Điều gì xảy ra nếu em bé uống… sữa chuột?
Sữa chuột đạm cao gấp 7 lần sữa bò, gấp 10 lần sữa người. Vì vậy, em bé cần đến 6 tháng để tăng cân gấp đôi so với trọng lượng mới sinh, trong khi bê con chỉ cần 1,5 tháng, nhưng chuột con chỉ cần 4 ngày rưỡi.
Trong buổi trò chuyện chuyên đề vai trò của đạm đối với sự phát triển của trẻ sơ sinh do Hội Nhi khoa Việt Nam tổ chức tại TP.HCM, TS. BS Nguyễn Anh Tuấn - Tổng thư ký Hội nhi Tiêu hóa Việt Nam đã đưa ra bảng so sánh thú vị về đạm trong sữa người và một số loài khác.
Theo đó, tỷ lệ đạm trong sữa người (g/100ml) là 1,2 và thời gian để bé tăng cân gấp đôi so với trọng lượng mới sinh là 6 tháng.
Tỷ lệ đạm trong sữa ngựa là 2,3 và thời gian tương ứng để ngựa con tăng gấp đôi đôi trọng lượng là 2 tháng.
Tỷ lệ đạm và thời gian tương tự ở sữa bò là 3,3 và 1,5 tháng, ở sữa dê là 4,1 và 19 ngày, ở sữa chó là 7,1 và 8 ngày, ở sữa mèo 9,5 và 7 ngày.
Đặc biệt, tỷ lệ đạm trong sữa chuột dẫn đầu các loài khác, đến 11,8 g/100ml, giúp thời gian chuột con tăng cân gấp đôi so với lúc mới sinh chỉ 4,5 ngày.
Sữa chuột có tỷ lệ đạm cao đáng kinh ngạc, gấp 10 lần sữa người và gấp 7 lần sữa bò. Một chú chuột mới sinh chỉ cần 4,5 ngày là tăng cân gấp đôi.
Nếu sữa chuột được thu hoạch giống sữa bò, dù hoàn toàn là chuyện viễn tưởng, song em bé sẽ thế nào nếu uống… sữa chuột?
Kết quả sẽ rất khủng khiếp. Để dễ hình dung, sự khủng khiếp này được TS Tuấn lý giải gián tiếp qua sữa bò, vốn là chuyện không hề viễn tưởng tý nào và tỷ lệ đạm mới chỉ cao hơn sữa người gấp 3 lần.
TS Tuấn, người đang là phó bộ môn Nhi thuộc Đại học Y dược TP.HCM, dẫn kết quả nghiên cứu can thiệp tại Châu Âu đối với 1.678 trẻ nhũ nhi bú mẹ, bú sữ bò công thức đạm thấp và sữa bò công thức đạm truyền thống (cao) để minh chức cho vấn đề này.
Theo kết quả nghiên cứu trên (theo dõi trong suốt 6 năm liền), tỷ lệ trẻ bú sữa bò công thức đạm truyền thống bị béo phì cao gấp 3,5 lần so với trẻ bú sữa mẹ. Đối với trẻ bú sữ bò công thức đạm thấp, tỷ lệ này cao gấp gần gấp đôi.
Không khó để hình dung nếu uống… sữa chuột, số em bé cân nặng bình thường sẽ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
“Ông Trời đã tính hết rồi, tốt nhất là sữa của ai nấy uống. Cho nên, em bé bú sữa mẹ là tốt nhất” – TS Tuấn bình luận đầy dí dỏm.
TS.BS Nguyễn Anh Tuấn tại buổi nói chuyện chuyên đề về vai trò của đạm đối với sự phát triển của trẻ, thu hút rất đông sự quan tâm của các bà mẹ.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng nói thêm loài người không may ở chỗ không phải em bé nào cũng có sữa mẹ để bú (do gặp vấn đề sức khỏe hoặc tâm lý, lối sống…), và may mắn ở chỗ sữa bò vừa dễ thu hoạch vừa dễ xử lý.
“Dù số lượng đạm lẫn chất lượng đạm trong sữa bò đều khác xa sữa mẹ và không có lợi cho sức khỏe em bé như sữa mẹ, song tiến bộ của khoa học ngày nay đã xử lý giảm thiểu sự khác biệt này, bằng cách giảm lượng đạm và thủy phân để cải thiện chất lượng đạm”.
“Vì vậy, các bà mẹ nên chọn cho em bé của mình loại sữa công thức nào có số lượng đạm và chất lượng đạm càng gần giống với sữa mẹ càng tốt”-TS Tuấn đưa ra lời khuyên.
Chuyên gia Nhi khoa cũng dẫn lại khái niệm đã bị “lãng quên” một thời gian dài của một giáo sư người Đức đưa ra hồi năm 1975 là “lập trình chuyển hóa”.
Theo vị giáo sư này, “nồng độ hoóc-môn, chất chuyển hóa và chất dẫn truyền thần kinh trong giai đoạn đầu sẽ lập trình sẵn sự phát triển não bộ, các rối loạn chức năng và các bệnh lý…trong suốt cuộc đời”.
Nôm na dễ hiểu hơn, theo TS. Tuấn, giai đoạn đầu đời (quan điểm hiện nay là trước, trong khi mang thai của mẹ và 2 năm sau sinh của em bé), nếu được chăm chút cẩn thận và hợp lý về dinh dưỡng, em bé sẽ được “lập trình” sức khỏe tốt nhất trong cả cuộc đời.
Liên quan đến sự ngộ nhận đối với khái niệm “béo phì”, TS Tuấn cũng cảnh báo nhiều bà mẹ cứ nghĩ con bị béo phì bởi thừa chất béo. Trên thực tế, đạm chính là “thủ phạm” và trẻ trong giai đoạn đầu đời rất cần đến chất béo.
Số liệu thống kê hồi năm 2015 cho thấy tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì tại Hà Nội là 28,8%, trong đó khu vực nội thành là 21,2%, ngoại thành là 7,6%. Tại TP.HCM, tỷ lệ trẻ bị thừa cân béo phì là 21%, trong đó nội thành là 17,8%, ngoại thành là 3,2%.