Đưa con ra khỏi bóng tối: Dễ hiểu lầm về tự kỷ

Dù số trẻ mắc bệnh tự kỷ đang tăng mạnh nhưng nhận thức của các bậc cha mẹ cũng như xã hội về căn bệnh này rất hạn chế. Không ít người chủ quan, phát hiện bệnh cho con khi đã muộn hoặc quy kết những đứa trẻ bình thường thành trẻ tự kỷ.

Không do cha mẹ “thiếu quan tâm”

BS Thành Ngọc Minh, Khoa Tâm bệnh Bệnh viện Nhi trung ương, cho biết trước đây mọi người thường nghĩ rằng con cái bị tự kỷ một phần do cha mẹ và môi trường sống. Hiện nay, y học đã nhìn nhận chứng tự kỷ là một rối loạn phát triển lan tỏa liên quan đến rối loạn gien.

Rất nhiều phụ huynh khi đưa con đến các trung tâm khám tự kỷ tỏ ra dằn vặt khi cho con sử dụng máy tính, điện thoại quá nhiều dẫn đến con họ mắc bệnh tự kỷ. Theo TS-BS Bưởi, chưa có bằng chứng nào chứng minh điều này nhưng hầu hết trẻ tự kỷ thường có tuổi thơ gắn bó với máy tính bảng, điện thoại và ít nhận được sự quan tâm của cha mẹ.

Không chỉ trẻ tự kỷ mà ngay cả một đứa trẻ bình thường tiếp xúc với những vật mà không tương tác hoặc trẻ được thụ hưởng quá nhiều... dần sẽ bị cắt mất phản xạ phải đòi hỏi. Chính vì thế, đôi khi có những đứa trẻ được bao bọc, chăm bẵm quá kỹ dẫn đến chậm nói cũng khiến cha mẹ lầm tưởng con bị tự kỷ.

"Chúng ta cần hiểu rõ chứng tự kỷ khác với các dấu hiệu chậm nói và tình trạng chậm phát triển. Trẻ chậm nói hoặc chậm phát triển tuy có một số biểu hiện giống trẻ tự kỷ như giao tiếp ngôn ngữ kém, chậm phản ứng trước ngôn ngữ của người khác... song các dạng vận động về thể chất và tinh thần hoàn toàn bình thường.

Những trẻ như thế này vẫn có thể thể hiện tình cảm bằng mắt, nhận ra và giao cảm tốt với người thân, tâm vận động như trẻ bình thường” - BS Bưởi nhấn mạnh. 

Biểu hiện ban đầu của trẻ tự kỷ

Trẻ đến 1 tuổi mà không có động tác chỉ trỏ gây sự chú ý của người khác, không có tiếng bập bẹ; không nói được từ nào khi 16 tháng tuổi; không nói được câu nào gồm 2 từ khi 24 tháng tuổi; các đồ chơi, trò chơi cũng không lôi cuốn được trẻ. Trẻ hầu như không hứng thú kết bạn, không nhìn ai hay chú ý vào ai, thường chỉ nhìn lâu vào các vật có các động tác đơn điệu.

Khi có người gọi, trẻ không trả lời, không ngoảnh lại và rất ít hoặc không có tiếp xúc bằng mắt, không có động tác giơ tay ra đòi bế ẵm.

Trẻ lặp đi lặp lại các động tác cơ thể, khi giận dữ hoặc không đồng ý điều gì thì hét lên, bứt tóc, đập chân tay xuống sàn nhà, đập đầu vào tường. Không thích người khác động chạm vào người. Ưa thích sự ổn định trật tự, thường chống đối rất mạnh mẽ việc thay đổi những gì đã quen thuộc. Đặc biệt, trẻ cực kỳ nhạy cảm đối với một số âm thanh và mùi vị.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Dung - Anh Thư (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN