Dịch đau mắt đỏ lây lan nhanh, nhiều người biến chứng nặng
Bệnh dễ lây lan, xảy ra quanh năm có thể lan rộng ra thành dịch trong thời điểm từ hè đến cuối thu.
Thời gian gần đây, bệnh nhân đau mắt đỏ khu vực miền Bắc gia tăng mạnh. Chỉ trong 3 tuần đầu tháng 8, Bệnh viện Mắt Trung ương tiếp nhận hơn 2.500 bệnh nhân bị đau mắt đỏ đến khám.
Tại Khoa Mắt – Bệnh viện Nhi Trung ương, trong vòng 1 tháng qua đã tiếp nhận gần 50 ca viêm kết mạc cấp. Trong có 10 - 20% trẻ gặp biến chứng nặng như: Có giả mạc cần bóc, bị trợt giác mạc (trầy xước giác mạc).
Theo ThS. BS Lưu Thị Quỳnh Anh – Phó trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Nhi Trung ương, viêm kết mạc ở trẻ thường xảy ra vào thời điểm chuyển giao mùa, lúc cơ thể của bé khá nhạy cảm nên dễ chịu sự tác động và tấn công bởi vi khuẩn bên ngoài. Việc chẩn đoán sớm và áp dụng các biện pháp phòng ngừa nhất định có thể giúp hạn chế bệnh phát tán.
Trẻ bị đau mắt đỏ điều trị tại bệnh viện.
Theo các bác sĩ, đau mắt đỏ (hay viêm kết mạc) là bệnh lý xảy ra khi lớp màng trong suốt trên bề mặt nhãn cầu (lòng trắng mắt) và kết mạc mi gặp phải tình trạng viêm nhiễm. Bệnh có thể gặp ở tất cả mọi đối tượng: trẻ em, người trưởng thành, người già. Bệnh dễ lây lan, xảy ra quanh năm có thể lan rộng ra thành dịch trong thời điểm từ hè đến cuối thu.
Bệnh đau mắt đỏ chữa được nếu như phát hiện sớm và có phương án điều trị hợp lý. Bệnh thường khỏi trong khoảng 7 – 10 ngày. Tuy nhiên, nếu phát hiện chậm hoặc đưa ra phương án chữa trị không hợp lý có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm như: suy giảm thị lực, loét giác mạc, viêm giác mạc thậm chí là mù lòa.
Bác sĩ cảnh báo nhiều người tự ý nhỏ thuốc chống viêm có chứa corticoid. Khi mắt bị đỏ, sưng, phù nề, nhỏ mắt loại thuốc này sẽ nhanh chóng làm giảm đỏ mắt, người bệnh thấy dễ chịu nên rất thích dùng và còn truyền miệng cho nhau.
Thế nhưng, corticoid là con dao hai lưỡi, vì có tính kháng viêm mạnh nên hiệu quả điều trị nhanh, nhưng nếu người bệnh dùng không đúng, lạm dụng thuốc hoặc dùng thuốc kéo dài sẽ gây ra tai biến do thuốc như dị ứng, làm trầm trọng thêm bệnh.
Bệnh nhân đau mắt đỏ.
Những dấu hiệu điển hình của bệnh bao gồm:
- Mắt ngứa, cộm như có hạt bụi trong mắt
- Mắt đỏ
- Mắt tiết nhiều ghèn, chảy nước mắt
- Mi mắt sưng nề, đau nhức
- Có thể kèm theo các biểu hiện khác như: mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, ho, nổi hạch sau tai…
Để phòng tránh lây lan, người dân cần hạn chế, tránh dụi tay vào mắt, mũi, miệng; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay.
- Nếu mắt chảy nhiều nước mắt, có nhiều ghèn rỉ mắt, cần sử dụng khăn giấy hoặc bông gạc y tế (sử dụng một lần) để vệ sinh, sau đó bỏ vào thùng rác có nắp đậy để tránh tạo thành nguồn lây cho gia đình và người xung quanh, sát khuẩn tay sau khi vệ sinh mắt.
Sử dụng riêng các vật dụng cá nhân như: đồ ăn, uống, chậu khăn rửa mặt, chăn, gối ngủ.
Đeo khẩu trang khi có các triệu chứng ho, hắt hơi và hạn chế tiếp xúc ở nơi đông người. Người lớn không sử dụng kính áp tròng khi đang bị viêm kết mạc.
Các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa mắt ngay khi phát hiện bất thường như mắt đỏ, đau nhức cộm… bạn không nên tự điều trị mà cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám và đưa ra hướng điều trị thích hợp.
Dịch viêm kết mạc thường do virus gây ra, 80% là Adenovirus, ngoài ra có thể gặp do các nguyên nhân khác như virus herpes, thủy đậu…
Nguồn: [Link nguồn]