Đột ngột đau đầu dữ dội, cần nghĩ ngay đến thủ phạm này
Không ít người đang khỏe mạnh đột nhiên bị đau đầu dữ dội, nghĩ do thay đổi thời tiết, căng thẳng áp lực... nhưng thực chất nguyên nhân từ trong chính "cái đầu" của bạn.
PGS.TS Đồng Văn Hệ – Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh của bệnh viện, cho biết tỷ lệ người trẻ mắc bệnh lý về thần kinh ngày càng cao. Theo dịch tễ học, có 3-5% dân số bị dị dạng mạch máu não. Đây là tỷ lệ cao.
Dị dạng mạch máu não gây ra nhiều vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, phổ biến nhất là vỡ mạch dẫn đến đột quỵ do xuất huyết não hoặc gây áp suất tiếp giáp lên não dẫn đến động kinh co giật. Không ít người đang khỏe mạnh nhưng đột nhiên bị đau đầu dữ dội, không nghĩ mình bị dị dạng mạch máu não nên chủ quan không khám, phát hiện khiến việc điều trị bị muộn.
Phẫu thuật thần kinh cho bệnh nhân ở Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: BVCC
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của dị dạng mạch máu não không rõ ràng. Hầu hết người bệnh mắc từ khi sinh ra, nhưng đôi khi có thể hình thành trong cuộc sống sau này.
Điều may mắn là ít trường hợp bị vỡ. Phình động mạch não gặp nhiều ở nữ hơn nam, tuổi hay gặp nhất là 40-60. Phình động mạch não hiếm khi gặp ở trẻ em.
"Tuy nhiên ở Bệnh viện Việt Đức, tuần nào cũng có ca bệnh nhập viện phẫu thuật. Những đối tượng nghiện thuốc lá, uống rượu hay huyết áp cao có nguy cơ dễ vỡ, phình mạch máu não" – PGS Hệ cho biết.
Dù nguyên nhân của bệnh không rõ ràng, các bác sĩ nghĩ nhiều đến tình trạng viêm nhiễm, chấn thương... Một số trường hợp là bẩm sinh, tuy nhiên theo BS Hệ điều này không có nghĩa là bệnh mang tính di truyền. Bệnh có thể xảy ra trong thời kỳ bào thai, trẻ vừa sinh ra đã bị dị dạng mạch máu não.
Có nhiều thể dị dạng mạch máu não nhưng hay gặp nhất là phình mạch não và u máu não. Những dạng này trẻ vừa sinh ra đã gặp nhưng không hay biết, vô tình "sống chung" đến khi trưởng thành hoặc khi bệnh có biểu hiện, đi khám mới biết.
Phình mạch máu não nếu không được điều trị, không chỉ gây ảnh hưởng đến nuôi dưỡng não, đến các bộ phận khác trên cơ thể mà còn có thể gây tử vong.
Phần lớn bệnh nhân dị dạng mạch máu não không có biểu hiện lâm sàng đặc biệt. Không ít trường hợp có triệu chứng đau đầu, thậm chí đau đầu dữ dội nhưng đây không phải là triệu chứng đặc hiệu bởi đau đầu có thể do nhiều nguyên nhân (thay đổi thời tiết, căng thẳng áp lực...). Một số trường hợp dị dạng mạch máu não có biểu hiện động kinh, một số dấu hiệu vùng vận động gây tê bì... Cũng có bệnh nhân có triệu chứng khác như dị dạng mạch to gần dây thần kinh quan trọng khiến bệnh nhân sụp mi, bệnh nhân tự nhiên nhắm chặt mắt lại hoặc bị méo miệng, bị liệt...
Đơn cử, mới đây bệnh viện tiếp nhận khám cho bà cụ có tiền sử bình thường, được chuyển từ tuyến dưới với chẩn đoán u não. Gần đây, cụ có dấu hiệu mắt mờ dần, mắt bên trái gần như mờ hoàn toàn, bên phải còn hơn 50% thị lực. Kết quả chụp MRI, CT cho thấy bệnh nhân có khối rất to, chẩn đoán phình mạch khổng lồ. Khối u phình có kích thước hơn 6cm (bình thường 2-10mm), tiên lượng mổ phức tạp, nhiều khả năng bệnh nhân phải mổ nhiều giai đoạn.
PGS.TS Đồng Văn Hệ lưu ý không phải tất cả người bệnh phình động mạch não cần thiết phải điều trị. Bác sĩ sẽ điều trị phình mạch não nếu phình động mạch não bị vỡ, khối phình to chèn ép các tổ chức xung quanh, hoặc túi phình động mạch não lớn. Điều trị phình động mạch não có nhiều phương pháp, mổ kẹp túi phình hoặc can thiệp nút mạch.
Các bệnh nhân nghi ngờ bị dạng mạch não, phình mạch não phải trải qua nhiều bước kiểm tra, chẩn đoán hình ảnh để được chẩn đoán chuẩn nhất. Với những người bị phình mạch não nhưng chưa có dấu hiệu vỡ, việc theo dõi tiến triển cũng rất quan trọng.
Chuyên gia nhấn mạnh, người bị huyết áp cao, hút thuốc thì túi phình mạch não có nguy cơ vỡ cao hơn. Vì thế người bệnh cần phải kiểm soát huyết áp, bỏ hút thuốc, thực hiện lối sống lành mạnh, thường xuyên tập thể dục, rèn luyện sức khỏe...
Thiếu máu não là tình trạng lưu lượng máu đến não bị giảm, khiến các tế bào não không có đủ năng lượng để hoạt...
Nguồn: [Link nguồn]