Diễn viên Châu Hải My qua đời, cơ thể đầy vết bầm tím, căn bệnh của cô mắc phải nguy hiểm thế nào?
Về tình trạng sức khỏe của Châu Hải My, người trong ngành giải trí đều biết cô có sức khỏe rất kém, chỉ một va chạm nhẹ cũng khiến cơ thể bị bầm tím.
Nữ diễn viên Hong Kong (Trung Quốc) Châu Hải My được mệnh danh là "Chu Chỉ Nhược xinh đẹp nhất", qua đời vào ngày 11/12 do bệnh tật không thể cứu chữa, hưởng dương 57 tuổi.
Châu Hải My sinh năm 1966 ở Hong Kong, gia nhập đài TVB năm 1985, lưu dấu ấn qua loạt phim Dương gia tướng, Triệu phú lưu manh, Nghĩa bất dung tình, Ỷ Thiên Đồ Long Ký 1994 (vai Chu Chỉ Nhược), Thiên địa hào tình, Đời không nuối tiếc, Mạt đại hoàng tôn, Mối tình nồng thắm, Võ Mỵ Nương truyền kỳ, Hương mật tựa khói sương. Theo Sina, Hải My thuộc nhóm minh tinh hàng đầu Hong Kong thập niên 1990, hội tụ cả nhan sắc và năng lực diễn xuất. Nhiều khán giả gọi cô là "người tình trong mộng".
Châu Hải My trong phim Võ Tắc Thiên
Châu Hải My mắc bệnh Lupus ban đỏ vào năm 1999. Căn bệnh này không thể chữa khỏi và phải dùng thuốc điều trị suốt đời. Tuy nhiên, nữ diễn viên chưa từng thừa nhận việc bản thân mắc căn bệnh này. Cô chỉ cho biết bản thân bị bệnh tiểu cầu thấp. Thời trẻ, Châu Hải My từng ngất xỉu và được đưa đến bệnh viện với những vết bầm tím khắp người, tiểu cầu chuyển sang màu vàng. Theo Sina, Châu Hải My đã giấu bệnh tình của mình với mẹ nhiều năm qua.
Nguồn tin thân cận với sao nữ này cho biết Châu Hải My rất đau buồn vì bản thân mắc bệnh khó chữa. Cô cũng vì chuyện này mà từ bỏ việc sinh con. Đồng thời, cô cũng phải giảm thời gian làm việc để tránh bệnh tình trở nặng. Về tình trạng sức khỏe của Châu Hải My, người trong ngành giải trí đều biết cô có sức khỏe rất kém, chỉ một va chạm nhẹ cũng khiến cơ thể bị bầm tím.
Theo hồ sơ bệnh án, bệnh tình của Châu Hải My chuyển nặng từ 2 tuần trước khi mất. Nữ diễn viên có bệnh sử bị cao huyết áp và Lupus ban đỏ làm suy yếu hệ miễn dịch. Vì vậy, cô được kết luận qua đời vì bạo bệnh.
Căn bệnh lupus Châu Hải My mắc phải nguy hiểm thế nào?
Bệnh lupus được gọi tắt từ bệnh lupus ban đỏ hệ thống, đây là một bệnh của hệ thống miễn dịch. Thông thường, hệ thống miễn dịch có vai trò bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm trùng. Thế nhưng, trong bệnh lupus ban đỏ, hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các mô ở các bộ phận khác nhau của cơ thể. Hoạt động bất thường này của hệ thống miễn dịch dẫn đến những tổn thương mô, trở thành bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh lupus ban đỏ
Nguyên nhân gây bệnh chính thức không được biết rõ, người ta cho rằng lupus ban đỏ hệ thống được gây ra do sự phối hợp của nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt quan trọng là các yếu tố:
- Di truyền: Anh chị em ruột của các bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 20 lần so với người thường.
