Diễn viên gạo cội Hong Kong Ngô Mạnh Đạt qua đời vì ung thư gan, căn bệnh khi phát hiện thì đã muộn
Tài tử Hong Kong Ngô Mạnh Đạt vừa ra đi ở tuổi 70 do căn bệnh ung thư gan quái ác. Vậy cần có những biện pháp nào để phòng ngừa căn bệnh này?
Ngô Mạnh Đạt là diễn viên gạo cội của Hong Kong, khán giả Việt Nam đã quá quen mặt với ông qua những bộ phim như Tân Ô Long Viện (1994), Tinh Võ Môn (1995), Hoàng tử bánh trứng (1998), Vua Hài Kịch (1999), Đội bóng Thiếu Lâm (2001), ... Ông từng là cặp bài trùng với Châu Tinh Trì trong rất nhiều dự án phim ảnh.
Ngày 22/2 vừa qua, truyền thông Hong Kong đồng loạt đưa tin sức khỏe của Ngô Mạnh Đạt yếu đi nhanh chóng và buộc phải nhập viện điều trị. Được biết, Ngô Mạnh Đạt phát hiện mắc bệnh ung thư gan từ trước Tết Nguyên Đán. Tế bào ung thư đã bắt đầu di căn. Ông phải hoàn thành ca phẫu thuật và bước vào giai đoạn hóa trị.
Tuy nhiên sức khỏe của ông yếu đi nhanh chóng. Tài tử nổi tiếng qua đời vào chiều ngày 27/2 tại bệnh viện. Trong những ngày cuối đời, ông phải trải qua nhiều đau đớn vì ung thư di căn, thuốc cũng không có tác dụng.
Từ năm 2014, sức khỏe của Ngô Mạnh Đạt đã bắt đầu sa sút do mắc các bệnh rối loạn nhịp tim, tiểu đường, cao huyết áp, mỡ máu cao. Ông thường gặp triệu chứng khó thở và phải dùng máy để hỗ trợ.
Do sức khỏe yếu, những năm gần đây, Ngô Mạnh Đạt chỉ nhận đóng vai phụ trong Tân Ô Long Viện (2018) và Lưu lạc địa cầu (2019). Thậm chí khi Châu Tinh Trì ngỏ ý mời ông tham gia vào bộ phim Mỹ nhân ngư, Ngô Mạnh Đạt cũng buộc lòng phải từ chối do sức khỏe không cho phép.
Căn bệnh ung thư gan khủng khiếp như thế nào?
Ung thư gan, có tên đầy đủ là “ung thư gan nguyên phát”. Theo các chuyên gia y tế, đây là một trong những loại ung thư không có biểu hiện bệnh rõ ràng trong giai đoạn đầu, do đó rất khó để phát hiện.
Tùy theo những vị trí khác nhau của tế bào ung thư mà ung thư gan nguyên phát được chia thành ba loại: ung thư biểu mô tế bào gan; ung thư biểu mô đường mật trong gan và sự kết hợp của cả hai loại trên. Trong đó, 85 - 90% trường hợp mắc bệnh là ung thư biểu mô tế bào gan.
Ung thư gan có mức độ ác tính rất cao và rất dễ di căn. Ngoài yếu tố di truyền, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ung thư gan là do viêm gan virus (viêm gan B hoặc C mãn tính), bệnh gan do rượu bia, gan nhiễm mỡ, xơ gan, ... Trong đó, xơ gan mãn tính liên quan đến viêm gan B là một trong những nguyên nhân gây ung thư gan hàng đầu.
Ngoài ra, ăn phải aflatoxin có trong thực phẩm bị mốc và dùng một số loại thuốc như thuốc tránh thai dài ngày cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư gan.
Tại sao nhiều trường hợp phát hiện ung thư gan thì bệnh đã chuyển biến xấu?
Các tế bào của ung thư gan cực kỳ “xảo quyệt”, chúng âm thầm phát triển trong vùng bụng trên bên phải (vùng gan) của cơ thể người bệnh. Cách khởi phát này thường không có triệu chứng sớm, khiến bác sĩ và bệnh nhân khó có thể phát hiện.
Do nguồn cung cấp máu tại gan rất dồi dào nên tế bào ung thư có rất nhiều cơ hội phát triển. Bên cạnh đó, máu tuần hoàn từ gan về tim nên tế bào ung thư gan có thể dễ dàng di chuyển đến khắp các bộ phận trong cơ thể người bệnh. Những cơ quan dễ bị di căn nhất thường là phổi, tuyến thượng thận, xương và não.
Do đó, khi bệnh nhân bị đau vùng bụng trên bên phải (thường là triệu chứng đầu tiên), chán ăn, chướng bụng, tiêu chảy, buồn nôn, mệt mỏi, sút cân, sốt và một số triệu chứng liên quan đến tiêu hóa khác, thì bệnh thường đã bước vào giai đoạn giữa hoặc cuối.
Các phương pháp tầm soát ung thư gan
Tầm soát và theo dõi ung thư gan là một mắt xích quan trọng trong việc phát triển và chẩn đoán sớm ung thư gan, có lợi cho việc cải thiện tỷ lệ sống sót của người bệnh. Siêu âm bụng và xét nghiệm AFP là phương pháp chính để sớm phát hiện ung thư gan.
Tuy nhiên cần lưu ý rằng, những người có nguy cơ mắc ung thư gan khác nhau thì phù hợp với các phương pháp tầm soát và khoảng thời gian theo dõi khác nhau. Do đó, nên xây dựng kế hoạch tầm soát cho từng cá nhân dựa trên nguy cơ mắc ung thư gan dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
Làm thế nào để ngăn ngừa sự xuất hiện của ung thư gan?
Chiến lược cơ bản nhất để phòng ngừa ung thư gan là duy trì một lối sống lành mạnh (không hút thuốc, không uống rượu bia, tập thể dục và ăn uống điều độ, giữ tâm trạng lành mạnh, không ăn thực phẩm bị ẩm mốc, tránh xa các hóa chất hoặc các loại thuốc có thể gây ung thư).
Đối với bệnh nhân bị bệnh gan, cần tích cực điều trị dựa trên nguyên nhân mắc bệnh. Những người bị viêm gan B hoặc C, nên điều trị bằng thuốc kháng vius dưới sự hướng dẫn của bác sĩ để ức chế sự phát triển của virus và trì hoãn quá trình phát triển từ bệnh viêm gan sang xơ gan.
Đối với những người khỏe mạnh, nên tiêm vaccine ngừa viêm gan B, đây là biện phát hữu hiệu nhất để ngừa viêm gan B.
Tóm lại, duy trì lối sống lành mạnh, có các biện pháp phòng ngừa và điều trị các bệnh về gan như viêm gan B, C hoặc xơ gan là những phương pháp quan trọng để kìm hãm căn bệnh ung thư gan. Đồng thời cần phải thường xuyên kiểm tra sức khỏe toàn diện để phát hiện bệnh kịp thời và nhanh chóng điều trị.
So với các bệnh ung thư khác như ung thư dạ dày, ung thư gan thì ung thư miệng là một loại ung thư mà mọi người ít biết...
Nguồn: [Link nguồn]