Dịch sốt xuất huyết, thủy đậu ở Hà Nội vào mùa

Dự báo, số ca mắc sốt xuất huyết có thể gia tăng trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong 2 tuần cuối tháng 5/2024, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố từ 20-23 ca/tuần thì đến tuần đầu của tháng 6-2024 (từ ngày 31-5 đến 7-6) đã tăng lên 34 ca/tuần.

Các ca mắc mới sốt xuất huyết ghi nhận tại 12 quận, huyện: Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đan Phượng, Đống Đa, Hà Đông, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Quốc Oai, Thanh Oai và Thanh Xuân.

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 745 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30/30 quận, huyện, thị xã (tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2023).

Ngoài ra, trong tuần đầu tháng 6 có thêm 1 ổ dịch sốt xuất huyết tại xã Tân Hội, huyện Đan Phượng. Từ đầu năm đến nay, thành phố có 11 ổ dịch, hiện còn 3 ổ dịch đang hoạt động.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo đánh giá của CDC Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết vào thời điểm này bắt đầu gia tăng so với tháng 5-2024. Kết quả giám sát tại một số khu vực ổ dịch cũ cũng cho thấy có chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ.

Nguyên nhân là do điều kiện thời tiết vào hè, nắng nóng, mưa nhiều tạo thuận lợi cho sự phát triển của muỗi và bọ gậy truyền bệnh. Dự báo, số ca mắc sốt xuất huyết có thể gia tăng trong thời gian tới.

CDC thành phố yêu cầu, các đơn vị tiếp tục chủ động triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường - diệt bọ gậy trên địa bàn, lưu ý các khu vực nguy cơ cao, khu vực ổ dịch cũ diễn biến phức tạp. Mặt khác, giám sát các ổ dịch sốt xuất huyết cũ tại các quận, huyện, thị xã: Đông Anh, Hai Bà Trưng, Thanh Trì, Sơn Tây, Thanh Xuân, Gia Lâm, Hoàn Kiếm.

Cũng theo CDC Hà Nội, tuần đầu của tháng 6-2024 cũng ghi nhận 24 trường hợp mắc thủy đậu (tăng 8 ca so với tuần trước đó). Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2024 cho đến nay, thành phố có 627 ca bệnh (giảm hơn 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2023).

Thủy đậu là bệnh do vi rút varicella zoster gây ra. Bệnh xảy ra quanh năm và tăng cao hơn từ tháng 2 đến tháng 6 hằng năm. Bệnh có khả năng lây lan cao, lên đến 90% đối với người chưa từng mắc hoặc chưa từng tiêm vắc xin. Do đó, đây là thời điểm người dân không nên chủ quan với bệnh thủy đậu.

Để phòng bệnh sốt xuất huyết cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

2. Hằng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

3. Hằng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Nguồn: [Link nguồn]

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rất nặng, sốt cao 41 độ C, mụn nước và nhiều mụn mủ toàn thân, loét miệng họng, ý thức chậm, yếu hai chân, chướng bụng liệt ruột.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Dịch sốt xuất huyết Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN