên cứu của các nhà nghiên cứu Mỹ và Brazil được công bố vào tháng 1/2019, tập thể thao hàng ngày sẽ bảo vệ trí nhớ, khả năng nhận thức và chất xám, do đó giúp kiểm soát bệnh Alzheimer.
Cụ thể, tập thể dục giúp giải phóng trong cơ thể hormone irisin làm tăng tốc sự hình thành các liên kết mới giữa các tế bào thần kinh và củng cố các kết nối đã có từ trước. Một số môn thể thao hữu ích được khuyến nghị tập luyện như: Yoga, đi bộ, đi xe đạp...
Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng
Để phòng ngừa bệnh Alzheimer, cần có chế độ ăn giàu vitamin B12 và axit folic, vì đây là các vitamin chịu trách nhiệm hình thành DNA và duy trì các tế bào thần kinh khỏe mạnh.
Cùng với đó, bổ sung vitamin E (có nhiều trong đậu tương, giá, vừng, lạc, hạt hướng dương...) và uống trà xanh thường xuyên bởi một cốc trà xanh (khoảng 200 ml) chứa tới 400 mg flavonols. Theo một nghiên cứu của Mỹ được công bố vào tháng 1/2020, bổ sung đầy đủ flavonols hàng ngày có thể giúp ngăn ngừa bệnh Alzheimer, ngay cả khi đã 80 tuổi. Do đó, khuyến nghị nên dùng một cốc mỗi ngày, tốt nhất là uống vào buổi sáng.
Ngoài ra, tăng cường tiêu thụ nhiều omega 3 bởi DHA trong các axit béo omega 3 có thể giúp ngăn ngừa Alzheimer và mất trí nhớ bằng cách giảm các mảng beta-amyloid. Đồng thời, hạn chế đường ngọt và giảm tiêu thụ thức ăn nhanh, thực phẩm đóng gói sẵn để tránh gây hại cho sức khỏe, gia tăng nguy cơ mắc bệnh.
Nguồn: [Link nguồn]
Thay đổi trong thói quen ăn uống có thể khống chế sự suy giảm nhận thức. Theo một nghiên cứu, vang đỏ và phô mai có thể chống lại bệnh Alzheimer một cách hiệu quả.