Đột quỵ hai lần trong nửa năm vì uống một thứ thay nước
Trung Quốc - Người đàn ông họ Trần, 44 tuổi, ở Quảng Đông, phải nhập viện cấp cứu vì đột quỵ tái phát trong vòng nửa năm.
Trần trong bệnh viện khi đang điều trị đột quỵ.
Gia đình Trần cho biết vào tháng 8 năm ngoái, anh từng nhập viện điều trị vì bị đột quỵ nhẹ. Sau đó, Trần khỏi bệnh và được xuất viện về nhà.
Đến tháng Hai năm nay, Trần lại phải nhập viện lần nữa vì đột quỵ, nghiêm trọng hơn trước. Sau cơn đột quỵ này, nửa người bên trái của Trần gần như bị liệt hoàn toàn và không thể tự mình di chuyển. Khả năng ngôn ngữ của anh cũng bị ảnh hưởng nặng nề và chỉ có thể trông cậy vào sự chăm sóc của gia đình. Bác sĩ Lục Minh, Phó giám đốc Bệnh viện Não Tam Cửu, Quảng Đông, Trung Quốc cho biết kết quả khám cho thấy động mạch cảnh bên phải của Trần bị hẹp nặng và gần như tắc nghẽn, còn động mạch cảnh bên trái của anh bị tắc hoàn toàn. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật để loại bỏ mảng bám và thông tắc động mạch.
Hình ảnh mảng bám gây tắc nghẽn động mạch cảnh của Trần.
Các bác sĩ đã loại bỏ một mảng bám trên động mạch cảnh trông giống như một "con tôm có vỏ", nguyên nhân thường là do thói quen và lối sống ăn uống không lành mạnh lâu dài. Theo bác sĩ Lục Minh, nguyên nhân khiến Trần bị đột quỵ hai lần trong nửa năm là do người này mắc ba thói xấu cùng lúc, bao gồm uống rượu, hút thuốc lá và ăn nhiều thịt đỏ, đồ dầu mỡ.
Trần nói: "Tôi có thói quen uống rượu, thường uống rất nhiều, mọi người thường bảo tôi uống rượu bia như nước lọc. Khi nhập viện điều trị đột quỵ lần đầu, bác sĩ đã khuyến cáo tôi nên bỏ đồ uống có cồn. Tuy nhiên, sau khi xuất viện, tôi nghĩ sức khỏe mình đã ổn định nên vẫn tiếp tục sử dụng rượu bia. Mỗi ngày tôi đều ăn thịt, đồ ăn nhiều dầu mỡ, uống rượu và hút hai bao thuốc lá một ngày".
Uống rượu nhiều trong thời gian dài là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng dẫn đến đột quỵ. Rượu làm tổn thương các tế bào nội mô mạch máu, dẫn đến xơ cứng động mạch và huyết khối. Ngoài ra, rượu còn có thể ảnh hưởng đến huyết áp và nhịp tim, làm tăng nguy cơ mắc các biến cố về tim mạch và mạch máu não. Vì vậy, với những người thích uống rượu thì phải uống có chừng mực và không bao giờ uống quá nhiều.
Đồng thời, ăn quá nhiều hoặc quá thường xuyên các thực phẩm giàu đạm hoặc chứa chất béo, lạm dụng rượu bia, thuốc lá có thể gây ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa của cơ thể, khiến chất béo dư thừa tích tụ trong máu và tăng nguy cơ mắc xơ vữa động mạch, đột quỵ.
Phòng ngừa đột quỵ bằng cách nào?
- Kiểm soát và hạ huyết áp: Theo Liu Xintong, giáo sư, giám đốc và bác sĩ trưởng Khoa Thần kinh, Bệnh viện Nhân dân Số 2 Quảng Đông, Trung Quốc, cần dùng thuốc để kiểm soát huyết áp cao, điều trị hạ huyết áp tích cực nhằm kiểm soát huyết áp tâm thu <130 mmHg, có thể giảm 32% nguy cơ đột quỵ. Điều trị tích cực chứng tăng huyết áp tâm thu đơn giản ở người cao tuổi có thể giảm 42% nguy cơ đột quỵ.
- Bỏ thuốc lá và tránh hút thuốc thụ động: Hút thuốc có thể đẩy nhanh quá trình xơ cứng động mạch, tăng độ nhớt của máu, làm tổn thương mạch máu và tăng nguy cơ đột quỵ.
- Điều trị bệnh tiểu đường: Bệnh tiểu đường là một yếu tố nguy cơ gây đột quỵ và có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ lên nhiều lần.
- Tăng cường hoạt động thể chất phù hợp: Những người tăng cường hoạt động thể chất vừa phải có nguy cơ đột quỵ thấp hơn từ 25 đến 30% so với những người ít hoạt động thể chất.
- Chế độ ăn uống hợp lý và cân bằng: Lượng trái cây và rau quả có mối tương quan nghịch đáng kể với nguy cơ đột quỵ. Chế độ ăn nên đa dạng, chủ yếu dựa vào ngũ cốc, với lượng vừa phải cá, thịt gia cầm, trứng và thịt nạc, đồng thời nhiều trái cây, rau, sữa và đậu nành. Nên bổ sung rau trong các bữa ăn và ăn trái cây hàng ngày, không nên dùng nước ép rau củ để thay thế.
- Kiểm soát cân nặng: Thừa cân hoặc béo phì, đặc biệt béo bụng, có thể làm tăng nguy cơ bị đột quỵ, đặc biệt là đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
- Cải thiện tình trạng rối loạn mỡ máu: Rối loạn mỡ máu là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng gây xơ vữa động mạch và đột quỵ. Hầu hết các nghiên cứu đều phát hiện ra mức cholesterol toàn phần có mối tương quan thuận với nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
- Cải thiện tình trạng rung nhĩ: Rung nhĩ là nguyên nhân chính gây tắc mạch não và bệnh nhân bị rung nhĩ có nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ tăng gấp 4-5 lần. Rung nhĩ là rối loạn nhịp nhĩ nhanh và không đều. Các triệu chứng bao gồm: đánh trống ngực, đôi khi mệt mỏi, giảm khả năng gắng sức, khó thở và thoáng ngất. Khi rung nhĩ, bệnh nhân có nguy cơ cao hình thành huyết khối trong tâm nhĩ, trôi theo dòng tuần hoàn gây đột quỵ.
- Loại bỏ ảnh hưởng của rượu: Uống rượu, đặc biệt là nghiện rượu, có thể làm hỏng mạch máu, gây rối loạn dinh dưỡng thần kinh và rối loạn chuyển hóa.
- Giữ tâm lý cân bằng: Các nghiên cứu dịch tễ học đã chỉ ra rằng căng thẳng cảm xúc có liên quan chặt chẽ đến sự xuất hiện và phát triển của chứng xơ vữa động mạch cũng như tỷ lệ mắc các biến cố tim mạch, mạch máu não.
Tú Anh (Theo Toutiao, Health)
Rất nhiều người thường hay nhầm lẫn khái niệm “đột quỵ” và những trường hợp tử vong đột ngột do bệnh lý tim mạch là giống nhau.
Nguồn: [Link nguồn]