Đừng chậm chân với khối u gan!

Sự kiện: Ung thư

Điều trị bệnh ung thư gan hiện vẫn là một thách thức với ngành y bởi có rất ít phương pháp đặc trị hiệu quả, nhất là ung thư gan giai đoạn muộn

Tại Việt Nam, ung thư gan là bệnh khá phổ biến và có tỉ lệ tử vong rất cao. Phần lớn trường hợp bệnh được phát hiện khi đã muộn, thời gian sống trung bình không quá một năm.

95% tử vong

Trong một lần khám sức khỏe định kỳ, ông V.T. H (58 tuổi, ở Hà Nội) tình cờ được bác sĩ phát hiện có khối u ở gan. Sau khi làm các xét nghiệm khác, ông được chẩn đoán bị ung thư gan và có chỉ định phẫu thuật cắt khối u. Ông H. cho biết trước khi phát hiện bệnh, sức khỏe của ông hoàn toàn bình thường, không có dấu hiệu của căn bệnh mang “án tử” này.

TS Nguyễn Tiến Thịnh, Phó Chủ nhiệm Khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện (BV) Trung ương Quân đội 108, cho biết tại Việt Nam, ung thư gan đứng hàng thứ hai ở nam giới và thứ ba ở nữ giới, tỉ lệ tử vong rất cao, đứng đầu các bệnh ung thư ở cả hai giới. Tại Việt Nam, mỗi năm trung bình ghi nhận gần 22.000 ca ung thư gan mới mắc và gần 21.000 ca tử vong (95%). Trong đó, ung thư gan nguyên phát chiếm đến 90%, xuất phát từ tế bào nhu mô gan; ung thư thứ phát chiếm 10%, do các loại ung thư khác di căn vào gan, thường gặp nhất là do ung thư đường tiêu hóa (ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày, ung thư tụy).

Theo TS Thịnh, ung thư gan có tỉ lệ tử vong cao như vậy là do 65% số ca bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn. Hầu hết người dân Việt Nam chưa có thói quen đi khám để phát hiện sớm bệnh ung thư, trong đó có ung thư gan. Các bệnh nhân chỉ đi khám khi đã có triệu chứng bệnh nặng như đau tại gan, sụt cân, phình trướng bụng, xuất huyết đường tiêu hóa… “Ở một số nước làm tốt việc phát hiện bệnh sớm thì tỉ lệ bệnh nhân ung thư gan sống khỏe sau 5 năm điều trị rất cao: Mỹ là 15%, Nhật hơn 50%” - bác sĩ Thịnh nói.

PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc BV Việt Đức (Hà Nội), nhận định khi bệnh nhân tới BV khám tức là đã xuất hiện các dấu hiệu chán ăn, mệt mỏi, giảm cân không mong muốn, rối loạn tiêu hóa, vàng da, đau tức vùng gan, bụng trướng… Lúc này, các biện pháp can thiệp mang lại hiệu quả rất thấp, chi phí điều trị lại cao. Theo PGS Quyết, hiện có nhiều phương pháp điều trị ung thư gan như: phẫu thuật cắt phần gan mang khối u, ghép gan, phá hủy khối u tại chỗ bằng sóng cao tần… nhưng thường chỉ áp dụng khi bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn sớm.

Đừng chậm chân với khối u gan! - 1

Một ca phẫu thuật ghép gan tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội)

Khó nhận biết sớm

PGS Quyết cho rằng một trong những phương pháp điều trị ung thư gan triệt để nhất hiện nay là phẫu thuật, thậm chí khối u gan có đường kính lên đến 20 cm. Tuy nhiên, do bệnh nhân thường ở giai đoạn cuối nên tại BV Việt Đức chỉ có khoảng 40% bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật cắt gan, còn lại chỉ có thể điều trị duy trì để kéo dài cuộc sống do khối u gan đã chiếm toàn bộ hoặc tình trạng xơ gan. Với những người đã trải qua phẫu thuật, khoảng 40% - 50% trong số họ có thể tiếp tục sống đến 5 năm, tiêu chuẩn này tương đương với tiêu chuẩn trên thế giới.

Theo PGS Quyết, đa số trường hợp ung thư gan phát triển chậm, giai đoạn tăng trưởng không triệu chứng có thể kéo dài nhiều năm. Ung thư gan khó nhận biết sớm do triệu chứng nghèo nàn và người bệnh dễ chủ quan bỏ qua nên khi phát hiện thì khối u đã lớn. Phần lớn những bệnh nhân ung thư gan phát hiện ở giai đoạn sớm là qua các đợt thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc chủ động đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên.

“Với những người ngoài 40 tuổi, tối thiểu từ 3-6 tháng nên kiểm tra sức khỏe của gan bằng các xét nghiệm máu và siêu âm gan, mật. Trường hợp nghi ngờ, bệnh nhân sẽ tiếp tục được chỉ định chụp CT để phát hiện khối u. Tuy nhiên, những người nhiễm viêm gan B mạn tính, viêm gan C, xơ gan (không phân biệt tuổi tác), người uống rượu nhiều hoặc trong gia đình từng có người ung thư gan… nên được tầm soát ung thư gan ít nhất 3-6 tháng/lần” - PGS Quyết khuyến cáo.

GS-TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, cho biết có 40% trường hợp ung thư có thể dự phòng, 30% được chữa khỏi khi phát hiện sớm và điều trị kịp thời, 30% kéo dài thời gian sống và sống tốt hơn nhờ được can thiệp bằng các phương pháp điều trị.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Dung (Người lao động)
Ung thư Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN