Đôi lời về chuyện mang thai hộ

TS. Trong chương trình phiên họp thứ 21, uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá 13 vừa cho ý kiến về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Hôn nhân và gia đình. Qua thảo luận, các thành viên uỷ ban thống nhất với quy định cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Mang thai hộ bị nghiêm cấm thực hiện tại Việt Nam từ năm 2003 theo nghị định của Chính phủ về sinh con theo phương pháp khoa học. Do nhu cầu mang thai hộ ngày càng có xu hướng tăng ở Việt Nam, việc xem xét cho phép và quản lý kỹ thuật mang thai hộ ở Việt Nam được đặt ra, cho thấy Nhà nước đã nhìn nhận một nhu cầu có thật của người dân và tìm cách đáp ứng nhu cầu này.

Cho – nhận tinh trùng, noãn: tôn trọng tập quán

Điều 63b của dự thảo quy định “việc cho và nhận tinh trùng, noãn, cho và nhận phôi được thực hiện trên nguyên tắc bí mật”. Theo tôi, về cho nhận tinh trùng nên chấp nhận cả hai hình thức vô danh (bí mật) hoặc hữu danh (công khai). Trong văn hoá, phong tục của người Việt, huyết thống, dòng tộc là một yếu tố rất nhiều người quan tâm; khi một người nam không có tinh trùng, nhu cầu xin tinh trùng của người trong dòng tộc cần được xem xét.

Còn bí mật trong cho nhận noãn khó có thể thực hiện vì: người cho noãn phải đi khám, xét nghiệm, tiêm thuốc và chọc hút noãn với tổng chi phí có thể lên đến 30 – 40 triệu đồng, do đó gần như khó có người tự nguyện cho noãn; do đặc tính sinh học, việc đông lạnh noãn kém hiệu quả hơn nhiều so với đông lạnh tinh trùng và đông lạnh phôi, vì vậy thường phải thụ tinh noãn với tinh trùng chồng người nhận noãn để tạo phôi, sau đó mới chuyển phôi hoặc đông lạnh phôi. Trong một số trường hợp, có thể phải thực hiện quy trình theo dõi lấy noãn và chuẩn bị tử cung cho người nhận noãn cùng giai đoạn và cùng thời điểm. Theo quy định hiện nay, người có nhu cầu nhận noãn sẽ phải tự vận động người cho noãn tự nguyện để điều trị.

Quyền lợi và trách nhiệm của người mang thai hộ

Điều 63d của dự thảo quy định điều kiện về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, đưa ra hai phương án, nên chọn phương án hai: người mang thai hộ có thể không phải là người thân, vì các lý do: việc xác nhận người thân thích sẽ phức tạp (cơ quan nào có nhiệm vụ xác nhận?), người nhờ mang thai hộ có thể làm giả hay chứng nhận không đúng về nhân thân mà tổ chức chuyên môn y khoa như bệnh viện không đủ chức năng và điều kiện xác nhận tính xác thực về quan hệ của người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ. Hơn nữa, chẳng lẽ nếu không có người thân hoặc người thân không đủ điều kiện mang thai hộ thì đương sự mất cơ hội được điều trị và có con?

Việc thực hiện mang thai hộ về bản chất là phục vụ chủ yếu cho nhu cầu và quyền lợi của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ. Do đó, luật pháp các nước có xu hướng quan tâm và bảo vệ quyền lợi cho người mang thai hộ và đứa trẻ sinh ra. Trong khi đó, các nội dung trong điều 63đ quy định quyền, nghĩa vụ của người mang thai hộ và điều 63e quy định quyền, nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ có khuynh hướng ngược lại. Theo tôi, nên xem xét lại các điều khoản trên cơ sở quan tâm nhiều hơn đến quyền lợi của người mang thai hộ và đứa trẻ sinh ra hơn là chỉ bảo vệ quyền lợi của cặp vợ chồng người nhờ mang thai hộ. Người mang thai hộ cần được chi trả các chi phí liên quan đến việc theo dõi y tế khi mang thai và các vấn đề về sức khoẻ liên quan đến việc mang thai.

Đôi lời về chuyện mang thai hộ - 1

Việc thực hiện mang thai hộ về bản chất là phục vụ chủ yếu cho nhu cầu và quyền lợi của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ.

Ngoài ra, người mang thai hộ cần được đền bù về tài chính do việc giảm hay mất thu nhập do mang thai và sinh nở. Điều 8 của dự thảo giải thích “mang thai hộ là việc dùng biện pháp kỹ thuật lấy noãn của người phụ nữ và tinh trùng của người đàn ông để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của một phụ nữ khác để nhờ người này mang thai và sinh con mà không được trả thù lao”. Nên sửa cụm từ “không được trả thù lao” thành “không mang tính thương mại” vì người mang thai hộ dù tự nguyện vẫn có thể được bù đắp các thiệt hại theo quy định hoặc theo mức thu nhập hiện tại. Đồng thời, người mang thai hộ phải được hưởng các chế độ thai sản như các bà mẹ khác.

Về nghĩa vụ, người mang thai hộ còn phải cam kết đảm bảo thời gian và quan tâm đến sức khoẻ của thai.

Nghĩa vụ của vợ chồng nhờ mang thai hộ

Việc mang thai hộ phát sinh là từ quyền lợi và nhu cầu của cặp vợ chồng người nhờ mang thai hộ và đứa trẻ sinh ra là con sinh học của cặp vợ chồng này. Do đó, cặp vợ chồng người nhờ mang thai hộ phải có trách nhiệm sau cùng đối với các trường hợp xảy ra đối với thai nhi và đứa trẻ sinh ra. Nếu trẻ sinh ra mới phát hiện bị khuyết tật, vợ chồng người nhờ mang thai hộ phải có nghĩa vụ chăm sóc.

Theo tôi, cặp vợ chồng người nhờ mang thai hộ phải cam kết có trách nhiệm đối với đứa trẻ từ lúc sinh ra, nếu không, đứa trẻ sẽ bị thiệt thòi về quyền lợi. Ngay cả trường hợp ly dị trong lúc mang thai, hai người này phải chia sẻ trách nhiệm đối với đứa trẻ. Trong trường hợp cả hai người nhờ mang thai hộ chết, người mang thai hộ có quyền quyết định nuôi đứa trẻ hoặc cho con.

Quyền lợi của đứa trẻ sinh ra

Theo tôi, cần có những điều khoản về việc cả cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ và cặp vợ chồng mang thai hộ cần phải có những cam kết rõ ràng để đảm bảo thai kỳ được chăm sóc tốt và đứa trẻ sinh ra được chăm sóc tốt và chịu trách nhiệm pháp lý với các cam kết này. Nếu không, sẽ ảnh hưởng đến thai kỳ, sức khoẻ đứa trẻ sinh ra và các hệ luỵ sau này cho xã hội.

Theo các quy định trong dự thảo, nếu có sự bất đồng về thoả thuận giữa hai bên, cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ và cặp vợ chồng mang thai hộ, trong lúc thực hiện mang thai hộ và sau khi đứa trẻ sinh ra, rõ ràng là đứa trẻ sẽ bị nhiều nguy cơ về sức khoẻ và không được nuôi dưỡng tốt. Theo tôi, dự thảo cần chú trọng nhiều hơn quyền lợi của đứa trẻ vì bản thân trẻ không có khả năng tự bảo vệ.

Một số vấn đề khác cần quan tâm

Giấy khai sinh của trẻ phải ghi tên cặp vợ chồng mang thai hộ vì lúc này cặp vợ chồng mang thai có “quyền và nghĩa vụ như cha mẹ hợp pháp của đứa trẻ” như nội dung trong dự thảo. Cần quy định rõ thủ tục chuyển giao đứa trẻ cho cha mẹ sinh học được thực hiện như thế nào về pháp lý để đảm bảo quyền lợi cho các bên, đặc biệt là đứa trẻ sinh ra. Có nên quy định có thể sửa đổi khai sinh để đứa bé được công nhận là con của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ?

Người mang thai hộ cần phải đã từng có thai và sinh con để có đủ kinh nghiệm quyết định nhận mang thai hộ và kinh nghiệm chăm sóc thai tốt hơn.

Ngoài ra, cũng cần cân nhắc các vấn đề sau: Đứa trẻ sau này có quyền biết thông tin về người mang thai hộ không? Người mang thai hộ có thể tiếp tục liên hệ và tìm hiểu về đứa trẻ sinh ra? Trường hợp thai nhi có nguy cơ bị dị tật hoặc thai kỳ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người mang thai, ai là người có quyết định chấm dứt thai kỳ (bỏ thai)? Ai sẽ quyết định phương pháp sinh, khi cần: sinh thường hay sinh mổ?

Mang thai hộ được định nghĩa là kỹ thuật giúp người phụ nữ không có khả năng mang thai, có thể được làm mẹ với con của chính mình bằng cách lấy tinh trùng của người chồng và noãn của người vợ thụ tinh trong ống nghiệm để tạo phôi. Phôi sẽ được cấy vào tử cung một người phụ nữ khác, gọi là người mang thai hộ, để mang thai và sinh em bé. Đứa trẻ sinh ra sẽ được chuyển giao cho bố mẹ sinh học (cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ). Người mang thai hộ hoàn toàn không có quan hệ huyết thống với đứa trẻ sinh ra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ThS.BS Hồ Mạnh Tường (tổng thư ký hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN