Dùng thuốc tê cho trẻ mắc tay chân miệng
Ngày 16.1, tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, vừa bước vào năm 2015, Hà Nội đã có 5 ổ dịch bệnh tay chân miệng, với tổng số 36 trẻ mắc.
Năm 2014, Hà Nội ghi nhận 1.170 trường hợp mắc ở 26/30 quận, huyện. Theo PGS-TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, năm 2014, cả nước ghi nhận 80.685 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó 8 trường hợp tử vong. So với năm 2013, số mắc và tử vong giảm. Tuy nhiên, bệnh vẫn lưu hành ở mức cao, khó khống chế.
Trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại Hà Nội.
Theo TS Phu, chủng virus gây bệnh tay chân miệng hiện lưu hành rộng rãi, chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, việc chăm sóc trẻ đúng cách cũng là một “liều thuốc” hữu hiệu để đẩy lùi bệnh cho trẻ. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh tay chân miệng là sốt, đau họng, đau miệng, loét miệng với các vết phồng rộp, mọng nước ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, phát ban phồng nước ở lòng bàn tay, chân, gối, mông. Bệnh có thể tự khỏi nhưng cũng dễ gây biến chứng nguy hiểm như viêm não màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời.
“Cách phòng bệnh hiệu quả là vệ sinh tay chân sạch sẽ cho trẻ, rửa tay dưới vòi nước nhiều lần. Không cho trẻ ngậm đồ chơi, ăn bốc, mút tay. Cách ly trẻ bị bệnh ít nhất 10 ngày” - TS Phu nhấn mạnh.
BS Nguyễn Thành Nam – Phó Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, khi trẻ bị các nốt phỏng ở miệng, đau đớn, không chịu ăn thì người lớn không nên sốt ruột, vội vàng dùng khăn sữa, bông gạc để vệ sinh cho trẻ. Vì việc kỳ cọ miệng có thể khiến các nốt phỏng bị vỡ, trẻ càng đau rát, khó ăn hơn, thậm chí gây bội nhiễm viêm nha chu, nấm miệng. “Khi trẻ sốt cao trên 38,5 độ C thì nên dùng thuốc cho trẻ theo đúng hướng dẫn, từ 4-6 tiếng/lần tùy theo cân nặng của trẻ. Nếu trẻ đau khóc, không ăn được thì có thể bôi thuốc gây tê bề mặt, sát khuẩn miệng trước bữa ăn khoảng 15 phút, trẻ sẽ bớt đau, dễ ăn uống hơn” – bác sĩ Nam cho biết.