Điểm chung của các ca mắc COVID-19 tử vong gần đây là gì?
Từ giữa tháng 4/2023 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận một số ca tử vong do COVID-19. Khi xem xét, phân tích các ca này, chuyên gia nhận thấy những điểm chung.
Hầu hết ca tử vong do COVID-19 đều có bệnh nền, cao tuổi, hoặc bệnh khác kèm theo
Theo thống kê của Bộ Y tế từ khoảng giữa tháng 4/2023 - nay, nước ta ghi nhận một số ca tử vong do COVID-19. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày gần đây nhất - tính đến chiều 14/5 là 1 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.201 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm. Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/231 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/231 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/50 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/50 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Trao đổi về vấn đề này, TS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế cho biết, mặc dù giai đoạn khoảng giữa tháng tư và đầu tháng 5/2023, Việt Nam đã ghi nhận các ca bệnh tử vong do COVID-19.
Khi xem xét, phân tích các ca bệnh tử vong này, các chuyên gia nhận thấy hầu hết các ca bệnh tử vong đều là những người bệnh có nguy cơ cao, bệnh nền, cao tuổi hoặc có nhiều bệnh kèm theo, và bản thân bệnh nhân cũng đã có tình trạng nặng từ trước. Không ghi nhận trường hợp nào mà tử vong ở trên người bệnh mà không có bệnh nền hay là người trẻ tuổi không có bệnh nền.
Người thuộc đối tượng nguy cơ cao cần tiêm vaccine phòng COVID-19 tăng cường theo hướng dẫn
Trước đó, tại cuộc họp cách đây không lâu về công tác phòng chống dịch, các chuyên gia cũng đưa ra thông tin về trường hợp bệnh nhân tử vong do COVID-19 trên nền bệnh nền nhưng chưa tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 theo hướng dẫn.
"Cần nhấn mạnh rằng những bệnh nhân COVID-19 phải nằm viện có nghĩa là những bệnh nhân có bệnh nền, có triệu chứng nặng thì mới nhập viện. Những trường hợp nhẹ, hoặc triệu chứng chưa đến mức phải can thiệp y tế nhiều hầu hết là điều trị tại nhà hoặc là được theo dõi tại các cơ sở y tế mà không phải bệnh viện" - TS Nguyễn Trọng Khoa nói.
Theo ghi nhận của Bộ Y tế, tỉ lệ tử vong do COVID-19 ở Việt Nam từ trước đến nay ghi nhận ở mức thấp hơn nhiều tỷ lệ chung của thế giới là 0,99%. Đây là một số liệu thể hiện rất nhiều nỗ lực của hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Việt Nam trong công tác điều trị bệnh COVID-19 trong suốt 3 năm qua, với việc chuyển đổi rất kịp thời các hình thức từ cách ly tuyệt đối, điều trị 100% tại bệnh viện cho đến triển khai các cơ sở điều trị theo mô hình tháp ba tầng, và sau đó là triển khai điều trị, theo dõi, giám sát tại nhà.
Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Khoa khẳng định: Đây là thành quả mà suốt một thời gian chúng ta đã thích ứng một cách rất linh hoạt đối với công tác điều trị COVID-19. Đồng thời, trong dịch COVID-19 năng lực chuyên môn của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cũng đã được nâng cao hơn. Rất nhiều bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh đã có thể quản lý điều trị được các trường hợp suy hô hấp nặng, triển khai được kỹ thuật cao nhất trong lĩnh vực hồi sức, cấp cứu.
