Dùng đỗ đen giải nhiệt ngày hè theo cách này dễ khiến cơ thể gặp họa
Đỗ đen là hạt có giá trị dinh dưỡng cao và có tác dụng giải nhiệt rất tốt trong những ngày nắng nóng. Vậy nhưng vì sử dụng sai lầm mà đã có trường hợp trẻ phải vào viện...
Mỗi ngày cũng không nên dùng quá 500ml nước đỗ đen. Ảnh: P.T
Con nhập viện vì dùng nước đỗ đen
Những ngày nắng nóng gay gắt những ngày gần đây, chị Đỗ Thị Nhài (ở Hưng Yên) đã mua sẵn hàng chục cân đỗ đen lòng xanh vụ mới. Chị kể, gần như năm nào nhà chị cũng nấu chè đỗ đen, ninh lấy nước cho cả nhà uống.
Đỗ đen mát, nghĩ uống nhiều sẽ giúp giải nhiệt cho cơ thể, ngay từ đầu tháng, chị đã thường xuyên ninh đỗ đen lấy nước cho cả nhà uống thay nước lọc. Thấy cơ thể cậu con trai gần 2 tuổi nổi đầy rôm, chị cho con uống thường xuyên để “mau lặn”.
Những ngày đầu uống nước đỗ đen, bé Bon– con của chị rất thích, ăn uống ngon miệng. Được gần tuần, cu cậu trở nên biếng ăn. Chị nghĩ vì cơ thể bị nóng trong nên con kém ăn và cho con uống nước đỗ đen nhiều hơn. Đến khi con biếng ăn kéo dài, xanh xao, chị đưa con đi khám thì bác sỹ nói cháu bị suy nhược cơ thể.
Khai thác tiền sử của cháu, bác sỹ nói nguyên nhân một phần cũng do cháu dùng nước đỗ đen uống thay nước kéo dài làm ảnh hưởng đến việc hấp thụ các chất dinh dưỡng.
Chia sẻ về vấn đề này, TS.BS Phan Bích Nga - Giám đốc Trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng trẻ em (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, tuy rằng đỗ đen là loại hạt có giá trị dinh dưỡng cao nhưng nhiều người vì quan niệm “mát trong” nên đã sử dụng sai cách dẫn đến có thể nguy hại cho sức khỏe.
Việc dùng nước đỗ đen uống thay nước lọc sẽ làm ảnh hưởng tới khả năng hấp thu của các chất trong cơ thể. Trong đỗ đen có chứa nhiều chất phytate gây cản trở hấp thụ các chất khoáng khác như đồng, kẽm… ức chế một số enzyme tiêu hóa. Đặc biệt, với trẻ nhỏ khi không được bổ sung đủ vi chất dễ dẫn tới biếng ăn, suy dinh dưỡng và thấp còi.
Một điều nữa các bậc cha mẹ cần lưu ý là thận trọng cho trẻ dưới 2 tuổi sử dụng các loại “nước mát” như đậu đen, nhân trần, sâm… Do chức năng tiêu hóa ở độ tuổi này chưa ổn định, khả năng hấp thụ cũng kém hơn nên dễ ảnh hưởng. Nhẹ thì người bệnh có thể rối loạn tiêu hóa gây chướng bụng, tiêu chảy, chán ăn; nặng hơn có thể gây ra một số bệnh về đường ruột.
Lương y đa khoa Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội) cho rằng, đỗ đen có vị hơi ngọt, tính ấm, đi vào hai kinh can thận. Trong Đông y, loại hạt này được sử dụng nhiều, có tác dụng bổ thận thủy, bổ can, thanh nhiệt giải độc, lợi niệu, bổ huyết giải phong nhiệt.
Cũng như nhiều loại thực phẩm khác nếu sử dụng quá liều lượng thì đỗ đen sẽ không còn là một loại thực phẩm, vị thuốc tốt. Đỗ đen có tác dụng giải nhiệt nhưng chỉ nên dùng khoảng độ 10 ngày rồi dừng chuyển nước khác, chứ không nên dùng triền miên từ ngày này qua ngày khác. Mỗi ngày cũng không nên dùng quá 500ml nước đỗ đen.
Đặc biệt là với trẻ nhỏ, hệ tiêu hóa của trẻ vẫn còn chưa hoàn thiện. Hơn nữa, trẻ cũng cần được đảm bảo cung cấp đầy đủ các loại vitamin, khoáng chất để cơ thể phát triển tốt. Nếu chỉ chăm chăm vào một thứ sẽ không cân đối.
Cách giải nhiệt cho trẻ ngày hè
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong đỗ đen có chứa hàm lượng cao protein, lipid, glucid và rất nhiều axit amin thiết yếu tốt cho cơ thể. Không những thế, đỗ đen còn có chứa nhiều vitamin quan trọng như vitamin A 5mg, B1 0,5mg, B2 0,21mg. Dùng đỗ đen ngoài giải nhiệt còn giúp da đẹp, mịn màng.
Mặc dù chứa nhiều dinh dưỡng với nhiều lợi ích khác nhau không phải ai cũng có thể dùng được nước đỗ đen để giải nhiệt trong nhưng ngày hè. Với những người bị hư hàn như viêm loét hành tá tràng, tay chân lạnh, dễ bị tiêu chảy, tiêu chảy mạn… khi sử dụng cần lưu ý. Việc lạm dụng dễ khiến cho tình trạng bệnh tăng nặng. Để tận dụng giá trị dinh dưỡng của hạt đỗ đen, khi sử dụng mọi người nên ngâm đỗ trước khi nấu và kích mầm.
Trong những ngày nắng nóng, để giải nhiệt cho cơ thể, TS.BS Phan Bích Nga khuyến cáo, mọi người cần bổ sung nước đầy đủ. Ngoài sử dụng nước lọc, cần tăng cường nước quả tươi, ăn các loại rau củ, trái cây tươi để bù đắp nước mất qua mồ hôi. Khi cơ thể trẻ mất quá nhiều mồ hôi, mất nước thì có thể bổ sung thêm orezol bằng cách pha và sử dụng theo đúng hướng dẫn.
Nên lưu ý, tránh cho trẻ uống nước đá, nước lạnh hay nước ngọt có gas bởi nó chỉ khiến cơ thể trẻ càng mất nước. Hơn nữa, các loại nước này cung cấp năng lượng rỗng, dễ gây cho trẻ béo phì, ăn không ngon miệng. Mọi người khi uống cũng sẽ thấy có cảm giác sảng khoái là do cafein trong các loại nước. Lạm dụng chúng cũng dễ làm trẻ mất tập trung, ảnh hưởng đến chức năng gan thận.
Trong những ngày hè nóng nực, trẻ cũng thường gặp phải tình trạng rôm sẩy, biếng ăn. Để có thể kích thích trẻ ăn ngon miệng trong những ngày nắng nóng cha mẹ nên chú ý tăng nhóm thực phẩm giàu tính mát, chế biến những thức ăn dễ tiêu hóa, thức ăn nhiều nước dễ hấp thu và chia nhỏ bữa ăn. Thực đơn cần đảm bảo đủ dinh dưỡng cân đối các nhóm thực phẩm là chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, đậu...), chất béo (dầu mỡ), chất bột đường (cơm, gạo, bún, phở...) và các vi chất (sắt, iốt, kẽm, vitamin).
Sử dụng gia vị để nêm nếm hay tạo mùi hương cho món ăn không đơn giản muốn cho vào lúc nào cũng được mà phải căn...