Đột quỵ khi trời rét: Dấu hiệu nào cần đến ngay bệnh viện?

Sự kiện: Đột quỵ

Khi đột ngột có những dấu hiệu như: méo miệng, liệt mặt, tê bì, yếu nửa người, môi lưỡi tê cứng, nói khó hoặc không nói được, mắt nhìn mờ, đau đầu… cần phải đưa người bệnh ngay đến cơ sở y tế.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, trời lạnh có thể làm gia tăng bệnh nhân đột quỵ.

Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) vừa tiếp nhận 3 ca đột quỵ nặng.

Trường hợp đầu tiên là nam bệnh nhân 67 tuổi, vào viện vì hôn mê sâu, thở máy do tắc đỉnh động mạch thân nền. Ngay lập tức, bệnh nhân được can thiệp lấy huyết khối cơ học thành công ngay sau 1 lần kéo, giúp tái thông hoàn toàn.

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Trường hợp thứ hai là nam bệnh nhân 57 tuổi, vào viện vì liệt nặng nửa người phải, mất khả năng giao tiếp. Phim chụp não của bệnh nhân cho thấy, tình trạng nhồi máu não cấp do huyết khối kéo dài. Bệnh nhân được điều trị tái tưới máu chỉ trong vòng vài phút sau đó.

Trường hợp thứ ba là nam bệnh nhân 70 tuổi, vào viện vì liệt hoàn toàn nửa người phải và mất ý thức do tắc từ động mạch cảnh trong lên não giữa trái. Bệnh nhân này được tiên lượng rất nặng.

Nhờ được cấp cứu và điều trị kịp thời, tình trạng sức khỏe của hai bệnh nhân 67 tuổi và 57 tuổi được cải thiện rất nhanh, chức năng vận động và giao tiếp gần như trở lại bình thường. Tình trạng của bệnh nhân 70 tuổi cũng có nhiều dấu hiệu khả quan.

Theo PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai), trong các tháng thời tiết lạnh vừa qua, số bệnh nhân nhập viện vào Trung tâm Đột quỵ tăng lên đáng kể và số ca nặng cũng tăng cao.

Theo Thống kê của Hội Đột quỵ não Việt Nam, hằng năm có khoảng 200.000 người bị bệnh lý này ở nước ta. Đặc biệt, bệnh hay xảy ra vào mùa lạnh, khi thời tiết thay đổi đột ngột.

Theo bác sĩ, nguy cơ bị đột quỵ tăng 80%, đặc biệt khi nhiệt độ xuống dưới 15 độ C và nhiệt độ giảm đột ngột. Nhiệt độ lạnh có thể làm mạch máu co lại, gây tăng huyết áp. Thời tiết lạnh cũng có thể làm máu cô đặc lại, nguy cơ dẫn đến hình thành cục máu đông. Trong mùa đông lạnh, nhiều người trở nên lười vận động, ít tập thể thao hơn. Thêm vào đó, trời lạnh mang lại nhiều căng thẳng cho cơ thể kết hợp những thói quen sinh hoạt, ăn uống không lành mạnh… Đây cũng có thể là những yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ đột quỵ khi trời lạnh.

Khi đột ngột có những dấu hiệu như: méo miệng, liệt mặt, tê bì, yếu nửa người, môi lưỡi tê cứng, nói khó hoặc không nói được, mắt nhìn mờ, đau đầu… cần phải đưa người bệnh ngay đến cơ sở y tế có khả năng chẩn đoán và điều trị trong thời gian ngắn nhất (dưới 4,5 tiếng) để có thể sử dụng phương pháp tiêu sợi huyết. Tuyệt đối không nên mất thời gian chờ người bệnh tự phục hồi hay sử dụng các phương pháp dân gian truyền miệng để điều trị tại nhà.

Để phòng đột quỵ vào mùa lạnh, các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần giữ ấm cơ thể, đặc biệt là người cao tuổi hoặc người có tiền sử mắc các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành, cần tránh ra ngoài trời lạnh đột ngột vào buổi sáng, nhất là lúc mới ngủ dậy. Khi tắm rửa cần làm ấm phòng bằng đèn sưởi và dùng nước ấm, tránh tăng huyết áp đột ngột do lạnh…

Nguồn: [Link nguồn]

Bác sĩ BV Bạch Mai cảnh báo độ tuổi dễ đột quỵ của người dân Việt Nam

Ở nhóm đột quỵ dưới 45 tuổi, tỷ lệ đột quỵ do chảy máu não có xu hướng tăng, chiếm 46%.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo DIỆU THU ([Tên nguồn])
Đột quỵ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN