Dịch rubella nghiêm trọng hơn bệnh sởi

“Những người có thai mắc rubella sẽ nghiêm trọng hơn mắc sởi bởi thai nhi có nguy cơ dị tật rất cao”.

Ngày 26/1, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tại Bình Dương đang bùng phát ổ dịch rubella, với hàng trăm người sốt phát ban nghi mắc rubella, trong đó 29 trường hợp dương tính với rubella.

Dịch rubella nghiêm trọng hơn bệnh sởi - 1

Phụ nữ có thai mắc rubella sẽ nghiêm trọng hơn mắc sởi

Trao đổi với phóng viên, Ths.BS. Nguyễn Trung Cấp, Phó Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, rubella là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây nên.

Dịch rubella nghiêm trọng hơn bệnh sởi - 2

Ths.BS. Nguyễn Trung Cấp, Phó Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương

Theo Phó Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, tất cả những người chưa có miễn dịch với rubella đều có nguy cơ mắc bệnh. Đặc biệt, bệnh rất nguy hiểm đối với phụ nữ có thai. Nhiễm rubella trong thời kỳ đầu mang thai có thể gây ra sảy thai, thai chết lưu hoặc đẻ non.

Trẻ sinh ra có nguy cơ mắc hội chứng rubella bẩm sinh với nhiều dị tật nghiêm trọng như dị tật tim, điếc, đục thủy tinh thể, chậm phát triển, có thể tử vong.

“Những người có thai mắc rubella nghiêm trọng hơn mắc sởi bởi thai nhi có nguy cơ dị tật rất cao”, bác sĩ Cấp nhận định.

BS Cấp cho biết, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương vẫn tiếp nhận rải rác bệnh nhân mắc rubella. Tuy nhiên, bác sĩ Cấp lo ngại, mùa Đông Xuân cũng là điều kiện để bùng phát dịch rubella.

Bệnh xuất hiện từ nhiều năm nay ở Việt Nam, tuy nhiên lâu nay ít được chú ý vì có các triệu chứng và thời điểm bùng phát giống với sởi, và thường được thống kê chung vào bệnh này.

Các nốt ban trên da dạng chấm đỏ rải rác, mọc không có quy luật và có thể thấy đau khớp. Khi bệnh lui thường hết sốt, ban bay nhanh không theo quy luật, không để lại các dấu vết trên da, hạch trở về bình thường muộn hơn, thường sau 1 tuần.

Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, ngay sau khi ổ dịch rubella xảy ra tại Bình Dương, Viện Pasteur, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh đã điều tra, xác minh ổ dịch, lấy mẫu xét nghiệm, cách ly bệnh nhân, thực hiện biện pháp phòng chống dịch.

TS. Phu cho biết, hiện vắc- xin rubella chưa được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Tuy nhiên, trong chiến dịch tiêm sởi - rubella đang triển khai trên toàn quốc mọi trẻ em từ 1 - 14 tuổi đều được tiêm miễn phí vắc xin này.

“Đây là một cơ hội tốt để trẻ được tiêm ngừa hai bệnh truyền nhiễm nguy hiểm là sởi, rubella”, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo.

Các chuyên gia khuyến cáo, cách phòng ngừa đặc hiệu đối với bệnh rubella là tiêm vắc-xin loại kết hợp phòng cả 3 bệnh rubella, sởi và quai bị. Sử dụng cho trẻ em trên 12 tháng tuổi và người lớn. Những phụ nữ trong độ tuổi mang thai, hoặc dự định mang thai trong thời gian này nên đi chích ngừa bệnh. Sản phẩm tạo miễn dịch trong thời gian rất dài và tác dụng bảo vệ vẫn còn nếu người phụ nữ chích ngừa mang thai nhiều năm sau đó. 

Ngoài ra, có thể phòng bệnh bằng các biện pháp không đặc hiệu khác như mặc đủ ấm, ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, cách ly và thực hiện các biện pháp phòng lây lan vì bệnh truyền nhiễm rất nhanh qua đường hô hấp.

 

Bệnh Rubella lây nhiễm qua đường hô hấp, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nung bệnh từ 12-14 ngày, khởi phát với các triệu chứng sốt nhẹ, các dấu hiệu mắt ướt, ho, chảy nước mũi, ỉa lỏng... gần như không thấy.

Khi bệnh toàn phát, các biểu hiện mới thấy rõ: mệt mỏi, sốt nhẹ, chảy nước dãi và rõ ràng nhất là nổi mẩn đỏ trên da giống như bệnh sởi. Trẻ ít khi nằm li bì, xung huyết mắt, da mặt, hạch to ở dọc hai bên cổ, không đau. Các nốt ban trên da dạng chấm đỏ rải rác, mọc không có quy luật và có thể thấy đau khớp.

Khi bệnh lui thường hết sốt, ban bay nhanh không theo quy luật, không để lại các dấu vết trên da, hạch trở về bình thường muộn hơn, thường sau 1 tuần. Các biến chứng của rubella chủ yếu là đau và sưng khớp, nhất là ở phụ nữ cao tuổi (chiếm 70%), viêm não, xuất huyết giảm tiểu cầu, viêm thần kinh, gây dị dạng thai nhi ở phụ nữ có thai.

(PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN