Dịch do nCoV dưới góc nhìn của “người hùng” chống dịch SARS
Dù đã nghỉ hưu nhưng những chuyên gia về bệnh truyền nhiễm như ThS. BSCKII. Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam trong những ngày này vẫn vô cùng bận rộn.
Tôi gặp ông ngay sau khi ông rời khỏi cuộc họp phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV tổ chức tại Bộ Y tế.
Áp dụng kinh nghiệm chống lây nhiễm thời chống SARS
Trong cuộc trò chuyện, BS Hà cho biết, những bài học rút ra từ các đợt chống dịch bệnh truyền nhiễm do cúm A/H1N1, H5N1, MERS-CoV và đặc biệt là SARS đã giúp cho Việt Nam bình tĩnh chủ động đưa ra những phương án ứng phó thích hợp với dịch do nCoV lần này. Theo ông: “Đến nay người ta đã biết căn nguyên gây ra viêm đường hô hấp cấp tại Vũ Hán là do Corona virus. NovelCoV-2019 cùng chủng với virus corona gây ra dịch SARS trước đây. Nhưng khác với virus corona gây bệnh SARS, nCoV dễ lây lan ở ngoài cộng đồng hơn, còn SARS-CoV thì chủ yếu lấy nhiễm trong không gian hẹp trong bệnh viện. Chúng ta thấy mỗi ngày tại tâm dịch là thành phố Vũ Hán( Trung Quốc) số ca mắc tăng thêm hàng nghìn người, tức là lây lan ngoài cộng đồng rất mạnh. Dịch SARS rất kinh khủng nhưng lại khó lây nhiễm. Hồi ấy khi áp dụng mở cửa thông khí bệnh phòng làm giảm mật độ virus trong không khí mặc dù lúc đầu nhân viên y tế chưa có đủ các phương tiện phòng hộ hữu hiệu nhưng theo dõi sau 2 tuần, không có một nhân viên y tế nào bị nhiễm dù vẫn tiếp xúc và chăm sóc người bệnh thường xuyên. Tuy nhiên, bây giờ để phòng lây nhiễm trong bệnh viện cho nhân viên y tế, chúng ta đã có nhiều đồ bảo hộ, chứ trước đây đúng là tay không bắt SARS, đến khẩu trang còn thiếu chứ đừng nói tới bộ đồ bảo hộ kín mít như bây giờ.”
Liên quan tới kinh nghiệm chống lây nhiễm bằng biện pháp thông khí phòng bệnh, làm giảm nồng độ virus xuống dưới ngưỡng có thể gây bệnh, BS Hà nhận định: “ Với nguyên tắc này, bây giờ một số bệnh viện của chúng ta có loại phòng áp lực âm để cách ly bệnh nhân. Đây là phòng cách ly lý tưởng nhất, nhưng không có mấy phòng loại này, kể cả ở bệnh viện lớn cũng chỉ có 1-2 phòng. Dễ hơn một chút là dùng phòng cách ly có buồng đệm. Nhưng ngay cả điều kiện này cũng không phải cơ sở y tế nào cũng có. Nếu trong trường hợp dịch lan rộng tại nhiều địa phương, nhiều ca nhiễm cùng lúc thì phải chọn phương án dùng phòng bệnh ở tầng cao để tăng thông khí tự nhiên. Hoặc là dùng máy khử khuẩn không khí liên tục trong phòng bệnh có bệnh nhân như máy khử khuẩn Airocide, máy tạo Ozone. Hiện nay trong nước đã sản xuất các máy tạo ozone có tác dụng tiêu diệt virus trong không khí, có thể ứng dụng vào phòng lây nhiễm trong cơ sở y tế”.
Về kiểm soát nhiễm khuẩn, ông cho biết, nhiều năm nay ngành y tế đã xây dựng và đưa vào các hệ thống, quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn trong cơ sở y tế, trong đó có kiểm soát nhiễm khuẩn hô hấp. Bình thường đã phải tuân thủ, trong giai đoạn này lại càng phải tuân thủ nghiêm ngặt. Làm được như thế, chúng ta sẽ giảm thiểu lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế.
Phóng viên báo SK&ĐS phỏng vấn ThS. BS. Nguyễn Hồng Hà về kinh nghiệm phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm ở nước ta. Ảnh: PV
Nếu nhận thức của cộng đồng không tốt tình hình sẽ rất phức tạp
Nhận định rằng chính giai đoạn này là giai đoạn khó khăn của hệ thống phòng chống dịch, BS Hà lý giải: “ Giai đoạn này chúng ta mới có những ca bệnh ngoại lai hay nói cách khác là lây ở nước ngoài đem vào Việt Nam. Nếu chúng ta không quyết liệt với các biện pháp nhằm ngăn chặn những nguồn bệnh bên ngoài vào, kiểm soát chặt các ca nhiễm như kiểm soát đường đi của người nhiễm, theo dõi và kiểm soát các trường hợp nghi phơi nhiễm, cách ly tại nhà hoặc tại cơ sở y tế các trường hợp nguy cơ như người đi về từ vùng dịch thì khả năng lây lan ra cộng đồng rất lớn khiến dịch bùng phát không khác gì nước láng giềng. Chính trong giai đoạn này đòi hỏi truyền thông, giáo dục nhận thức cho cộng đồng phải mạnh, đúng và tới nơi tới chốn vì người dân có thể chủ quan, coi thường bệnh dịch, các địa phương, ban ngành cần vào cuộc quyết liệt. Ông khuyên người dân không nên dấu diếm mà nên khai báo với chính quyền địa phương, cơ quan y tế nếu đi từ vùng dịch về hoặc có tiếp xúc với người đi từ vùng dịch về, nếu có triệu chứng sốt, ho , khó thở... thì nên đi khám để được phân loại kịp thời; có ý thức phòng bệnh cho bản thân và cho cộng động bằng các biện pháp đơn giản như dùng khẩu trang, rửa tay đúng cách, không ho khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng, nếu ho nên ho vào khăn tay, khăn giấy, che tay vào miệng,… bỏ giấy vào thùng rác có nắp đậy và rửa tay ngay.
Vị chuyên gia từng chiến thắng trong dịch SARS năm xưa ví von: “Giống như một đám cháy, khi lửa chỉ mới là đốm nhỏ mà dập ngay thì không thiệt hại, nhưng nếu không cẩn thận để lửa bùng to, lan rộng thì khó dập lắm, thiệt hại khó lường”.
Nguồn: [Link nguồn]
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, một trong các đơn vị nhận nhiệm vụ...