Dùng kem chống nắng kiểu này biến 'cứu tinh' thành 'tội đồ' của da

Kem chống nắng được coi là “cứu tinh” bảo vệ làn da. Tuy nhiên, sử dụng sai cách sẽ không đạt hiệu quả bảo vệ, thậm chí gây hại cho da.

Mùa hè nắng nóng, nhu cầu sử dụng kem chống nắng của chị em phụ nữ tăng cao. Theo ThS.BS Trịnh Minh Trang - Khoa Laser và Săn sóc da, Bệnh viện Da liễu Trung ương, kem chống nắng là vật dụng không thể thiếu trong mùa hè nhằm bảo vệ cho làn da khỏi những tác hại cấp tính như cháy da, bỏng da hoặc tránh khỏi nguy cơ sạm da, rám má và ung thư da. Tuy nhiên dùng kem chống nắng thể nào cho đúng và đạt hiệu quả cao nhất thì không phải ai cũng biết.

Dùng kem chống nắng sai cách vừa mất tác dụng bảo vệ, vừa hại da. Ảnh minh họa

Dùng kem chống nắng sai cách vừa mất tác dụng bảo vệ, vừa hại da. Ảnh minh họa

Theo đó, nhiều người vẫn chưa hiểu về kem chống nắng hoặc có hiểu biết nhưng dùng sai cách. Dưới đây là những sai lầm thường gặp khi dùng kem chống nắng:

Dùng kem chống nắng không phù hợp với làn da

Không phải bất cứ loại kem chống nắng nào cũng cho hiệu quả như mong muốn. Chính vì vậy, cần xác định kem chống nắng đó có phù hợp với làn da hay không trước khi sử dụng.

Chẳng hạn, nếu sở hữu làn da nhạy cảm nhưng lại dùng kem chống nắng hoá học, dễ gây kích ứng da. Còn với da dầu hoặc hỗn hợp dầu, nếu dùng kem chống nắng không có thành phần giúp kiềm dầu rất dễ gây bít tắc lỗ chân lông khiến da bí bách, nổi mụn.

Chỉ bôi kem chống nắng 1 lần/ngày

Các chuyên gia da liễu cho biết, hầu hết các loại kem chống nắng đều sẽ giảm dần tác dụng sau khoảng 2-3 tiếng sau khi bôi lên da. Trường hợp vận động ngoài trời, đổ nhiều mồ hôi, thời gian trên càng rút ngắn.

Do đó, chỉ bôi kem chống nắng một lần/ngày, đồng thời hoạt động ngoài trời suốt nhiều giờ đồng hồ sẽ khiến làn da không được bảo vệ. Ánh nắng càng gay gắt khiến nguy cơ da bị phồng rộp, cháy nắng sẽ càng cao. Tia UVA từ ánh nắng có thể đi sâu xuống lớp hạ bì, phá vỡ cấu trúc da. Từ đó, tạo nên đốm đồi mồi, nếp nhăn và nhiều dấu hiệu lão hóa khác.

Bôi quá ít kem chống nắng

Dưới ánh nắng gay gắt, lượng kem chống nắng quá mỏng sẽ khiến hiệu quả bảo vệ làn da kém trước các tia cực tím. Vì vậy, chuyên gia da liễu khuyến cáo, nên thoa kem chống nắng theo liều lượng hướng dẫn. Nếu đi biển, làm việc ngoài trời thì cần lượng kem nhiều hơn.

Sử dụng kem chống nắng không đúng quy trình

Theo các chuyên gia, bôi kem chống nắng kết hợp các sản phẩm khác như dưỡng da, dưỡng ẩm, kem nền... không đúng quy trình sẽ giảm tác dụng.

Cụ thể, 2 tác dụng của kem chống nắng là chống nắng cơ chế vật lý, giống như một lớp vật liệu che phủ da và chống nắng cơ chế hóa học, tức tạo ra tương tác hóa học để thay đổi sự hấp thu, chuyển hóa các tia bức xạ đến da.

Nếu bôi kem chống nắng ngay sau khi dùng các sản phẩm chăm sóc da khác sẽ làm loãng kem hoặc thay đổi tính chất vật lý, hóa học, do đó giảm tác dụng.

Vì vậy, nếu trước đó bôi kem dưỡng ẩm, phải để kem có thời gian hấp thu vào trong da mới bôi kem chống nắng lên. Thông thường thời gian bôi các sản phẩm dưỡng da cách nhau ít nhất 15 -20 phút.

Sử dụng kem chống nắng sau khi dưỡng da và trước trang điểm. Nếu không dưỡng da, bôi trực tiếp kem chống nắng lên da mặt. 

Không tẩy trang sau khi dùng kem chống nắng

Nhiều chị em cho rằng không cần tẩy trang khi thoa kem chống nắng, chỉ khi nào trang điểm mới cần. Đây là một sai lầm. Bởi những hoạt chất có trong kem chống nắng nếu không được loại bỏ một cách triệt để sẽ tích tụ lâu ngày trên da gây hiện tượng bít tắc lỗ chân lông, là nguyên nhân chính hình thành nên vùng da xỉn màu, bị mụn, lão hóa sớm.

Việc tẩy trang làm sạch sẽ lấy đi toàn bộ dầu thừa, bụi bẩn trên da, giúp da sạch sâu, thoáng mát hạn chế nguy cơ hình thành mụn.

Sử dụng kem chống nắng đúng cách:

- Làm sạch da trước khi bôi kem chống nắng

- Bôi kem chống nắng trước khi ra nắng 15-20 phút

- Sau 2-3 tiếng, dùng bông tẩy trang lau sạch lớp kem chống nắng cũ rồi mới thoa lớp kem mới lên

- Sử dụng kem chống nắng kể cả những ngày râm mát hoặc có nắng nhẹ

Các chuyên gia khuyến cáo, nên lựa chọn các sản phẩm kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên để có thể chống lại được cả tia UVA và UVB. 

Cùng với đó, hạn chế ra ngoài vào những thời điểm mà tia cực tím nhiều như từ 10 giờ sáng đến 15 giờ chiều. Nếu phải ra ngoài vào thời điểm trên, ngoài việc bôi kem chống nắng nên kết hợp sử dụng thêm các biện pháp chống nắng khác như: Mặc quần áo dài tay, sử dụng găng tay, đeo khẩu trang, đeo kính râm…

Nắng nóng oi bức, cần bỏ ngay những thói quen sau kẻo sốc nhiệt, đột quỵ

Ngày hè nóng bức mà cứ mắc phải những thói quen này chỉ khiến bạn có nguy cơ bị đột quỵ rất cao. Do đó, cần nắm rõ những thói quen sau để chủ động sửa ngay từ sớm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Khôi ([Tên nguồn])
Sai lầm trong ăn uống, sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN