Độc tố kiến ba khoang độc gấp 12-15 lần rắn hổ mang, bác sĩ khuyến cáo cách xử trí

Sự kiện: Sống khỏe

Lượng bệnh nhân đến khám do kiến ba khoang tăng đột biến, trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận và khám cho hơn 100 người bị kiến ba khoang đốt.

Thời gian gần đây, số bệnh nhân đến khám do tiếp xúc với kiến ba khoang tăng mạnh. Thậm chí, có những trường hợp bị tổn thương nặng ở vùng da, bội nhiễm do tự điều trị bằng những phương pháp truyền miệng chưa được kiểm chứng.

Đa phần bệnh nhân đến khám sau 3-4 ngày xuất hiện các vệt đỏ đầu tiên sau khi tiếp xúc với độc tố của kiến. Thậm chí, có những gia đình có 2-3 người cùng bị kiến ba khoang đốt gây tổn thương nặng.

Hình ảnh kiến ba khoang tấn công người bệnh. 

Hình ảnh kiến ba khoang tấn công người bệnh. 

Bác sỹ Quách Thị Hà Giang, Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, những trường hợp viêm da nặng, tổn thương lan nhanh sau khi tiếp xúc với kiến ba khoang đều do chà xát, làm độc tố của kiến lan ra. Bệnh nhân cần điều trị kết hợp kháng sinh, kháng histamin giảm đau, ngứa, bội nhiễm và phải mất từ 5-7 ngày, tình trạng bệnh mới ổn định.

Theo các bác sỹ, kiến ba khoang có độc tố Pederin (C24H43O9N), độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc rắn hổ mang nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên chủ yếu gây bỏng da, dễ nhầm với zona thần kinh.

Bác sỹ Hà Giang khuyến cáo, khi bị kiến ba khoang tiếp xúc với cơ thể, không nên dùng tay đập chết kiến để tránh độc tố tiết ra. Khi bị dính chất độc, tránh gãi hay chà mạnh vùng da bị tổn thương.

Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang thường khỏi nhanh trong vòng 1 tuần nếu xử trí đúng cách.

Theo đó, người bệnh cần rửa sạch vùng da tiếp xúc với kiến dưới vòi nước sạch, bằng nước muối sinh lý hoặc xà phòng, nếu thấy dị ứng, kích ứng da thì nên đến cơ sở y tế khám, không tự điều trị để tránh các biến chứng nặng hơn.

Để phòng tránh kiến ba khoang, mỗi gia đình cần vệ sinh phòng ở sạch sẽ, thoáng mát. Buổi tối nên tắt các bóng điện có ánh sáng xanh, tím (bóng điện huỳnh quang, bóng tuýp...), thay vào đó, dùng bóng điện có ánh sáng đỏ, vàng (đèn dây tóc). Trước khi đi ngủ, nên kiểm tra kỹ giường, gối, chăn, chiếu. Trước khi mặc quần áo, cần giũ sạch xem có kiến ba khoang hay không.

Theo Cục Y tế dự phòng, kiến ba khoang còn gọi là kiến kim, kiến lác, kiến gạo, cằm cặp… là côn trùng có khoang xen kẽ màu đen - vàng cam, mình thon, dài như hạt thóc, có chứa độc tố pederin - độc tính mạnh gấp 12 - 15 lần nọc của rắn hổ. Tuy độc tính cao, nhưng tiếp xúc lượng nhỏ ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn.

Chất tiết kiến ba khoang tiếp xúc với da người gây nên hiện tượng bỏng sinh học, bỏng rát, khó chịu… Nếu sờ, xoa, gãi vết thương sẽ gây bợt da, trầy loét, tổn thương sâu rộng hơn, chưa kể bụi bẩn, vi khuẩn từ bàn tay làm vết thương hở bị nhiễm trùng, lâu dài có thể nhiễm trùng toàn thân rất nguy hiểm. Nhiều người để bị tổn thương nặng, thậm chí dùng mẹo chữa bỏng, thuốc chữa bỏng khiến vết thương nặng, loét thêm, có thể để lại sẹo.

Do đó, bệnh nhân cần sớm đi khám bác sĩ da liễu ngay nếu tổn thương lan rộng, gây sốt, khó chịu… để được khám và kê đơn thuốc giảm đau, chống phù nề, chống dị ứng, kháng histamine tại chỗ… tùy tình trạng tổn thương, tránh nhiễm trùng, và phải dùng thuốc đúng y lệnh. Nếu điều trị đúng thì sau 5-6 ngày tổn thương có thể lành.

Nguồn: [Link nguồn]

”Mùa” kiến ba khoang, làm gì để phòng tránh loài côn trùng này?

Thời gian gần đây, một số chung cư trên địa bàn TP.HCM đã xuất hiện kiến ba khoang và đã có những nạn nhân của loài...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN