'Dịch vụ tư' trong bệnh viện công?
Hôm qua, Bộ Y tế bắt đầu triển khai thanh tra về cung cấp dịch vụ xã hội hóa y tế tại các bệnh viện công. Trước đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, liên doanh, liên kết bằng cách góp vốn mua sắm trang thiết bị y tế phần lớn là hướng vào mục đích thu lợi nhuận, có thể dẫn đến lạm dụng dịch
Lạm dụng xét nghiệm?
Một trong những sai phạm nghiêm trọng theo đơn thư tố cáo tại Bệnh viện (BV) đa khoa Hoài Đức, Hà Nội có nguồn gốc từ việc xã hội hóa. Một chuyên gia kinh tế y tế đã chỉ ra, hiện nay những dịch vụ dễ bị lạm dụng gồm các xét nghiệm, chụp X quang, cộng hưởng từ, lạm dụng thuốc, nhập viện ở cả các bệnh nhẹ có thể điều trị ở tuyến dưới...
Bị mọc mụn ở bàn chân, bà Vũ Thị Tuất (huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) phải tiểu phẫu ở BV đa khoa tỉnh. Hai lần tiểu phẫu nhưng vẫn đau, bà Tuất đi khám lại ở BV Đại học Y Hà Nội. Ở đây bệnh nhân được chỉ định thực hiện hàng loạt các chiếu chụp, xét nghiệm cận lâm sàng.
Ban đầu bác sĩ yêu cầu xét nghiệm hóa sinh, siêu âm tĩnh mạch, chụp X-quang sau đó lại yêu cầu chụp cộng hưởng từ. Kết quả bệnh nhân này bị viêm xương tĩnh mạch. Dù có bảo hiểm y tế nhưng các chiếu, chụp, xét nghiệm trên cũng ngốn của bà Tuất hơn hai triệu đồng, chưa kể tiền thuốc.
Người nhà và bệnh nhân đang đọc kết quả xét nghiệm tại BV Bạch Mai. Ảnh: Ngọc Châu.
Ông Dương Huy Liệu, chuyên gia kinh tế y tế, nguyên Vụ trưởng Vụ Tài chính Kế toán (Bộ Y tế) cho rằng, xã hội hóa y tế chỉ nên là giai đoạn nhất thời, tiến tới cơ chế tách bạch để bệnh nhân không bị phân biệt đối xử ngay trong một môi trường là BV công.
Cũng bị đau ở khớp gối chân, bà Vũ Thị Hoàn (Quảng Ninh) đi khám ở BV Đại học Y Hà Nội. Bác sĩ khuyên bà nên khám tổng thể. Hàng loạt các xét nghiệm được chỉ định gồm chụp X- quang, máu lắng (bằng máy tự động), RF, siêu âm, siêu âm Doppler màu mạch máu, siêu âm phần mềm, tổng phân tích tế bào máu bằng máu đếm laser. Ngoài ra còn có xét nghiệm máu. Tất cả hết 1,289 triệu đồng.
“Không hiểu sao ở đây phải làm nhiều xét nghiệm, siêu âm, chiếu chụp thế. Tôi đi khám ở quê có phải làm nhiều thế này đâu”, bà Hoan thắc mắc.
Theo quan sát, hầu hết bệnh nhân đến khám ở BV Đại học Y Hà Nội đều trải qua khá nhiều dịch vụ cận lâm sàng, phổ biến là xét nghiệm máu, xét nghiệm hóa sinh, siêu âm và chụp X-quang. Chị Vũ Thiên Hương (Vĩnh Phúc) đến khám ở BV vào sáng 14/8 kể: “Các bác sĩ ở đây chỉ định nhiều dịch vụ lắm nhưng mình cũng làm trong ngành (công tác ở BV tuyến huyện - PV) nên biết cái gì nên, cái gì không nhất thiết phải làm để đỡ tốn kém”.
Tại khoa Khám bệnh của BV Bạch Mai, hàng trăm bệnh nhân ngồi chờ khám chữa sáng 15/8. Trên tay ai cũng cầm các hóa đơn thu tiền với các dịch vụ chiếu chụp, xét nghiệm.
Ngồi cạnh PV, bệnh nhân Nguyễn Thị Yến (Bắc Ninh) cho biết mình bị đau dây thần kinh ở phần lưng. Các bác sĩ chỉ định chị Yến phải làm xét nghiệm sinh hóa, chụp tim phổi thẳng, chụp cột sống cổ, điện não đồ. Quá nhiều chiếu chụp, xét nghiệm nên đi từ sáng sớm đến 3h chiều chị Yến vẫn chưa lấy được hết kết quả để bác sĩ chẩn đoán bệnh.
Nhìn vào hóa đơn thanh toán của chị Nguyễn Thị Yến thấy các xét nghiệm, chiếu, chụp được thực hiện ở các khoa chẩn đoán hình ảnh, khoa sinh hóa, những khoa có trang thiết bị được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa.
“Sân sau” của bệnh viện công ?
Nghị định 43 của Chính phủ trao quyền tự chủ tài chính cho BV. Từ đó dẫn đến sự ra đời của mô hình khám chữa bệnh theo yêu cầu, xã hội hóa y tế, khám bệnh chất lượng cao… Tuy nhiên, thực tế cho thấy mô hình này phần lớn chỉ dành cho người có tiền.
Hiện nay xã hội hóa y tế tại BV công đang tồn tại dưới hình thức tư trong công. Nhiều nhà đầu tư đã lợi dụng BV công để trục lợi bằng cách chi hoa hồng cho người môi giới, nâng giá dịch vụ xã hội hóa…Điều này dẫn tới hậu quả nhiều BV lạm dụng kỹ thuật, giá dịch vụ y tế tăng cao không kiểm soát được.
Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban thực hiện chính sách Bảo hiểm Y tế ( Bảo hiểm xã hội VN) cho biết, khi thực hiện xã hội hóa thiết bị y tế, nhiều BV, cơ quan bảo hiểm y tế không thể kiểm soát hết được mức giá dịch vụ thực hiện từ các thiết bị đó, gây ra tình trạng giá dịch vụ đội cao, khiến bệnh nhân bị móc túi hoặc bị lạm dụng dịch vụ.
Báo cáo của cơ quan bảo hiểm sau khi kiểm tra tại 7 địa phương (Bắc Ninh, Hải Dương, Khánh Hòa, Đồng Nai, Quảng Nam, Thái Bình…) áp dụng giá viện phí mới cho thấy có hiện tượng chi phí xét nghiệm tăng cao bất thường. Nhiều nơi chi phí xét nghiệm trước đó chỉ chiếm 20-25% tổng chi phí khám chữa bệnh, nay tăng lên 30-40%. Tại Đồng Nai, nhiều cơ sở y tế sử dụng kỹ thuật chụp cộng hưởng từ MRI phổ biến (nhiều bệnh nhân đau bụng, viêm họng cũng được chỉ định chụp MRI…).
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn lo ngại, nếu không quản lý chặt, xã hội hóa y tế sẽ trở thành dịch vụ tư trong BV công. Ông Tuấn nhìn nhận, khu vực khám chữa bệnh theo yêu cầu hay khám chữa bệnh chất lượng cao có thể trở thành “sân sau” của BV công. Điều này có nguy cơ dẫn đến hành vi tiêu cực là sử dụng cơ sở vật chất và nhân lực công cho các hoạt động tư. Vì thế, thứ trưởng chỉ ra, BV tự chủ tài chính là có hạch toán, áp dụng phương thức thanh toán theo kết quả hoạt động và phải không được chạy theo doanh thu để tránh lạm dụng chỉ định các dịch vụ.