Đừng để trẻ chết oan vì viêm phổi!

Sự kiện: Tin ngắn Bệnh phổi

Nguy cơ viêm phổi ở trẻ có thể giảm đáng kể nhờ sữa mẹ, chủng ngừa, dùng các loại bếp sạch và tránh khói thuốc lá

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 2 triệu trẻ tử vong vì viêm phổi, trong đó khoảng 953.000 trẻ dưới 5 tuổi, chiếm 1/5 các ca tử vong dưới 5 tuổi. Việt Nam hiện đứng thứ 9 trong số các nước có số ca viêm phổi nhiều nhất thế giới.

Đề phòng nhiễm trùng hô hấp

Trong buổi sinh hoạt chuyên đề về bệnh hô hấp được Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP HCM) tổ chức sáng 5-11, TS-BS Trần Anh Tuấn, Trưởng Khoa Hô hấp, đưa ra lời cảnh báo về tình trạng nhiễm trùng hô hấp cấp tính vốn dễ gặp ở trẻ em trong mùa mưa hoặc trời trở lạnh.

Có thể nói đây là bệnh phổ biến nhất ở trẻ dưới 5 tuổi, có thể mắc 5-8 lần mỗi năm. Trẻ có thể bị nhiễm trùng từ tai, mũi, họng, đường dẫn khí (thanh quản, khí quản, phế quản) cho đến phổi. Nhiễm trùng hô hấp cấp tính thường có biểu hiện chung là ho dưới 30 ngày, đa số tự khỏi trong vòng 10-14 ngày nhưng khoảng 1/4 số trẻ bị nhiễm trùng hô hấp cấp tính có thể dẫn đến viêm phổi.

Việc phát hiện sớm khi nhiễm trùng hô hấp cấp tính diễn tiến nặng thành viêm phổi rất quan trọng. Theo BS Tuấn, dấu hiệu dễ nhận biết và rõ ràng nhất là thở nhanh. Chỉ cần một chiếc đồng hồ bình thường, phụ huynh có thể đếm nhịp thở của trẻ trong 1 phút. Tốt nhất là nên đếm khi trẻ nằm yên, không bú, như đang ngủ. Thở nhanh được xác định theo độ tuổi: từ 60 lần/phút trở lên ở trẻ dưới 2 tháng tuổi, từ 50 lần/phút trở lên ở trẻ 2-11 tháng tuổi, 40 lần/phút trở lên ở trẻ 12 tháng đến dưới 5 tuổi. Trẻ bị viêm phổi cần được bác sĩ chuyên khoa thăm khám.

Một số trẻ viêm phổi có thể được chăm sóc tại nhà sau khi được thăm khám, cho toa thuốc. Nếu trẻ có thêm dấu hiệu co lõm lồng ngực khi thở thì cần cho nhập viện. Nguy hiểm hơn, trẻ cần được cấp cứu nếu không uống được hoặc nôn hết mọi thứ; bỏ bú, bú kém hẳn so với mức bình thường; co giật; ngủ li bì, khó đánh thức, thở có tiếng rít.

Đừng để trẻ chết oan vì viêm phổi! - 1

Thời tiết mưa, lạnh khiến trẻ dễ mắc các căn bệnh về hô hấp từ nhẹ đến nặng, bao gồm viêm phổi. Trong ảnh: Các bệnh nhi đang được điều trị tại Khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM)

Phòng ngừa không khó

TS-BS Trần Anh Tuấn cho biết có rất nhiều việc làm đơn giản có thể giảm mạnh nguy cơ viêm phổi ở trẻ em. Lời khuyên đầu tiên là hãy cho trẻ bú sữa mẹ. Ngoài những lợi ích đa dạng mà nhiều người đã biết, sữa mẹ còn giúp giảm 15%-23% nguy cơ viêm phổi. Chủng ngừa HIB và phế cầu có thể ngăn được 49% nguy cơ viêm phổi. Trong đó, trẻ sẽ được chủng ngừa HIB (gây viêm màng não, viêm phổi) nếu tiêm đầy đủ các mũi 5 trong 1 theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Ngoài ra, tránh cho trẻ hít phải các loại khí không có lợi bằng cách ngăn ngừa tình trạng hút thuốc lá thụ động và dùng bếp sạch (không dùng than củi) thì nguy cơ viêm phổi cũng có thể giảm đến một nửa.

Việc hạn chế nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính diễn tiến thành viêm phổi là khá khó khăn vì viêm phổi còn phụ thuộc vào cơ địa của từng trẻ và độc tính của loại virus, vi khuẩn mắc phải. Vì vậy, điều quan trọng nhất vẫn là nhận biết sớm các dấu hiệu của viêm phổi để đưa trẻ đi khám kịp thời. Đồng thời, nên ngăn chặn các yếu tố nguy cơ như việc trẻ ngồi gần người hút thuốc hay ăn thiếu chất làm giảm sức đề kháng.

Theo các bác sĩ, nếu trẻ chỉ cảm ho thông thường, không khó thở, không có các dấu hiệu nguy hiểm thì có thể chăm sóc tại nhà với vài loại thuốc ho an toàn. Tuy nhiên, nếu trẻ sốt cao liên tục 2 ngày trở lên thì nên đi khám vì đó có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh khác nữa chứ không riêng bệnh hô hấp. Nếu trẻ kèm theo loét miệng, họng, đau miệng... thì cũng nên khám vì có thể đó là bệnh tay chân miệng. Nhóm đối tượng khác cần được đi khám là trẻ đã được chăm sóc tại nhà 1 tuần mà không bớt, ho có đàm đặc như mủ, ho ra máu...

Thuốc ho an toàn

Theo điều dưỡng chuyên khoa I Đỗ Thị Phương Nga, Điều dưỡng trưởng Khoa Hô hấp BV Nhi Đồng 1, phụ huynh không nên tự ý ra nhà thuốc mua thuốc ho khi trẻ bắt đầu có dấu hiệu cảm, ho. Bởi lẽ, cơn ho còn là một phản xạ có lợi, bảo vệ phổi, giúp tống đàm nhớt, thông đường thở. Khi chăm sóc trẻ bị cảm, ho, viêm phổi tại nhà, cha mẹ nên ứng dụng nhóm “thuốc ho an toàn” khi trẻ ho nhiều, vốn là các bài thuốc dân gian dễ tìm và có thể dùng song song với các thuốc điều trị khác. Đó là tắc chưng đường phèn, tần dày lá, gừng, mật ong, tỏi, hẹ, nước trà loãng và ấm… Riêng mật ong, không nên dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi vì có thể chứa một số loại mật hoa không an toàn. Khi đưa con đi khám bệnh, phụ huynh có thể nhờ bác sĩ, điều dưỡng chuyên khoa hô hấp tư vấn về các loại thuốc ho an toàn này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thư (Người lao động)
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN