Đột quỵ: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng tránh khi trời lạnh đột ngột
Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não, là bệnh lý cấp tính nguy hiểm thường xảy ra đột ngột nhất là khi thời tiết lạnh, bệnh có thể gây nhiều di chứng hoặc tử vong nếu không được sơ cứu đúng cách và cấp cứu kịp thời.
Đột quỵ có thể xảy ra bất cứ khi nào nhưng có xu hướng gia tăng khi trời lạnh. Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não, là bệnh lý cấp tính nguy hiểm, thường xảy ra đột ngột. Nếu được phát hiện và xử trí kịp thời, bệnh nhân sẽ được cứu sống và tránh những di chứng nặng nề.
Trước đây, đột quỵ thường gặp ở người cao tuổi nhưng bệnh ngày càng trẻ hóa. Ngày càng có nhiều người trẻ mắc đột quỵ, nhất là những người có tiền sử bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường…
1. Đột quỵ là gì?
Đột quỵ (tai biến mạch máu não) là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng, xảy ra khi dòng máu cung cấp cho não bị gián đoạn hoặc có một mạch máu trong não bị vỡ.
Khi đó, lượng ôxy và dinh dưỡng nuôi các tế bào não bị giảm đáng kể. Trong vòng vài phút, các tế bào não bắt đầu chết dần và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Thời gian kéo dài càng lâu, số lượng tế bào não chết càng nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động và tư duy của cơ thể, thậm chí gây tử vong.
Hầu hết những người sống sót sau cơn đột quỵ đều có sức khỏe suy yếu hoặc mắc các di chứng như: tê liệt hoặc cử động yếu một phần cơ thể, mất ngôn ngữ, rối loạn cảm xúc, thị giác suy giảm...
Đột quỵ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm và có tỉ lệ tử vong cao.
2. Phân loại các dạng đột quỵ
2.1 Đột quỵ thiếu máu cục bộ
Đột quỵ thiếu máu cục bộ là loại đột quỵ phổ biến nhất xảy ra khi huyết khối trong mạch máu cản trở lưu lượng máu đến não. Huyết khối di chuyển từ khu vực khác của cơ thể đến một mạch máu trong não cũng có thể gây ra đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
2.2 Cơn thiếu máu não thoáng qua
Một cơn thiếu máu não thoáng qua, đôi khi được gọi là đột quỵ nhỏ, tương tự như đột quỵ do thiếu máu cục bộ ở chỗ tình trạng này tạm thời chặn lưu lượng máu đến não. Tuy nhiên, không giống như đột quỵ do thiếu máu cục bộ, cơn thiếu máu não thoáng qua không gây tổn thương não kéo dài.
2.3 Đột quỵ xuất huyết
Đột quỵ xuất huyết xảy ra khi mạch máu bị vỡ gây chảy máu vào não. Máu tích tụ từ sẽ chèn ép các mô não xung quanh. Giống như các đột quỵ khác, đột quỵ xuất huyết có thể gây chết mô não một cách nhanh chóng.
2.4 Đột quỵ do huyết khối
Do sự tồn tại của cục máu đông (huyết khối) được hình thành trong động mạch ở cổ hoặc não. Tức là cục máu đông hình thành trực tiếp tại não. Những động mạch này có thể có tích tụ chất béo, gọi là các mảng bám theo thời gian gây tắc mạch làm hạn chế hoặc mất hoàn toàn sự lưu thông của dòng máu.
2.5 Đột quỵ do tắc mạch
Do sự tồn tại của các cục máu đông hình thành các bộ phận khác trong cơ thể (thường là tim) và di chuyển đến não. Biểu hiện thường gặp là nhịp bất thường ở hai buồng phía trên của tim (rung tâm nhĩ), có thể làm hình thành cục máu đông.
2.6 Các loại đột quỵ khác
Khi không thể xác định nguyên nhân gây ra sự gián đoạn lưu lượng máu đến não, đó là một cơn đột quỵ mã hóa. Các triệu chứng của đột quỵ mã hóa tương tự như các đột quỵ khác. Tuy nhiên, việc điều trị có thể khó khăn vì không biết nguyên nhân gây ra chúng.
Vì lý do này, có thể cần thực hiện một loạt các xét nghiệm chẩn đoán. Bac sĩ cũng có thể đề nghị điều trị để giảm tổn thương não hoặc khuyến nghị thực hiện một số thay đổi lối sống để giảm nguy cơ bị đột quỵ khác.
Người cao tuổi cần giữ ấm cơ thể khi đi ngủ và mỗi khi ra khỏi phòng, kể cả đi bộ buổi sáng, tránh để cơ thể lạnh đột ngột. Đi ngủ và thức dậy đúng giờ, tập thể dục, uống nhiều nước vào sáng sớm lúc ngủ dậy, ăn đủ bữa trong ngày, đặc biệt là bữa sáng. Ăn nhiều rau xanh, hoa quả. Giảm muối, mỡ trong chế độ ăn.
3. Nguyên nhân gây đột quỵ
3.1 Các yếu tố không thể kiểm soát
Tuổi tác: Bất cứ ai cũng có nguy cơ bị đột quỵ. Tuy nhiên, người cao tuổi có nguy cơ đột quỵ cao hơn người trẻ. Kể từ sau tuổi 55, cứ mỗi 10 năm, nguy cơ bị đột quỵ lại tăng lên gấp đôi.
Giới tính: Nam giới có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn nữ giới
Tiền sử gia đình: Người có người thân trong gia đình từng bị đột quỵ có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn người bình thường.
Chủng tộc: Người Mỹ gốc Phi có nguy cơ mắc đột quỵ cao gần gấp đôi so với người da trắng.
Người bệnh tăng huyết áp có nguy cơ cao bị đột quỵ.
3.2 Các yếu tố bệnh lý, có thể kiểm soát
Tiền sử đột quỵ: Người có tiền sử bị đột quỵ có nguy cơ cao bị đột quỵ lần tiếp theo, nhất là trong vòng vài tháng đầu. Nguy cơ này kéo dài khoảng 5 năm và giảm dần theo thời gian.
Đái tháo đường: Các vấn đề liên quan đến đái tháo đường có khả năng làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Bệnh tim mạch: Người mắc các bệnh lý tim mạch có khả năng bị đột quỵ cao hơn người bình thường
Tăng huyết áp: Tăng huyết áp gây gia tăng sức ép lên thành động mạch, lâu dần khiến thành động mạch bị tổn thương dẫn đến xuất huyết não. Ngoài ra, tăng huyết áp còn tạo điều kiện cho các cục máu đông hình thành, cản trở quá trình lưu thông máu lên não. Đo huyết áp là một trong những biện pháp để tìm ra nguyên nhân đột quỵ.
Mỡ máu: Khi lượng cholesterol trong máu cao có thể tích tụ trên thành động mạch, tạo thành vật cản gây tắc nghẽn mạch máu não.
Thừa cân, béo phì: Người bị thừa cân béo phì có nhiều nguy cơ mắc các bệnh lý như tăng huyết áp, mỡ máu, tim mạch... làm tăng nguy cơ bị đột quỵ.
Hút thuốc lá: Hút thuốc làm tăng gấp đôi nguy cơ đột quỵ do tắc mạch máu. Hút thuốc có thể làm tổn thương thành mạch máu, làm tăng quá trình xơ cứng động mạch, khiến tim làm việc nhiều hơn và làm tăng huyết áp. Hút thuốc thụ động cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Lối sống không lành mạnh: Ăn uống không điều độ, không cần bằng đầy đủ các loại dưỡng chất; lười vận động là một trong những nguyên nhân dẫn đến đột quỵ.
4. Dấu hiệu cảnh báo cơn đột quỵ sớm
Đột quỵ xảy ra khi mạch máu nuôi não bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ làm cho não bị thiếu ôxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào. Đột quỵ não có thể gây ra nhiều triệu chứng như:
- Người bệnh có hiện tượng tê hoặc yếu cơ, đặc biệt là thường xảy ra ở một bên cơ thể
- Người bệnh có dấu hiệu thay đổi thị lực ở một hoặc cả hai mắt
- Xuất hiện cảm giác khó nuốt
- Người bệnh bị nhức đầu nghiêm trọng không rõ nguyên nhân
- Cảm thấy chóng mặt, đi lại khó khăn, khó cử động
- Xuất hiện hiện tượng nói ngọng, khó nói, lưỡi bị tê cứng
- Bị rối loạn trí nhớ.
Các triệu chứng báo hiệu đột quỵ thường không kéo dài vì thế khi phát hiện bất kể một biểu hiện bất thường nào của người bệnh thì không nên chủ quan, mà hãy thực hiện việc cấp cứu kịp thời.
Gần đây các chuyên gia y tế, y bác sĩ nhận biết sớm nguy cơ đột quỵ bằng quy tắc "FAST":
- Liệt mặt (Face): Miệng bị lệch sang một bên, nếp nhăn mũi - má mờ
- Yếu, liệt tay (Arm) hoặc chân: Không thể cầm, nắm, đi lại
- Rối loạn ngôn ngữ (Speech): Đột ngột rối loạn lời nói, không nói được hoặc lời nói không rõ ... như bình thường trước đó.
- Thời điểm phát bệnh (Time): Khi gặp những triệu chứng trên, cần gọi cấp cứu ngay. Người bệnh cần ghi nhớ thời điểm phát bệnh để thông báo với nhân viên y tế.
Thời gian vàng trong đột quỵ thiếu máu não là 270 phút nếu sử dụng thuốc tiêu huyết khối làm tan cục máu đông hoặc trong 6-8 giờ nếu lấy huyết khối cơ học trong trường hợp tắc động mạch lớn trong não. Tuy nhiên, nếu người bệnh được điều trị càng sớm trong khoảng thời gian này thì cơ hội phục hồi, ít để lại di chứng càng cao.
5. Di chứng nguy hiểm của các cơn đột quỵ
Nếu như không được cấp cứu kịp thời, đột quỵ có thể để lại nhiều di chứng liên quan đến các cơ quan, hệ cơ quan khác nhau trên cơ thể người bệnh như:
- Tàn tật vĩnh viễn hoặc tạm thời, mức độ phụ thuộc vào khoảng thời gian mà não bị thiếu máu cục bộ và các bộ phận trên cơ thể bị ảnh hưởng do tế bào não bị tổn thương;
- Bị tê liệt, mất khả năng vận động một số cơ hoặc một số bộ phận;
- Mất khả năng giao tiếp, ngôn ngữ và cử động của miệng, gặp khó khăn khi nói hoặc nuốt.
- Suy giảm trí nhớ, nhận thức, khả năng suy nghĩ, khó khăn khi diễn đạt bằng lời;
- Ảnh hưởng đến tâm lý, người đã từng trải qua cơn tai biến sẽ gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc, dễ thu mình và có thể bị trầm cảm.
Liệt mặt là một trong những di chứng của đột quỵ.
6. Thời gian vàng trong cấp cứu đột quỵ
Thời gian vàng là khoảng thời gian tốt nhất để cấp cứu điều trị bệnh nhân đột quỵ, có tỷ lệ phục hồi cao và biến chứng thấp nhất.
Theo đó, là từ 4 - 5 giờ đối với nhồi máu não dùng thuốc tan máu đông. Trong vòng 6 giờ đối với nhồi máu não can thiệp lấy huyết khối.
Nếu bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não được chuyển đến bệnh viện trong 3 giờ đầu ngay sau khi bị đột quỵ và được điều trị đặc hiệu bằng thuốc tiêu huyết khối, sự phục hồi sẽ rất khả quan.
Bệnh nhân đột quỵ cần được thăm khám, chẩn đoán và điều trị nhanh nhất, tránh lỡ thời gian vàng khiến tổn thương não nặng, hiệu quả can thiệp kém dẫn đến tai biến sau can thiệp cao.
7. Cần làm gì khi người thân bị đột quỵ?
Khi thấy người thân có một trong các triệu chứng đột quỵ, cần nhanh chóng:
Gọi người trợ giúp và gọi ngay xe cấp cứu đưa người bệnh đến cơ sở y tế, bệnh viện gần nhất có đủ phương tiện, kỹ thuật, chuyên môn tái thông mạch máu não.
Trong khi chờ xe cấp cứu, cần phải:
Giữ thông thoáng môi trường chung quanh bệnh nhân để giúp họ thở tốt.
Đặt người bệnh nằm trên một mặt phẳng, bề mặt đủ độ cứng để giữ thăng bằng, không đặt lên đệm có độ lún sâu và tránh xê dịch để không làm trầm trọng tình trạng xuất huyết não.
Nếu có bất cứ dấu hiệu suy giảm ý thức nào, hoặc bệnh nhân có dấu hiệu nôn mửa, cần đặt bệnh nhân sang tư thế nằm nghiêng an toàn nhằm bảo vệ đường thở của bệnh nhân, móc hết đàm nhớt ở miệng người bệnh ra nếu có.
Nếu bệnh nhân bất tỉnh hoặc lơ mơ nhưng còn thở bình thường: Nên đặt bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng an toàn hoặc nằm ngửa, nhưng cần theo dõi kỹ. Nếu bệnh nhân nôn mửa, cần chuyển ngay bệnh nhân sang tư thế nằm nghiêng, tránh sặc chất nôn vào đường hô hấp.
Nếu bệnh nhân còn tỉnh: Hỗ trợ bệnh nhân nằm ở một tư thế thoải mái nhất và theo dõi phản ứng của bệnh nhân. Lập tức gọi cấp cứu, đưa người bệnh tới bệnh viện.
Đồng thời, trong khi chờ xe cứu thương đến hãy hỏi người bệnh càng nhiều thông tin càng tốt về các loại thuốc mà người bệnh đang dùng, tình trạng sức khỏe, có dị ứng gì không? Ghi lại tất cả các triệu chứng bao gồm: thời điểm đột quỵ, tiền sử bệnh tật của người bệnh... Những thông tin này rất hữu ích khi bác sĩ khai thác bệnh sử...
8. Không nên làm gì?
Không tự ý điều trị cho bệnh nhân dù chỉ là bấm huyệt, châm cứu, đánh gió vì những động tác này có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh và làm mất thời gian vàng điều trị.
Không cho bệnh nhân ăn uống và đề phòng nôn trào ngược, bệnh nhân hít chất nôn hoặc thức ăn vào đường thở sẽ rất nguy hiểm.
Không tự ý dùng thuốc hạ huyết áp, chỉ dùng thuốc hạ huyết áp khi huyết áp > 220/120 mmHg và không dùng thuốc hạ huyết áp nhỏ dưới lưỡi.
9. Phòng ngừa đột quỵ
Chế độ dinh dưỡng khoa học góp phần giảm nguy cơ bị đột quỵ.
9.1 Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Nguyên nhân gây đột quỵ đến nhiều từ các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, mỡ máu... Chế độ dinh dưỡng là yếu tố quan trọng quyết định hình thành các bệnh lý này. Ăn uống với chế độ dinh dưỡng hợp lý là cách phòng tránh đột quỵ hiệu quả.
9.2 Tập thể dục hằng ngày
Tập thể dục giúp tăng cường tuần hoàn máu trong cơ thể, nâng cao sức khỏe, giúp tim khỏe mạnh. Tập thể dục 30 phút mỗi ngày, ít nhất 4 lần mỗi tuần sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, dẫn đến đột quỵ.
9.3 Giữ ấm cơ thể
Nhiễm lạnh có thể gây tăng huyết áp, tăng áp lực khiến mạch máu bị vỡ. Cần giữ ấm cơ thể, giữ gìn sức khỏe, đặc biệt là với người lớn tuổi trong thời điểm giao mùa. Khi trời lạnh cần giữa ấm, không ra ngoài trời lúc sáng sớm hoặc tối muộn khi trời còn lạnh. Nếu muốn tập thể dục có thể tập trong nhà vào thời gian muộn hơn.
9.4 Không hút thuốc lá
Thuốc lá là một trong những nguy cơ làm tăng khả năng bị đột quỵ. Thuốc lá còn gây hại cho sức khỏe của bản thân và những người xung quanh. Nếu bỏ thuốc lá trong vòng từ 2 - 5 năm, nguy cơ bị đột quỵ sẽ ngang bằng với người chưa bao giờ hút thuốc.
9.5 Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Cần kiểm tra sức khỏe định kỳ sớm phát hiện các yếu tố gây đột quỵ và chủ động can thiệp sẽ giúp phòng tránh đột quỵ hiệu quả.
Những người mắc các bệnh lý đái tháo đường, tim mạch, mỡ máu càng cần đi khám sức khỏe định kỳ để kiểm soát tình trạng bệnh, không để các chỉ số vượt quá mức nguy hiểm gây ra đột quỵ.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ là một trong những cách nhận biết sớm và phòng tránh bệnh nhất là đối với những bệnh nhân có tiền sử bị đột quỵ, từ đó có kế hoạch điều trị đạt kết quả tối ưu.
Các nhà nghiên cứu Pháp và Anh đã tìm thấy mối liên hệ tỉ lệ nghịch giữa bệnh lý mạch máu não - dẫn tới đột quỵ...
Nguồn: [Link nguồn]