Đóng thêm tiền để trẻ được tiêm vắc xin tốt nhất
Từ khi vắc xin 5 trong một Quivaxem được đưa vào sử dụng lại, đến nay có thêm trẻ tử vong sau tiêm khiến cái tên Quivaxem trở nên ám ảnh đối các bậc cha mẹ có con trong độ tuổi tiêm chủng.
Con tiêm, bố mẹ thót tim sợ
Mọi tai biến liên quan đến vắc xin đều gây bức xúc cho các gia đình. Bởi trẻ đi tiêm chủng khác hoàn toàn với trẻ ốm phải vào bệnh viện, người ta phải chấp nhận nguy cơ vì con đang có bệnh. Đằng này, một đứa trẻ khi đi tiêm chủng, tình trạng sức khỏe tốt nhất, đang khỏe khoắn, chơi ngoan, bú tốt, bỗng nhiên gặp tai biến vì mũi tiêm. Chính vì thế, một trẻ tử vong liên quan đến tiêm vắc xin gây nhức nhối cho cả gia đình và toàn xã hội.
Chị Nguyễn Thị Ánh, trú tại huyện Đông Hưng, Thái Bình có con gái 4 tháng tuổi đến lịch đi tiêm phòng vắc xin 5 trong 1 nhưng đến nay đã hai lần cán bộ y tế báo đưa con đi tiêm phòng nhưng chị vẫn không đủ can đảm đưa con đi tiêm.
Lịch tiêm chủng vào ngày 25 hàng tháng, tháng trước định cho con đi tiêm nhưng mọi người bảo thuốc này gây tử vong cho trẻ mới được đưa vào tiêm lại. Sợ điều không may mắn lại xảy ra với con mình nên chị Ánh không dám đưa con đi tiêm. Ngày 25 /11 vừa qua, xã vẫn tổ chức tiêm phòng cho các bé trong độ tuổi tiêm phòng và con gái chị cũng phải đi tiêm. Chị đưa con đến trạm y tế lấy phiếu tiêm nhưng nghe nhiều phụ huynh nói vẫn sợ chưa dám tiêm, chị Ánh lại bế con về nhà.
Bé nhà chị đến nay hơn 4 tháng nhưng chị mới tiêm cho cháu 1 mũi lao, nhỏ phòng bại liệt. Trong lòng bà mẹ trẻ luôn có mâu thuẫn tiêm hay không tiêm vắc xin. Vẫn biết tiêm sẽ giúp phòng bệnh về sau cho con, tiêm là tốt nhưng ai biết trước được tai biến gì có thể xảy ra.
Mỗi khi cho con đi tiêm, các bậc phụ huynh lại thót tim trông chờ vào may rủi
Trường hợp của chị Bùi Thị Hồng, trú tại Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội cũng tương tự. Đến nay, cháu nhà chị Hồng 6 tháng tuổi. Hôm 4/11 vừa qua chị mới tiêm mũi 5 trong 1 đầu tiên cho con. Từ khi tiêm xong, cháu hơi sốt nhẹ nhưng chị và gia đình cũng phải nín thở sẵn sàng đưa con đi bệnh viện và mong thời gian qua thật nhanh để con chị không có biến chứng lạ khác.
Chị Hồng tâm sự, nhà chị không có điều kiện để ra ngoài tiêm dịch vụ như hàng xóm mách. Ra phường, nhiều cán bộ y tế cũng khuyên chị đi tiêm dịch vụ nhưng thấy đắt quá. Hơn nữa, chị lo ngại tiêm dịch vụ và tiêm trong chương trình mở rộng này có tốt hơn hay không. Thứ nữa, tiêm dịch vụ đông ai biết nhân viên y tế tiêm như thế nào. Vắc xin còn bị ăn bớt nên tiêm ở đâu chị đều e dè. Giống như các bậc phụ huynh khác, việc cho con đi tiêm phòng như một canh bạc có may rủi.
Mỗi lần tiêm cho con là bố mẹ lại phấp phỏng lo sợ. Trường hợp của gia đình anh Nguyễn Trọng Bình trú tại Vũ Trọng Phụng, Hà Nội cũng chung tâm lý với nhiều ông bố, bà mẹ khác.
Anh Bình cho biết vắc xin Quivaxem được hỗ trợ miễn phí song nếu chính phủ trợ giá nhập khẩu để nhập vắc xin khác an toàn hơn, đời mới hơn, các phụ huynh sẵn sàng đóng thêm tiền để mua sự an toàn cho con cái.
Trong một buổi hội thảo vào cuối tháng 7 vừa qua, PGS.TS Đỗ Sỹ Hiển, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về Sức khỏe cộng đồng, nguyên Chủ nhiệm Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đã chia sẻ với phóng viên báo chí rằng hiện nay chúng ta có 1 số loại vắc xin đã cũ, là những vắc xin tế bào, gây nhiều phản ứng hơn. Nhưng cũng cần phải nói, ngay cả khi có loại vắc xin tuyệt vời rồi, là vắc xin vô bào, vắc xin rất mới, nhưng vẫn có khả năng gây ra phản ứng. Vì vậy đừng bao giờ hy vọng có một loại vắc xin nào an toàn tuyệt đối. Vấn đề là chúng ta làm thế nào để sự rủi ro là thấp nhất, có thể chấp nhận được.
Còn nói về vắc xin Quinvaxem, PGS Hiển nhấn mạnh, cần phải biết rằng, ngay cả bản thân nước sản xuất ra nó là Hàn Quốc, họ cũng không sử dụng loại vắc xin này. Họ chỉ bán cho các nước khác, còn tại nước của họ, người dân sử dụng vắc xin vô bào. Nước chúng ta nghèo nên chúng ta phải chịu, phải chấp nhận.
Tại sao khi xảy ra phản ứng sau khi tiêm vắc xin Quinvaxem mà kết quả kiểm nghiệm vẫn an toàn? Vắc xin vẫn đủ tiêu chuẩn? Đó là vì áp dụng tiêu chuẩn của thế hệ cũ, đã từ lâu rồi - PSG Hiển cho hay.