Dùng giấy báo gói thức ăn gây nguy hiểm chết người
Từ lâu, giấy báo đã được các bà các mẹ tận dụng để gói thức ăn, nhất là gói xôi. Đến cả bây giờ, khi ra ngoài hàng mua xôi ăn sáng nếu để ý bạn vẫn có thể thấy nhiều người bán hàng dùng báo để gói xôi.
Có người thì gói trước một lớp túi nilong hoặc một lớp lá sen rồi mới gói bằng báo, nhưng cũng có người bán hàng gói trực tiếp xôi bằng báo.
Một mặt là vì tiện và cũng là vì tạo lợi nhuận, bớt đi một khoản tiền mua các loại hộp đựng an toàn hơn. Nhưng họ không lường trước được nguy hiểm từ những tờ giấy báo mà họ tận dụng.
Hình minh họa
Nhiễm chì từ mực in
Một số nghiên cứu ở Trung Quốc và Đài Loan cho biết loại mực dùng để in báo chứa nhiều nguyên tố gây hại như: ethanol, isopropanol, toluen,…đặc biệt là PCBs (Polychlorinated Biphenyls).
Khi được làm khô chúng đã giảm bớt khả năng gây hại nhưng với sức khỏe con người thìvẫn phát huy tác hại khôn lường khi bạn ăn phải hay hít phải chúng.
Báo dù là báo in màu hay in trắng đen cũng đều dùng mực in. Cùng với đó là loại mực dùng để in giấy báo cần phải có độ bám dính cao, trong đó nó có thành phần chì rất nặng.
Đặc biệt, chì không bị phân giải trong nước, không bị ôxy hóa, nên một khi đã vào cơ thể sẽ được các tổ chức như mỡ, não, gan... hấp thu và tồn trữ lại, rất khó bị thải ra ngoài. Một nghiên cứu cũng cho thấy trong 1kg giấy sách báo chứa 0,1 - 1mg chất độc của chì, nếu cơ thể người chứa khoảng 0,5 - 2mg chất độc này sẽ có những biểu hiện nhiễm độc như phù mi mắt, ra mồ hôi bàn tay, buồn nôn hoặc nôn...
Khi gặp nhiệt độ cao từ những thực phẩm nóng thì độc nguy hiểm của nó còn cao hơn ở mức bình thường.
Tuy nhiên, việc sử dụng giấy báo để gói xôi, bọc bánh hiện nay lại vô cùng phổ biến khiến nguy cơ nhiễm độc chì ở những người thường xuyên ăn thực phẩm bọc bằng giấy báo là rất cao. Nhiễm độc chì có thể gây biến đổi gen của tế bào, tác động đến quá trình di truyền của cơ thể. Chì còn gây độc đối với hệ thần kinh, với các cơ quan nội tạng như gan, thận, não, máu...
Nhiễm khuẩn từ giấy báo
Nguy cơ nhiễm khuẩn do giấy báo cũng khá cao khi những tờ giấy báo đi từ nhà máy sản xuất đến các sạp hàng bán báo, qua tay người đọc, rồi đến các nhà thu mua phế liệu, đồng nát sau đó mới đến ta của các chủ hàng bán xôi, bán bánh.
Theo bà Nguyễn Khánh Trâm - Phó Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã có Quyết định số 39/2005/QĐ-BYT quy định:
- Thiết bị, dụng cụ chế biến bao gói, bảo quản, vận chuyển thực phẩm phải được làm từ nguyên liệu không độc, không gây mùi vị lạ so với mùi vị của thực phẩm ban đầu, không hấp thụ, không thôi nhiễm vào thực phẩm, không bị ăn mòn, tránh bụi, côn trùng và các nguồn ô nhiễm khác;
- Nghiêm cấm việc đóng gói thực phẩm bằng các bao gói có nguy cơ gây ngộ độc, gây hại, không bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm như giấy báo, nhựa tái sinh...
Hằng năm, Thanh tra Bộ Y tế vẫn tiến hành kiểm tra và xử phạt các cơ sở cá nhân vi phạm các quy định về sử dụng bao bì gây ô nhiễm thực phẩm. Tuy nhiên vì lợi ích kinh tế, chế tài xử phạt còn nhẹ chưa đủ sức răn đe nên nhiều cơ sở, cá nhân vẫn cố tình vi phạm. Về phía người tiêu dùng vì không thấy hậu quả ảnh hưởng tới sức khỏe ngay tức thời, nên nhiều người dù biết nguy hiểm những vẫn sử dụng thực phẩm được bao gói bằng giấy báo.