Điều chưa biết về những người kể chuyện từ tâm dịch Đà Nẵng
Khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại TP Đà Nẵng hồi cuối tháng 7, hàng trăm chuyên gia, thầy thuốc từ Trung ương, các địa phương nhanh chóng được chi viện cho miền Trung để triển khai hàng loạt biện pháp dập dịch. Ít ai biết rằng, ngoài lực lượng trên, đội ngũ phóng viên, nhà báo cũng được các tòa soạn tăng cường để truyền tải thông tin kịp thời đến bạn đọc trong tâm dịch.
Phóng viên Đặng Văn Nguyện tác nghiệp tại Bệnh viện 199.
Lần đầu cầm máy vào khu điều trị run cầm cập
Đặng Văn Nguyện là phóng viên của Tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến (Zingnews.vn) thường trú tại văn phòng TPHCM. Anh được điều động cùng 4 phóng viên khác của tòa soạn để vào tâm dịch Đà Nẵng hồi cuối tháng 7. Dù tuổi đời, tuổi nghề còn ít nhưng suốt 1 tháng có mặt tại TP Đà Nẵng đợt dịch vừa qua, Đặng Văn Nguyện đã có những kỷ niệm khó quên khi được tác nghiệp tại tâm dịch.
Anh kể: "COVID-19 bùng phát tại Đà Nẵng hồi cuối tháng 7, nhận thấy tình hình dịch sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp tại đây và cần tăng cường thêm nhân lực mới có thể ghi nhận, nắm bắt tình hình và truyền tải thông tin đến bạn đọc đầy đủ nhất, tòa soạn đã thông báo về việc sẽ cử phóng viên trong văn phòng TPHCM ra Đà Nẵng. Lập tức, tôi xung phong đăng ký lên đường tác nghiệp ngay".
Tuy nhiên, Đặng Văn Nguyện cũng tâm sự, bản thân anh nghĩ rằng chuyến đi chỉ khoảng 7-10 ngày chứ không ngờ rằng kéo dài đúng 1 tháng. Nguyện nói: "Trưa 27/7, lúc đó tôi vẫn đang tác nghiệp tại tòa án thì bất ngờ nhận được cuộc gọi từ lãnh đạo thông báo sẽ bay ra Đà Nẵng lúc 15h chiều cùng ngày. Bởi lúc đó là những chuyến bay cuối cùng trước khi TP Đà Nẵng thực hiện lệnh phong tỏa nên tôi chạy về nhà lấy vội vài bộ quần áo, máy móc rồi ra sân bay để kịp giờ xuất phát".
Phóng viên Đặng Văn Nguyện tác nghiệp tại khu điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 nặng tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Ảnh: Lê Bảo
Đặt chân đến Đà Nẵng, đường không biết, tình hình các ổ dịch vẫn chưa nắm được nhiều, nguồn tin cũng không… nhưng anh đã được các đồng nghiệp hỗ trợ hết mình. Sau này, Nguyện cùng các đồng nghiệp trong tòa soạn phải vất vả lắm mới thuê được 2 căn hộ chung cư để sinh hoạt. Trong đó, một căn dành cho những đồng nghiệp tác nghiệp trong bệnh viện, các ổ dịch và một căn dành cho những người tác nghiệp bên ngoài bệnh viện. Do TP Đà Nẵng thực hiện cách ly xã hội nên tất cả quán ăn đều đóng cửa, cả nhóm quyết định đi tự chợ, siêu thị… để nấu các bữa ăn sau giờ tác nghiệp.
Nhớ lại những ngày tháng không quên tại tâm dịch Đà Nẵng, phóng viên trẻ Đặng Văn Nguyện kể: "Khoảnh khắc nhớ nhất là lần đầu tiên tôi khoác lên mình bộ quần áo bảo hộ với một phóng viên Báo Gia đình & Xã hội vào trong khu điều trị của Bệnh viện Phổi Đà Nẵng để tác nghiệp. Khoác lên người bộ đồ bảo hộ kín mít, mồ hôi chảy ròng ròng, có lúc kính bị mờ đi nhưng anh em vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất".
Anh kể tiếp: "Hai người chúng tôi được BS Trần Thanh Linh (Bệnh viện Chợ Rẫy) dẫn vào khu điều trị, cảm giác đầu tiên là sốc. Tôi vừa cầm máy ảnh vừa run, bởi sợ mình bỏ lỡ những khoảnh khắc, không truyền tải hết được những áp lực, khó khăn mà cả bác sĩ và bệnh nhân đang phải chiến đấu. Sau này tôi có nhiều lần vào khu điều trị Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, Bệnh viện 199 để tác nghiệp và tâm lý cũng vững vàng hơn".
Hạnh phúc khi có kết quả xét nghiệm âm tính
Phóng viên Lê Đình Dũng trong một lần tác nghiệp tại khu cách ly nơi có người mắc COVID-19.
Phóng viên Lê Đình Dũng (Báo Phụ nữ TPHCM) có những thuận lợi hơn so với các đồng nghiệp được tăng cường đến khi dịch COVID-19 bùng phát do anh thường trú tại Đà Nẵng. Anh chia sẻ, cuối tháng 7, khách du lịch khắp nơi đổ về Đà Nẵng, xem đây như một điểm đến lý tưởng trong mùa hè. Thế nhưng, chỉ sau ít ngày dịch bùng phát, thành phố trở nên vắng lặng, thậm chí nhiều thời điểm trên các tuyến đường không bóng người, không khí im lìm, nặng nề. Những ngày đầu, mỗi ngày Bộ Y tế công bố hàng chục ca nhiễm mới khiến người dân Đà Nẵng không khỏi lo lắng.
"Với trách nhiệm là phóng viên tại tâm dịch Đà Nẵng, tôi luôn cố gắng hoàn thành công việc được giao để gửi tin, bài về tòa soạn sớm, toàn diện nhất về công tác phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, lãnh đạo tòa soạn cũng luôn luôn nhắc nhở, động viên để tôi cùng các đồng nghiệp truyền tải những thông tin hay, độc đáo và bổ ích đến bạn đọc khắp cả nước", Lê Đình Dũng cho hay.
Hàng chục phóng viên, nhà báo không quản ngại khó khăn tác nghiệp lúc 0h đêm khi Bệnh viện C Đà Nẵng gỡ bỏ phong tỏa.
Những phóng viên như Lê Đình Dũng cũng đùa vui rằng, trong khi tất cả mọi người khắp nơi mong mỏi "chạy trốn" khỏi Đà Nẵng thì đội ngũ người làm báo lại "lao" vào tâm dịch. Anh kể: "Ở quê, mẹ tôi xem tivi phản ánh về tâm dịch Đà Nẵng nên cũng rất sốt ruột. Mẹ luôn luôn gọi điện hỏi han tình hình sức khỏe, động viên tôi cẩn thận. Đó là liều thuốc tinh thần lớn nhất đối với tôi mỗi khi đặt chân đến các bệnh viện, khu điều trị hay khu cách ly".
Với phóng viên Lê Đình Dũng, anh sẽ không bao giờ quên những buổi sáng vác máy "chạy" quanh 3 bệnh viện lớn (Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C và Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình) để ghi nhận tình hình phong tỏa; hay những đêm chờ đến 0h sáng để ghi lại cảnh bệnh viện phong tỏa; sáng hôm sau lại ghi nhận cảnh các bệnh nhân được ra viện trở về nhà…
Khi được Sở TT&TT TP Đà Nẵng tổ chức xét nghiệm cho các phóng viên, nhận kết quả âm tính, ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm. "Tuy vậy, chúng tôi luôn dặn nhau cố gắng bảo vệ, giữ gìn và hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm cho bản thân. Đó là cách để đội ngũ thầy thuốc bớt gánh nặng, dịch sớm được khống chế. Nhiều tổ chức, cá nhân hỗ trợ anh em báo chí các dụng cụ phòng dịch như quần áo bảo hộ, khẩu trang… chúng tôi đều san sẻ cho nhau. Mỗi ngày được đưa thông tin ca bệnh với con số ít đi, kết quả chống dịch thành công nhiều hơn là niềm hạnh phúc lớn đối với mỗi phóng viên, nhà báo chúng tôi", Lê Đình Dũng nói.
Theo tin tức của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, ngày càng nhiều nghiên cứu cho thấy nhiều người sống sót sau COVID-19 có thể...
Nguồn: [Link nguồn]