Đột ngột ngừng tim khi đang chơi cầu lông
Hà Nội - Đang chơi cầu lông, người đàn ông 41 tuổi đột ngột đau ngực, vài phút sau ngừng tim phổi, bác sĩ chẩn đoán biến chứng rất nặng của nhồi máu cơ tim cấp.
Ngày 29/4, đại diện Bệnh viện Quân y 103 cho biết bệnh nhân được bạn ép tim, thổi ngạt, sau đó đưa vào viện trong tình trạng bị rung thất, có cơn ngừng tuần hoàn hai lần. Ê kíp cấp cứu khoảng 20 phút, tim bệnh nhân đập trở lại.
Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân ngừng tim phổi do nhồi máu cơ tim cấp, điều trị bằng phác đồ hồi sinh tổng hợp, sốc điện cấp cứu, thở máy và dùng thuốc vận mạch liều cao. Bác sĩ nhiều chuyên khoa hội chẩn, quyết định vừa hồi sức tích cực vừa can thiệp tái thông động mạch vành, tranh thủ từng phút để cứu người bệnh.
Kết quả chụp động mạch vành thấy tổn thương từ thân chung động mạch vành trái (đây là động mạch lớn nhất nuôi cho cơ tim) kèm theo hẹp nặng và nhiều cục máu đông. Ê kíp can thiệp đặt giá đỡ động mạch (stent). May mắn ngay sau can thiệp, các chỉ số mạch và huyết áp người bệnh ổn định, giảm được các thuốc vận mạch và không xuất hiện các rối loạn nhịp thất nguy hiểm. Sau hai ngày, người bệnh tỉnh, tự thở, được rút ống nội khí quản và hồi phục sức khỏe.
Nhồi máu cơ tim là tình trạng dòng máu đến cơ tim bị tắc đột ngột gây tổn thương mô cơ tim. Đây thường là kết quả của sự tắc nghẽn ở một hoặc nhiều động mạch vành. Tắc nghẽn xảy ra do cục máu tạo lập trên mảng xơ vữa động mạch vành bị vỡ hay nứt.
Biểu hiện thường thấy nhất ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim gồm đau ép dữ dội ở ngực, buồn nôn, khó thở. Nhồi máu cơ tim có thể xảy ra bất ngờ, nhưng có trường hợp được cảnh báo trước hàng giờ, hàng ngày, hàng tuần bằng các dấu hiệu đặc trưng như đau thắt ngực tái phát, đau vùng ngực khi hoạt động thể lực, cơn đau giảm khi nghỉ ngơi.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Đức Hùng, Trưởng khoa Can thiệp tim mạch, cho biết rối loạn nhịp thất gây ra ngừng tuần hoàn là biến chứng rất nặng của nhồi máu cơ tim cấp, tỷ lệ tử vong rất cao nếu không được cấp cứu kịp thời.
Thời gian vàng cấp cứu nhồi máu cơ tim là 24 giờ đầu tiên từ khi khởi phát triệu chứng đau ngực. Thời gian tốt nhất để tái thông mạch vành là trong 12 giờ đầu tiên. Người nghi ngờ có các triệu chứng cảnh báo nên đến bệnh viện khám sớm.
Khi đang đi trên đường để về nhà giữa nắng nóng 42 độ C, cụ ông 80 tuổi ở Hà Tĩnh bị ngất xỉu. Nạn nhân được đưa đến bệnh viện, nhưng tử vong sau đó nghi do sốc nhiệt.
Nguồn: [Link nguồn]