Dùng mỹ phẩm đểu: Trả giá quá đắt
Liên quan đến việc sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, đã có nhiều bài phản ánh, cảnh báo người sử dụng về những tác hại nghiêm trọng tới sức khỏe khi sử dụng những loại mỹ phẩm này.
Tuy nhiên, theo số liệu tổng hợp từ các bệnh viện chuyên khoa da liễu, số ca nhập viện điều trị bệnh có liên quan đến việc dùng mỹ phẩm trôi nổi ngày càng đông. Việc điều trị cho những trường hợp này gặp nhiều khó khăn, đặc biệt khi thời tiết đang vào thời điểm giao mùa như hiện nay.
Mỹ phẩm hàng hiệu giá ... “bèo”
Thông tin từ Khoa Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, hầu hết bệnh nhân dị ứng mỹ phẩm nằm trong lứa tuổi 18 - 25. Tác nhân gây dị ứng nhiều nhất là kem dưỡng da, chiếm 1/3 số ca dị ứng mỹ phẩm; các loại kem tổng hợp chiếm 22%; thuốc nhuộm tóc được xếp vào hàng thứ ba, với 20%; tiếp theo là phấn...
Có nhiều người bệnh đến khám và điều trị do dị ứng mỹ phẩm. Nguồn: Google
Cũng theo khảo sát của phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống, mặt hàng mỹ phẩm được bày bán tràn lan, công khai từ các shop mỹ phẩm đến chợ đầu mối, vỉa hè, lòng đường, trong các khu chợ sinh viên. Nhãn mác rất phong phú đủ chủng loại kể cả những thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng cũng có mặt với giá rất rẻ.
Nếu như giá bán các sản phẩm chính hãng rất đắt, nhiều sản phẩm lên tới hơn 1 triệu đồng thì cùng sản phẩm đó bán tại chợ có giá rẻ chỉ bằng một nửa, thậm chí còn rẻ hơn nữa. Tại chợ Hôm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cũng dành riêng một dãy bán đủ các loại mỹ phẩm. Các lô mỹ phẩm của chủ kiốt ở đây phần lớn đều mang nhãn nước ngoài, ghi tiếng Nhật, Trung Quốc hoặc tiếng Anh mà không có nhãn phụ tiếng Việt. Theo một chủ kiốt chuyên kinh doanh mỹ phẩm tại đây, người tiêu thụ chủ yếu các mặt hàng này là sinh viên hoặc nhân viên văn phòng..., những đối tượng có thu nhập thấp. Chủ cửa hàng cũng không giấu giếm, cho biết, hầu hết các lô hàng mỹ phẩm này đều có một mối đưa đến và hàng nhập từ Trung Quốc. Khi hỏi về chất lượng thì chủ cửa hàng lảng tránh trả lời.
Thực tế, hàng mỹ phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc không chỉ có mặt tại những chợ đầu mối hay bày bán ở vỉa hè, lòng đường, do có lợi nhuận lớn nên không ít chủ các shop thời trang cũng “trộn” dòng sản phẩm này vào cửa hàng bằng cách khoác những nhãn mác nổi tiếng, bán với giá rất cao nhằm tạo lòng tin cho khách hàng về chất lượng sản phẩm.
Sản phẩm đã được bán ra, chỉ có người sử dụng “gánh” hậu quả về sức khỏe do mỹ phẩm rởm gây ra. Theo ghi nhận của phóng viên, tại Viện Da liễu TW hầu như tháng nào cũng có nhiều bệnh nhân bị dị ứng do sử dụng mỹ phẩm giả, mỹ phẩm kém chất lượng vào đây chữa trị. Tại Khoa Khám bệnh, bác sĩ đã lưu giữ khá nhiều vỏ hộp mỹ phẩm mà người bệnh đem đến, phần lớn là kem bôi trắng da, chữa nám và son môi. TS. Vũ Đức Lợi, Phó Viện trưởng Viện Hóa học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, ông đã từng làm các xét nghiệm về son môi và tìm thấy có chất chì trong đó. Chì là chất nguy hiểm, trước đây, một loạt trẻ em đã bị ngộ độc chì trong thuốc cam, thậm chí có trẻ còn tử vong. Chì có trong son môi là độc hại, nhưng ở mức nào còn phụ thuộc vào định lượng.
Một trường hợp bị dị ứng mỹ phẩm đang điều trị tại BV. (Ảnh: Thu Trịnh)
Không tự ý điều trị
Tác hại trực tiếp do dùng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc gây ra cho người sử dụng là dị ứng, tuy nhiên không ít trường hợp, người sử dụng không biết tác nhân gây dị ứng là mỹ phẩm đã sử dụng nên tự ý mua thuốc điều trị dẫn tới viêm da, thậm chí nhiễm khuẩn. Theo TS.BS. Vũ Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội, thời gian gần đây, bệnh viện tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân bị dị ứng do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả trường hợp dị ứng do dùng mỹ phẩm.
Theo TS.BS. Vũ Mạnh Hùng, nhiều bệnh nhân bị dị ứng, viêm da tiếp xúc do côn trùng (bướm, bọ... bám vào khăn mặt, quần áo phơi ngoài trời...), dị ứng do dùng mỹ phẩm nhưng lầm tưởng là zona hoặc dị ứng thức ăn nên đã tự ý mua thuốc bôi, điều trị, khiến các nốt dị ứng bị phản ứng phồng rộp, viêm nhiễm, loét da... TS.BS. Hùng cũng khuyến cáo: Khi bị dị ứng, viêm da do côn trùng, hoặc nghi do mỹ phẩm, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám, tránh tự ý mua thuốc về bôi, dùng nước xà phòng rửa chỗ ngứa, tránh làm tăng kích ứng da.
Theo TS. Nguyễn Sĩ Hóa, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, mỹ phẩm cao cấp đến đâu cũng không loại trừ hoàn toàn nguy cơ gây dị ứng với cơ thể. Bản chất các loại mỹ phẩm dù được sản xuất từ nguyên liệu tự nhiên vẫn có chứa một số loại hóa chất, dù với lượng nhỏ cũng có thể gây hại cho những người bị dị ứng với chất đó.
Thêm nữa, một sản phẩm mỹ phẩm có thể an toàn với người này nhưng chưa chắc an toàn với người khác. Kể cả với một người dùng cùng một loại mỹ phẩm ở 2 thời điểm khác nhau vẫn có thể bị dị ứng, phản ứng, nổi mụn hay bỏng da do sức khỏe của cơ thể thay đổi, sức khỏe của làn da cũng thay đổi nên những phản ứng của nó với các chất tại từng thời điểm cũng khác nhau.