- Môi trường: Do nhiễm khuẩn, tiếp xúc với hoá chất, ánh nắng mặt trời…
- Nội tiết: Bệnh gặp chủ yếu ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (nhiều hơn gấp 9 lần so với nam giới). Sau khi mãn kinh, cả tỷ lệ mắc và mức độ của bệnh đều giảm rõ rệt, còn trong thời kỳ mang thai bệnh thường nặng lên.
Dấu hiệu cảnh báo bệnh lupus ban đỏ
Các triệu chứng của lupus ban đỏ hệ thống có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ sau nhiều tháng, nhiều năm. Do ảnh hưởng đến hầu hết các cơ quan trong cơ thể nên triệu chứng của bệnh hết sức đa dạng và thường nặng lên vào các tháng mùa đông. Có lẽ do hậu quả của sự tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời trong thời gian mùa hè trước đó.
Ảnh minh họa
Theo thống kê, hơn 90% số bệnh nhân đến khám có các biểu hiện không đặc hiệu như gầy sút, mệt mỏi, sốt nhẹ, rụng tóc, viêm loét miệng, đau các khớp nhỏ. đau mỏi cơ, rối loạn kinh nguyệt. Khoảng 3/4 số bệnh nhân thấy nổi các ban đỏ bất thường trên da, trong đó hay gặp nhất là ban cánh bướm ở mặt, một dấu hiệu rất đặc trưng của lupus ban đỏ hệ thống (ban đỏ ở 2 gò má bắc cầu qua sống mũi).
Những tổn thương nội tạng như ở tim (tràn dịch màng tim, viêm cơ tim), ở phổi (tràn dịch màng phổi, viêm phổi), ở thận (viêm cầu thận), ở hệ thần kinh (co giật, rối loạn tâm thần), ở hệ tạo máu (thiếu máu, xuất huyết) thường xuất hiện trong giai đoạn toàn phát của bệnh ở khoảng 50-85% số bệnh nhân và là những nguyên nhân chủ yếu gây tử vong. Các triệu chứng này thường diễn biến thành từng đợt xen kẽ giữa những thời gian lui bệnh.
Trong giai đoạn đầu của bệnh, các triệu chứng thường mơ hồ và giống với nhiều bệnh lý khác cho nên kể từ lúc có những triệu chứng đầu tiên cho đến khi bệnh được chẩn đoán chính xác có thể phải mất vài năm.
Người bị lupus ban đỏ cần làm gì để cải thiện chất lượng sống?
Ngoài việc sử dụng thuốc điều trị, người bệnh cũng có thể làm một số biện pháp sau đây để cải thiện chất lượng cuộc sống của bản thân, bao gồm:
Tập thể dục: Một số bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội, đi xe đạp có thể giúp giảm nguy cơ loãng xương và cũng có thể tác động tích cực đến tâm trạng.
Nghỉ ngơi đầy đủ: Xen kẽ thời gian hoạt động là thời gian nghỉ ngơi hợp lý.
Ăn uống bổ dưỡng, cân bằng.
Tránh uống rượu: Rượu có thể tương tác với thuốc gây ra các vấn đề về dạ dày và đường ruột.
Không hút thuốc: Hút thuốc có thể làm giảm lưu thông và làm nặng thêm các triệu chứng ở người mắc bệnh lupus. Đồng thời khói thuốc lá cũng tác động tiêu cực đến tim, phổi và dạ dày.
Bảo vệ mình khỏi ánh nắng mặt trời: Giới hạn thời gian tiếp xúc với ánh nắng, đeo kính râm, đội mũ và chống nắng khi ra ngoài.
Nhận biết tình hình bệnh của bản thân: Ghi lại các triệu chứng bệnh một cách cụ thể và chính xác, để có thể trao đổi với bác sĩ khi thăm khám định kỳ.
Các yếu tố nguy cơ chính gây ung thư lưỡi là hút thuốc, uống nhiều rượu và nhiễm vi rút HPV.
Nguồn: [Link nguồn]