Đơn thuốc 0 đồng cho người mỡ máu cao

Sự kiện: Bệnh mỡ máu
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Máu nhiễm mỡ không gây chết người ngay nhưng sẽ dẫn tới nhiều biến chứng cho cơ thể. Các bác sĩ đều khẳng định để giảm mỡ máu, thay đổi chế độ ăn là ưu tiên số một.

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoài Nam, nguyên Phó chủ nhiệm bộ môn Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch, Đại học Y dược TPHCM, mỡ máu cao là rối loạn chuyển hóa lipid. Đó là tình trạng tăng nồng độ các chất mỡ trong máu bao gồm cholesterol và triglyceride. Trước đây, rối loạn mỡ máu thường phổ biến ở người từ 60 tuổi trở lên nhưng hiện nay, nhiều người hơn 20 tuổi đã mắc phải. Bệnh không chỉ xuất hiện người thừa cân mà ở cả người gầy.

Bác sĩ Nam cho biết, tăng mỡ máu không có triệu chứng, chủ yếu phát hiện khi khám sức khỏe, nhập viện vì những bệnh khác hoặc khi có biến chứng tim mạch, tiểu đường, viêm tụy cấp. 

Mỡ máu cao không gây tử vong ngay nhưng tạo điều kiện thuận lợi hình thành các mảng xơ vữa ở thành mạch máu, gây hẹp lòng mạch, tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, thiếu máu não… Nặng nề hơn nữa là vỡ các mảng xơ vữa, lấp mạch não hoặc nhồi máu cơ tim. Tăng triglyceride sẽ làm gan nhiễm mỡ, tăng đề kháng insulin dễ dẫn đến bệnh đái tháo đường. Triglyceride quá cao trên >1.000mg/dl có thể gây ra viêm tuỵ cấp.

Mỡ máu cao chủ yếu phát hiện qua xét nghiệm. Ảnh minh họa: Lincoln Urgent Care

Mỡ máu cao chủ yếu phát hiện qua xét nghiệm. Ảnh minh họa: Lincoln Urgent Care

Để điều trị mỡ máu, các bác sĩ đều ưu tiên đơn thuốc 0 đồng - đó là thay đổi lối sống. Người bệnh được hướng dẫn ăn những loại thực phẩm chứa hàm lượng cholesterol thấp như rau xanh, đậu, thịt nạc trắng... Thay đổi cách ăn uống sẽ làm giảm khả năng hấp thụ của đường ruột đối với cholesterol.

Những người mỡ máu cao không ăn tối quá muộn với thức ăn nhiều đạm vì rất khó tiêu hóa và sẽ làm cho cholesterol đọng trên thành động mạch dẫn đến xơ vữa động mạch. Họ cũng nên ăn nhạt, kiêng thức ăn có nồng độ chất béo cao mà chọn loại ít chất béo như cá, đậu phụ, đỗ tương. Bổ sung thêm các gia vị giảm mỡ như gừng, chế phẩm đậu, sữa, nấm hương, mộc nhĩ, hành tây.

Những thực phẩm người bị mỡ máu cao cần tránh gồm thịt muối, cá muối, giò, chả, pate, dưa muối, cà muối, xúc xích, lạp xưởng, nội tạng động vật (tim, lòng, óc…), tủy xương, lòng đỏ trứng, dầu dừa, dầu cọ, mỡ động vật, bơ động vật, sữa toàn phần, nước ngọt, bánh kẹo, kem, chè… Các chất kích thích như rượu, bia cần hạn chế, bỏ thuốc lá.

Hằng ngày, các thông tin trên báo chí về một người nổi tiếng hoặc người quen biết đang khỏe mạnh qua đời vì đột quỵ rất nhiều nên cộng đồng lo lắng. Nhiều người tìm tới các quảng cáo dự phòng đột quỵ bằng lọc máu. Tại Việt Nam không có chỉ định dự phòng bệnh tật bằng phương pháp này. 

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TPHCM thông tin, mỡ máu cao gây ra đột quỵ là hành trình dài. Các yếu tố gây đột quỵ hàng đầu là hút thuốc lá, uống rượu bia. Nhiều trường hợp chức năng gan, thận, đái tháo đường, mỡ máu bình thường nhưng vẫn bị đột quỵ do người bệnh uống rượu bia hoặc hút thuốc lá từ 18-20 tuổi.

Ngoài ra, các nguyên nhân khác gây đột quỵ là tăng huyết áp, đái tháo đường, tuổi tác, dị dạng mạch máu não, rối loạn nhịp tim, rung nhĩ.

Tình trạng máu nhiễm mỡ hiện đang trẻ hóa. Một số người sau khi đi khám, khi phát hiện máu nhiễm mỡ giai đoạn đầu, bác sĩ chỉ khuyến cáo nên ăn ít mỡ để cơ thể tự điều chỉnh. Trên thực tế, ngoài việc giảm mỡ, nếu ưu tiên một số loại thực phẩm có tác dụng làm giảm mức cholesterol xấu, tiến trình kiểm soát bệnh của bạn sẽ hiệu quả hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Thuý ([Tên nguồn])
Bệnh mỡ máu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN