Đừng để mắc bệnh trong ngày Tết vì thói quen hằng ngày khó bỏ này
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, mọi người, nhất là các bà nội trợ nên từ bỏ thói quen tích trữ thực phẩm trong dịp Tết để tránh rước họa cho cả nhà.
Theo truyền thống, Tết là kỳ nghỉ lễ lớn nhất trong năm. Đây cũng là dịp mọi người được nghỉ ngơi và sum vầy với các thành viên trong gia đình. Do đó, các bữa ăn trong Tết cũng được chuẩn bị cầu kỳ và đa dạng hơn ngày thường.
Hiện nay, do tâm lý đầu năm hạn chế việc mua bán và sợ không mua được những thực phẩm ưng ý nên đa phần các bà nội trợ thường dự trữ sẵn thức ăn cho cả dịp Tết.
Mặt khác, với nhiều người, việc dự trữ nhiều thực phẩm trong nhà cũng là cách để thể hiện một cái Tết sung túc, đủ đầy, khởi đầu một năm thuận lợi.
Chính vì vậy, cứ Tết đến, tủ lạnh hoặc các loại tủ chứa đồ nhà nào cũng đầy ắp các loại thực phẩm từ thịt sống, thịt chín, các loại giò chả, rau củ quả…
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, việc tích trữ quá nhiều thực phẩm là một thói quen không tốt, bởi lẽ, điều này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe của cả gia đình trong dịp Tết nếu không biết cách bảo quản và sử dụng hợp lý các loại thực phẩm.
Các bà nội trợ nên bỏ thói quen tích trữ đồ trong dịp Tết để tránh rước họa cho cả gia đình. Ảnh minh họa
Trên thực tế, theo thống kê của Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế), riêng trong năm 2018, toàn quốc đã xảy ra 97 vụ ngộ độc thực phẩm với 3.340 người mắc, 2.944 người nhập viện và 16 người tử vong. Riêng trong 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, tổng số ca khám do rối loạn tiêu hóa là gần 1.300 trường hợp, trong đó có 388 trường hợp ngộ độc rượu, 239 trường hợp ngộ độc thức ăn tự chế biến.
Từng chia sẻ với PV vấn đề bảo quản thực phẩm, nhất là những thực phẩm trong dịp Tết, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Việc giữ thói quen “chất” nhiều thực phẩm trong tủ lạnh ngày Tết là điều không nên vì hiện nay, các loại thực phẩm khá sẵn, có thể mua thực phẩm tươi sống ngay trong ngày mùng 2, mùng 3 Tết.
Hơn nữa, việc để hỗn hợp các loại thực phẩm với nhau vừa làm giảm chất lượng, mất độ tươi ngon vừa tạo điều kiện cho các loại
vi khuẩn sinh sôi, tăng nguy cơ gây bệnh với người dùng. Đó là chưa kể đến việc nếu trời nồm ẩm hoặc mưa phùn vào dịp Tết thì các loại thực phẩm càng dễ bị vi khuẩn tấn công mạnh hơn.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, dù bảo quản thực phẩm trong ngăn mát hay ngăn đá nếu để quá lâu sẽ làm cho thực phẩm bị biến chất, mất đi giá trị dinh dưỡng. Nhiệt độ trên ngăn đá có thể kìm hãm được đa số các loại vi khuẩn nhưng không diệt được chúng. Còn với nhiệt độ trong ngăn mát chỉ có thể khiến vi khuẩn giảm tốc độ sinh sôi mà thôi.
Để không gây hại cho cả gia đình trong dịp Tết, các chuyên gia khuyến cáo, các bà nội trợ nên từ bỏ thói quen tích trữ đồ trong dịp Tết. Bên cạnh đó, biết cách chọn và bảo quản thực phẩm hợp lý để vừa giữ được độ tươi ngon vừa tránh vi khuẩn gây hại xâm nhập.
Theo đó, khi chọn mua thực phẩm ngày Tết, cần kiểm tra thật kỹ chất lượng, thời gian sử dụng, tránh mua phải hàng ôi thiu, hết hạn. Sau đó, phân loại các thực phẩm để tiến hành bảo quản. Ví dụ, với các loại thịt tươi sống phải rửa sạch, ngâm qua thịt vào nước muối loãng, sau đó vớt ra, để ráo nước rồi cho vào túi bóng sạch (loại chuyên để thực phẩm) cất lên ngăn đá.
Với rau tươi, cần nhặt bỏ các lá úa, rễ và phần không ăn được cho vào túi nilon (nếu rau khô ráo) cất vào ngăn đựng rau trong tủ lạnh, ăn đến đâu rửa sạch đến đấy trước khi chế biến. Nếu rau đã dính nước thì phải rửa sạch và để ráo nước rồi cho vào túi nilon bảo quản.
Đối với các loại hạt, muốn bảo quản được lâu, cần để vào lọ đậy kín, ăn đến đâu lấy đến đó, không nên dồn những hạt ăn thừa vào lọ. Những thực phẩm này cũng không nên cất vào tủ lạnh vì khi bỏ ra ngoài rất dễ hút ẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm mốc phát triển.
Công sức ăn kiêng, tập luyện giữ dáng cả năm của bạn có thể sẽ 'đổ sông đổ biển' nếu trong mấy ngày Tết...