Đột quỵ ở tuổi 39 với triệu chứng không ngờ
Mỹ - Jenna Gibson, 39 tuổi, đang đi dạo thì ngã quỵ với các biểu hiện như cơ thể nặng dần, đi đứng loạng choạng giống say rượu.
Jenna Gibson đang đi dạo sau bữa tối với mẹ thì bất ngờ ngã quỵ, cảm giác "như một tấn gạch vừa rơi xuống người". Cô không thể gượng dậy. Dần dần, các triệu chứng kéo đến, Gibson không thể nói năng, rồi ngồi dậy được nhưng không thể đi thẳng. "Tôi thấy mình như say rượu", cô nói.
Dù vậy, Gibson không gặp bất kỳ triệu chứng đột quỵ nào như lý thuyết về bệnh này, chẳng hạn sụp mắt, đau đầu dữ dội hay rối loạn thị lực. Cô trở về nhà cùng mẹ và chỉ có cảm giác đau nửa đầu, uống một ít thuốc và đi ngủ. Vài giờ sau, cô thức dậy nhưng không thể di chuyển, không ra được khỏi giường và được gia đình đưa đi cấp cứu.
"Các bác sĩ kiểm tra, làm tất cả xét nghiệm nhưng không hề thấy các dấu hiệu điển hình như những bệnh nhân đột quỵ khác", Gibson nói.
Sau khi chụp CT, đội ngũ y tế chẩn đoán Gibson có thể mắc chứng đau nửa đầu thị giác. Buổi sáng tiếp theo, cô vẫn cảm thấy không ổn, bác sĩ yêu cầu chụp não một lần nữa với độ tương phản cao. Lúc này, họ mới phát hiện Gibson đã trải qua cơn đột quỵ. Kết quả chụp CT cho thấy một khối tắc nghẽn ở bán cầu não trái của cô.
Gibson được đưa đến một bệnh viện khác để phẫu thuật não khẩn cấp, loại bỏ cục máu đông. Theo bác sĩ, nếu không phẫu thuật đủ sớm, "thời điểm vàng" cấp cứu đột quỵ qua đi, cô có nguy cơ tử vong hoặc chịu các biến chứng nghiêm trọng kéo dài cả đời.
Jenna Gibson (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh cùng gia đình. Ảnh: Jenna Gibson
Khi được chuyển đến bệnh viện, Gibson có cảm giác mình sẽ chết. "Tôi nghĩ rằng mình sẽ không được nhìn thấy các con lớn lên và kết hôn, hoặc tôi sẽ phải sống ở trạng thái thực vật và không bao giờ làm việc được nữa", cô nói.
May mắn, ca phẫu thuật thành công. Gibson tỉnh dậy trong phòng hồi sức tích cực và đối mặt với chặng đường dài hồi phục. Ban đầu, cô không thể nói chuyện hay di chuyển, dù có thể nhìn thấy những gì đang xảy ra xung quanh và nghe được mọi người nói chuyện.
Vài ngày tiếp theo, khả năng vận động của Gibson dần trở lại. Cô được làm liệu pháp ngôn ngữ, vật lý trị liệu để lấy lại chức năng phái bên phải cơ thể. Nhiệm vụ đầu tiên Gibson cần thực hiện là nói lời yêu thương đến các con. Sau một vài tuần, cô trở về nhà và tiếp tục điều trị ngoại trú ba giờ một ngày, ba ngày một tuần trong 4 tháng.
"Trong 6 tuần đầu tiên, tôi cải thiện rất nhanh, nhưng sau đó ngày càng chậm. Tôi phải học lại mọi thứ", cô nói.
Đến nay, Gibson vẫn bị tê liệt bên phải cơ thể, phải vật lộn để tìm đúng từ nghĩ khi nói, đặc biệt khi cảm thấy mệt mỏi hoặc căng thẳng. Tuy nhiên, vẻ ngoài, cô trông như một người bình thường.
Tiến sĩ Annie Tsui, trưởng khoa thần kinh tại Access TeleCare, cho biết tỷ lệ đột quỵ ngày càng cao ở các phụ nữ trẻ. Phụ nữ ở độ tuổi 20 đến 39 có nguy cơ đột quỵ cao gấp đôi so với nam giới. Các yếu tố gây bệnh chính là huyết áp cao, cholesterol cao, bệnh tim, béo phì và tiểu đường. Nguyên nhân đột quỵ ở nhóm tuổi trẻ hơn khác với người già, chẳng hạn vấn đề tim mạch, rối loạn đông máu, di truyền, chấn thương.
Bà khuyến nghị người có yếu tố nguy cơ đột quỵ cao làm việc với bác sĩ đề có kế hoạch phòng ngừa hiệu quả. Bà cũng lưu ý người trẻ duy trì lối sống lành mạnh, bởi tới 80% số ca đột quỵ ngăn ngừa được. Mọi người cần nhận biết các triệu chứng đột quỵ để điều trị càng nhanh càng tốt. Biểu hiện gồm méo mặt, yếu hoặc tê một bên tay, nói lắp.
"Cơ hội sống sót và kết quả tích cực cao nhất ở bệnh nhân được sơ cấp cứu kịp thời", tiến sĩ Tsui cho biết.
Một số phương pháp điều trị đột quỵ chỉ hiệu quả nếu được thực hiện trong vòng ba giờ kể từ khi các triệu chứng bắt đầu, bà cảnh báo. Nguy cơ tổn thương não vĩnh viễn hoặc tử vong tăng lên khi mỗi phút trôi qua.
Nguồn: [Link nguồn]
Cạo gió, châm kim vào đầu ngón tay, tự ý sử dụng các thuốc đông y, chờ bệnh nhân ổn mới đưa đi viện... là những sai lầm phổ biến khi xử trí đột quỵ.