Người thuộc đối tượng nguy cơ cao cần tiêm vaccine phòng COVID-19 tăng cường theo hướng dẫn
TS Khoa cho biết, để giảm tử vong do COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện các nội dung sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục cảnh giác với COVID-19, phát hiện sớm các trường hợp bệnh; các đơn vị hồi sức, đơn vị chạy thận, đơn vị có những bệnh nhân nặng đang điều trị ở bệnh viện phải theo dõi, giám sát chặt chẽ để sớm phát hiện những ca bệnh, cách ly ra khỏi khu vực đang điều trị, tránh để lây nhiễm vào các bệnh nhân đang điều trị cùng đơn vị. Bởi nếu xảy ra lây nhiễm, thường sẽ lây nhiễm vào bệnh nhân có bệnh nền, nguy cơ cao, như vậy tỉ lệ tử vong có thể gia tăng;
Thứ hai, tiếp tục tăng cường năng lực cho hồi sức cấp cứu. Bộ Y tế (Cục Quản lý khám, chữa bệnh) tiếp tục cập nhật kế hoạch, huy động sự hỗ trợ của các đơn vị, tổ chức quốc tế để đào tạo, huấn luyện về hồi sức cấp cứu đối với điều trị COVID-19, đặc biệt là vấn đề thở máy, hệ thống oxy cho các cơ sở y tế.
Các cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục tăng cường năng lực cho hồi sức cấp cứu, nghiêm túc thực hiện cách ly những ca bệnh COVID-19.
Thứ ba, chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tiếp tục theo dõi, giám sát và tăng cường hội chẩn với tuyến trên khi điều trị ca bệnh nặng, đảm bảo có sự liên thông chặt chẽ giữa các tuyến, chỉ chuyển tuyến trong trường hợp cần thiết và có sự liên hệ trước để có thể chủ động điều trị ca bệnh nặng, mang đến hiệu quả cao nhất; hạn chế chuyển tuyến trong trường hợp số ca bệnh tăng cao.
Đặc biệt, khi những bệnh viện tuyến cuối như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM quá tải thì bắt buộc các tỉnh, địa phương phải giữ bệnh nhân lại điều trị.
Thứ tư, tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm để hạn chế dịch bệnh lây lan trong bệnh viện; yêu cầu tất cả các cơ sở khám chữa bệnh nghiêm túc thực hiện cách ly những ca bệnh COVID-19, triển khai áp dụng mang khẩu trang cho tất cả các khu vực lâm sàng, khu vực có người bệnh phải tuân thủ tuyệt đối việc mang khẩu trang theo quy định;
Đặc biệt chú trọng bảo vệ đối tượng có nguy cơ cao; trong trường hợp đến khám có dấu hiệu, triệu chứng của COVID-19 phải tiến hành xét nghiệm bằng cả phương pháp khẳng định là PCR và dùng test nhanh để chẩn đoán sớm, cách ly ngay.
Thứ năm, theo dõi, đánh giá các ca lâm sàng COVID-19 phải nhập viện, một số trường hợp phải gửi xét nghiệm, giải trình tự gene để phát hiện sớm những biến thể mới của virus. Đặc biệt, các bệnh viện phải hết sức chú ý đến những trường hợp người bệnh nặng, người bệnh tử vong để có xét nghiệm giải trình tự gene, phát hiện sớm những biến thể.
Đặc biệt lưu ý những trường hợp không mắc bệnh nền mắc COVID-19 có dấu hiệu nặng, vì đây là những trường hợp đáng lo ngại, cần giám sát chặt chẽ để có thể phát hiện sớm những biến chủng gây gia tăng tình trạng nặng, như trước đây là chủng Delta.
Trước diễn biến số ca mắc COVID-19 ở nước ta thời gian gần đây vẫn ghi nhận tầm khoảng trên dưới 2.000 ca mắc / ngày, PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW khuyến cáo những người thuộc nhóm nguy cơ cao như có bệnh nền, suy giảm miễn dịch... cần chủ động đăng ký tiêm các mũi vaccine phòng COVID-19 tăng cường theo hướng dẫn để phòng bệnh. Thậm chí, người đã mắc bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục có mũi tiêm nhắc lại theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới. Cùng đó, các chuyên gia cũng tiếp tục khuyến cáo vẫn cần duy trì 2K, vaccine, thuốc điều trị, công nghệ và ý thức người dân trong việc phòng, chống COVID-19 lâu dài. |
Nguồn: [Link nguồn]
Nếu không có các triệu chứng kéo dài như mất ngủ, ho… thì có thể chờ khoảng 4 đến 8 tuần sau khi có kết quả âm tính với COVID-19 để mang thai.