Dù bệnh cúm A lành tính nhưng vẫn có những biến chứng đáng sợ
Bệnh cúm A có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho, khạc.
Theo thống kê của Trung tâm y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương, từ giữa tháng 11 đến nay, mỗi tuần khoa tiếp nhận hàng trăm bệnh nhi được chẩn đoán cúm với mức độ nặng khác nhau.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm-Giám đốc Trung tâm y học lâm sàng và các bệnh nhiệt đới trẻ em cho biết, bệnh cúm mùa (cúm A, cúm B) là bệnh truyền nhiễm cấp tính.
(Ảnh minh họa).
Bệnh lây qua đường hô hấp với biểu hiện trẻ sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh hiện nay ở nước ta chủ yếu do các chủng virus cúm A và cúm B.
Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho, khạc.
Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch …, bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm phổi, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.
BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cũng cho biết, dù bệnh cúm lành tính, nhưng ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già (> 65 tuổi), trẻ em (< 5 tuổi) và phụ nữ có thai bệnh có thể diễn biến gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.
Nếu bị cúm, chủ quan không điều trị hoặc điều trị quá muộn, đã khiến cho bệnh cúm mùa chuyển nặng, gây biến chứng nguy hiểm dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp, suy đa phủ tạng.
Vì thế, nếu thấy cúm biểu hiện các triệu chứng có dấu hiệu nặng lên, có biểu hiện viêm phổi cần phải nhập viện.
Biểu hiện của bệnh cúm đối với trẻ em hoặc người lớn, khoảng 2 ngày sau khi cơ thể tiếp xúc với vi rút cúm (thời gian ủ bệnh), các biểu hiện ban đầu có thể là: sốt, có cảm giác ớn lạnh, nhức đầu, đau nhức cơ bắp, chóng mặt, ăn không ngon, mệt mỏi… Sau đó là ngạt mũi, ho và chảy nước mũi.
Ở trẻ có thể có thêm triệu chứng đau tai, đau họng và sưng hạch, hoặc tiêu chảy, đau và nôn mửa. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh cúm thường giới hạn ở đường hô hấp trên.
Sau 5 ngày, sốt và các triệu chứng khác thường biến mất nhưng ho và tình trạng mệt mỏi vẫn kéo dài. Tất cả các triệu chứng sẽ biến mất trong vòng 1 hoặc 2 tuần.
Thông thường trẻ mắc cúm sẽ tự khỏi sau 3-5 ngày, không cần phải nhập viện điều trị. Chủ yếu là dùng thuốc hạ sốt tại nhà (chỉ dùng thuốc paracetamol). Nếu dùng các loại thuốc khác phải có chỉ định của nhân viên y tế.
Vệ sinh đường hô hấp, phòng bệnh
Vệ sinh mũi miệng: Dùng khăn giấy mềm lau sạch mũi, dãi rồi vứt bỏ ngay sau khi sử dụng.(Không nên dùng khăn xô vì sau mỗi lần lau, nếu không thay khăn mới, dùng lại khăn cũ vi rút vẫn bám lại trên khăn.)
Hàng ngày, nhỏ dung dịch nước muối sinh lý Natriclorid 9‰ vào mắt, mũi cho trẻ, súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối pha loãng đối với trẻ lớn.
Thường xuyên vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng với nước sạch (vệ sinh cả bàn tay người chăm sóc và cả cho trẻ), tránh tối đa việc đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
Cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu, dễ nuốt: Cháo, sữa, hoa quả và uống nhiều nước.
Tăng cường bú mẹ nếu trẻ còn bú mẹ
Phòng lây nhiễm
Cách ly trẻ tương đối: Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với trẻ lành, hướng dẫn che miệng và mũi khi ho và hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn giấy.
Mang khẩu trang khi chăm sóc trẻ.
Tắm cho trẻ bằng nước ấm trong phòng kín gió, để tránh nhiễm lạnh.
Đặc biết, tiêm vắc-xin là biện pháp hiệu quả để phòng cúm.
Nguồn: [Link nguồn]
Bác sỹ Biện Ngọc Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Phú Yên vừa xác nhận, một bệnh nhi 27 tháng tuổi đã...