Dịch đau mắt đỏ: Bộ Y tế đảm bảo đủ thuốc
Trước tình hình đau mắt bùng phát trong cả nước, ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục quản lý Dược khẳng định, Cục sẽ đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc nhỏ mắt và kháng sinh chống dịch bệnh đau mắt đỏ.
Theo ông Cường, hiện nay có hơn 200 số đăng ký lưu hành, gồm cả các thuốc kê đơn và không kê đơn có thể phòng, chống dịch đau mắt đỏ.
Cục Quản lý Dược yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn liên hệ với các cơ sở sản xuất, kinh doanh chủ động lập dự trù, xây dựng kế hoạch cung ứng để đảm bảo đủ thuốc đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch bệnh.
Bên cạnh đó, các địa phương trên không được để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, xử lý nghiêm các đơn vị lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc.
Bệnh nhân xếp hàng chờ khám đau mắt đỏ
Để đảm bảo cung ứng đủ thuốc, các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc tăng cường nguồn cung ứng thuốc để phục vụ nhu cầu phòng, điều trị dịch bệnh, nghiêm cấm việc lợi dụng bệnh dịch để tăng giá thuốc.
Cục Quản lý Dược sẽ xem xét giải quyết ngay các dự trù, đơn hàng nhập khẩu thuốc trong phác đồ điều trị bệnh đau mắt đỏ của các đơn vị để đảm bảo đủ thuốc đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Tại Hà Nội, cho đến thời điểm này, số bệnh nhân đến khám đau mắt đỏ ở Bệnh viện Mắt Trung ương vẫn không giảm.
Trung bình mỗi ngày Khoa Khám bệnh tiếp nhận từ 1.000 đến 2.000 bệnh nhân, trong đó 20% bị đau mắt đỏ. Số bệnh nhân đau mắt đỏ chiếm từ 20 % tổng số bệnh nhân đến khám về mắt.
Còn theo báo cáo của Bệnh viện Mắt TP.HCM, trong tháng 8/2013, bệnh viện đã khám và điều trị cho 3.906 bệnh nhân bị bệnh viêm kết mạc (hay còn gọi là đau mắt đỏ), tăng 11,7% so với năm 2012. Đặc biệt, chỉ tính riêng từ ngày 2/9 đến 22/9, số bệnh nhân tới khám là 3.641 bệnh nhân, tăng 83,9% so với năm ngoái.
Bác sĩ Hoàng Cương, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Trung ương Cương cho biết, theo kinh nghiệm nhiều năm trong điều trị bệnh đau mắt đỏ, đợt không khí lạnh về miền bắc sẽ giúp tình hình bệnh đau mắt đỏ được kiểm soát tốt hơn.
Theo BS Cương, kinh nghiệm cho thấy, cứ mỗi đợt không khí lạnh, thời tiết khô hanh hơn, độ ẩm không khí thấp, virus lây bệnh phát tán chậm hơn. Thời gian qua, bệnh phát tán nhanh, lan rộng là do thời tiết mưa nắng thất thường, hai cơn bão số 8 và số 9 ập đến liên tục càng khiến bệnh lan nhanh trong cả nước.