Dịp Tết, bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu giảm
Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, số lượng bệnh nhân lạm dụng rượu phải nhập viện điều trị trong dịp Tết giảm nhiều so với năm 2013.
Trước thông tin một số phương tiện thông tin đại chúng phản ánh tại một số cơ sở điều trị (Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai) vẫn tiếp nhận bệnh nhân đến điều trị do lạm dụng, sử dụng. Tuy nhiên, Cục An toàn thực phẩm cho biết, số lượng bệnh nhân lạm dụng rượu phải nhập viện điều trị giảm nhiều so với Tết Quý Tỵ năm 2013.
Theo tin từ hệ thống trực an toàn thực phẩm của 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và 05 viện khu vực trên toàn quốc (Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây nguyên, Viện Vệ sinh Y tế công cộng thành phố Hồ Chí Minh, Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh) và trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên toàn quốc không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong dịp Tết Giáp Ngọ năm 2014 (Tết Quý Tỵ năm 2013 ghi nhận 01 vụ ngộ độc thực phẩm tại tỉnh Tuyên Quang làm 5 người mắc và 01 người tử vong).
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân tránh uống rượu không rõ nguồn gốc.
Cục An toàn thực phẩm cho biết, trong thời gian tới, nhu cầu sử dụng thực phẩm trong các Lễ hội truyền thống được gia tăng mạnh, quy mô rộng khắp trên phạm vi toàn quốc; thời tiết bất thường làm gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm; Tình trạng sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không an toàn sẽ phát triển; Người tiêu dùng chủ quan, không có điều kiện lựa chọn thực phẩm an toàn để sử dụng, do đó các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm cần được tiếp tục triển khai tích cực, hiệu quả và đồng bộ từ Trung ương đến các địa phương, cụ thể như sau:
Đẩy mạnh các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trên các phương tiện thông tin. Đặc biệt Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân tránh lạm dụng rượu, uống rượu không rõ nguồn gốc, không sử dụng nấm độc, cá nóc độc…
Bộ Y tế cũng yêu cầu duy trì thường trực các tổ, đội điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm để nắm bắt thông tin sớm, xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra, tiếp tục kiểm tra, giám sát phát hiện nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm để có biện pháp ngăn ngừa và cảnh báo sớm cho cộng đồng, kiểm tra để phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vi phạm trong bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.