Điều trị nghiện bằng Methadone: Vì sao còn hạn chế?
"Điều trị nghiện bằng Methadone vẫn chỉ áp dụng với số lượng hạn chế vì một số địa phương chưa thực sự quan tâm", TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị về đẩy mạnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone.
Theo các chuyên gia, điều trị nghiện ma túy bằng Methadone mang lại hiệu quả và an toàn nhưng còn nhiều thách thức khi nguồn hỗ trợ quốc tế thu hẹp và hết hẳn.
Bệnh nhân điều trị nghiện thành công bằng thuốc Methadone
Xung quanh vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế.
Thưa ông, vừa qua, tại TP Hồ Chí Minh có tình trạng người nghiện uống Methadone rồi nhổ ra mang bán lại. Ông có thể nói rõ hơn về về vấn đề này?
Người nghiện ngậm thuốc trong miệng, không uống, rồi nhổ ra bán lại cho người khác, nếu có thì cũng chỉ là hiện tượng hi hữu, hiếm gặp.
Theo tôi do nhu cầu sử dụng Methadone trong xã hội quá lớn, trong khi mức độ triển khai các điểm điều trị còn có hạn chế. Có những điểm điều trị có đến 500-600 người đến uống thuốc hàng ngày; các nhân viên cấp phát thuốc quá bận, người nghiện lợi dụng lúc nhân viên không để ý để thẩm ngậm thuốc trong miệng rồi nhổ ra bán lại.
Tuy nhiên, Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở điều trị nghiện bằng Methadone thực hiện đúng theo quy trình. Bao gồm: Người bệnh nhận thuốc đã được pha loãng từ nhân viên phát thuốc; uống; tráng cốc lần 1; uống; tráng cốc lần 2; uống; sau cùng là nói chào nhân viên trước khi ra về, như vậy đảm bảo rằng người bệnh đã uống thuốc đúng theo liều quy định.
Vậy trong điều trị thay thế nghiện ma túy bằng Methadone có ý nghĩa như thế nào đến những người sử dụng ma túy?
Trước hết, nghiện các chất dạng thuốc phiện được coi là một bệnh mãn tính của não bộ. Hiện nay trên thế giới chưa có thuốc điều trị khỏi nghiện. Hầu hết các phương pháp điều trị cai nghiện đều có tỷ lệ tái nghiện cao. Vì vậy, trên 80 quốc gia đã sử dụng Methadone để điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện.
Methadone cũng là một chất gây nghiện, nhưng ít tác dụng phụ, ít ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi dùng đúng liều thì không gây tai biến sốc thuốc hoặc gây tử vong như Heroin. Methadone có thời gian bán hủy lâu và không gây tăng liều như dùng Heroin. Methadone là thuốc điều trị thay thế, chứ không phải là thuốc cắt cơn hoặc cai nghiện ma túy.
Người sử dụng Methadone không bị hủy hoại sức khỏe như dùng Heroin. Nhiều người uống Methadone có thể tăng 10-12 kg/năm trọng lượng cơ thể. Dùng Methadone bằng đường uống, vì vậy tránh được lây nhiễm HIV cũng như các bệnh lây nhiễm qua đường máu khác.
Khi sử dụng Methadone, người nghiện phục hồi sức khỏe, vẫn có khả năng lao động tạo ra thu nhập cho bản thân, gia đình và xã hội. Ngoài ra, khi sử dụng Methadone, người nghiện không còn phải sử dụng tiền để mua Heroin nữa, mà sử dụng tiền đó vào những việc có ích hơn.
Được biết hiện nay chỉ có khoảng hơn 22 nghìn người nghiện điều trị nghiện Methadone, trong khi cả nước có tới hàng trăm nghìn người nghiện ma túy. Vậy vì sao điều trị nghiện bằng Methadone vẫn chỉ áp dụng với số lượng hạn chế đối tượng như vậy?
Điều trị nghiện bằng Methadone vẫn chỉ áp dụng với số lượng hạn chế vì một số địa phương chưa thực sự quan tâm. Cụ thể, hiện có 17 tỉnh/thành phôs vẫn chưa phê duyệt kế hoạch tại địa phương mình. Một số địa phương phê duyệt kế hoạch, nhưng không phân bổ đủ nguồn lực để triển khai thực hiện, mà trông chờ vào kinh phí của Trung ương và dự án viện trợ.
Các địa phương gặp khó khăn về nhân lực, không có đủ biên chế để bố trí cho các cơ sở điều trị. Chi phí vận hành các cơ sở điều trị nghiện bằng Methadone hiện nay chủ yếu là dựa vào nguồn viện trợ nước ngoài.
Ngoài ra, thủ tục hành chính để đưa người nghiện vào điều trị bằng Methaodone vẫn còn chưa thuận lợi, trong đó có việc phải có xác nhận của chính quyền địa phương là không thuộc đối tượng phải đưa đi cai nghiện bắt buộc.