Dịch cúm hoành hành khắp Đông Á
Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ Đông Á đang ghi nhận đợt dịch cúm mùa nghiêm trọng nhất trong nhiều năm, khiến các bệnh viện quá tải, thuốc khan hiếm.
Nhật Bản đang vật lộn giữa đợt dịch cúm tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, số ca nhiễm đạt mức cao kỷ lục kể từ năm 1999. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi báo cáo khoảng 317.000 ca dương tính tại 5.000 cơ sở y tế trên cả nước chỉ trong một tuần. Con số tương đương trung bình 64,39 bệnh nhân trên cơ sở, cao gấp đôi ngưỡng cảnh báo là 30. Tính lũy kế số ca mắc cúm tại Nhật Bản tính từ 2/9/2024 (thời điểm bắt đầu dịch cúm hàng năm) đến nay là hơn 6 triệu ca.
Các chuyên gia cho rằng, số ca nhiễm cúm gia tăng do người dân di chuyển nhiều hơn trong mùa lễ. Bên cạnh đó, các phương pháp hạn chế trong thời kỳ Covid-19 khiến họ ít tiếp xúc với các mầm bệnh thường quy. Đây có thể là lý do khác khiến cộng đồng dễ bị virus tấn công.
Áp lực lên các cơ sở y tế ngày càng trầm trọng do thiếu hụt các loại thuốc kháng virus chủ chốt như Tamiflu. Nhiều công ty dược gặp khó khăn khi phải đáp ứng nhu cầu tăng cao. Một số nhà cung cấp đã thông báo tạm dừng phân phối, dự kiến tiếp tục nguồn cung vào cuối tháng 2.
Dịch cúm càng được chú ý sau sự ra đi của Từ Hy Viên. Nữ diễn viên Đài Loan tử vong do viêm phổi liên quan đến cúm. Cái chết của cô làm dấy lên lo ngại về mức độ khó lường của căn bệnh tưởng chừng không nghiêm trọng, đặc biệt với những người có bệnh nền.
Viên chức y tế Nhật Bản tiếp tục hối thúc người dân tiêm vaccine, cảnh báo các chủng cúm khác nhau vẫn có thể lây lan. Du khách được khuyến cáo thực hiện các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang và tự theo dõi tình trạng sức khỏe.
Kể từ đầu tháng 1, Hàn Quốc báo cáo đang trải qua đợt dịch cúm lớn nhất kể từ năm 2016. Số ca bệnh tăng mạnh, đặc biệt ở thanh thiếu niên. Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), tỷ lệ nghi nhiễm cúm là 73,9 trên 1.000 lượt khám tại 300 phòng mạch. Con số đánh dấu mức tăng đột biến 136% so với 31,3 trên 1.000 lượt vào cuối năm ngoái. Tỷ lệ này tiến gần đến mức đỉnh 86,2 vào năm 2016. Trong những năm xảy ra đại dịch, con số lần lượt là 3,3 và 4,8.
Thanh thiếu niên, từ 13 đến 18 tuổi là nhóm mắc bệnh nhiều nhất (151,3 ca trên 1.000 người), cao hơn 17,6 lần so với năm 2024.
Đến đầu tháng 2, số ca mắc giảm, nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với ngưỡng an toàn. Chủng cúm phổ biến nhất đang lây lan là cúm A (H1N1, H3N2) và cúm B. Giới chức không phát hiện đột biến mới, có ảnh hưởng đến khả năng lây lan của mầm bệnh.
KDCA nhấn mạnh vaccine hiện tại có hiệu quả cao đối với các virus lưu hành. Cơ quan kêu gọi các nhóm nguy cơ tiêm chủng ngay lập tức để phòng ngừa dịch bệnh.
Người dân đeo khẩu trang khi chờ tàu tại Nhật Bản. Ảnh: Adobe Stock
Nhu cầu tiêm vaccine cúm ở Đài Loan (Trung Quốc) cũng tăng vọt. Sau tin tức về Từ Hy Viên, khoảng 73.000 liều vaccine do chính phủ tài trợ đã được phân phối, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC). Trung bình, mỗi ngày có 24.700 mũi vaccine được tiêm, kể từ 1/1 đến 20/1.
Phó Tổng giám đốc CDC Tseng Shu-huai cho biết, tính đến đầu tháng 2, khu vực này chỉ còn 90.000 liều vaccine cúm. Các nhà sản xuất trên khắp Đài Loan đang chạy đua để đảm bảo lượng hàng trong kho được phân phối đến các cơ sở y tế và trung tâm tiêm chủng kịp thời.
Chang Feng-yee, chủ tịch Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Đài Loan, cho biết các đợt dịch cúm thường đạt đỉnh vào đầu năm. Ở thời điểm này, hầu hết người dân đã tiêm phòng rồi. Tuy nhiên, cái chết của Từ Hy Viên đã nâng cao nhận thức, thúc đẩy những người chưa nhận vaccine đi tiêm phòng.
Trong khi đó, các bệnh viện lớn ở Đài Loan gặp tình trạng quá tải sau Tết, giường cấp cứu vượt 300%, gây áp lực lớn cho y bác sĩ.
Tại Đài Nam, các bệnh viện lớn đang phải đối mặt với tình trạng quá tải nghiêm trọng ở khoa cấp cứu sau kỳ nghỉ Tết. Ban lãnh đạo các viện tiết lộ, ít nhất 5 cơ sở ghi nhận số lượng người đến khám vượt mức 150%. Đặc biệt, một số bệnh viện còn đạt mức 300%, gây ra áp lực khủng khiếp cho hệ thống y tế.
Một bác sĩ giải thích, quá tải 200% có nghĩa, bệnh viện có 50 giường, nhưng tới 100 bệnh nhân cần sử dụng. Như vậy, nhiều bệnh nhân cần được nằm điều trị nhưng không có giường trống. Sự thiếu hụt này không chỉ gây áp lực cho bệnh nhân, nó còn khiến y bác sĩ dễ bị tổn thương tâm lý, thậm chí lựa chọn rời khỏi ngành cấp cứu.
Số ca mắc cúm ở Hong Kong (Trung Quốc) tiếp tục leo thang khi sinh viên và người lao động trở lại làm việc sau kỳ nghỉ lễ. Tiến sĩ Edwin Tsui Lok-kin, người đứng đầu Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe cho rằng mùa cúm năm nay có thể kéo dài đến tháng 4.
"Nhiều người Hong Kong đi du lịch nước ngoài. Vì vậy, sau khi trở về nhà, họ có thể mang theo mầm bệnh, tạo ra các đợt bùng phát lẻ tẻ ở trường học hoặc nơi làm việc", ông nói.
Mùa cúm năm ngoái kéo dài 28 tuần do sự chuyển dịch từ chủng cúm A H3 sang chủng H1. Theo tiến sĩ Tsui, hầu hết ca mắc cúm hiện nay vẫn là chủng H1, chiếm khoảng 90%. Virus không có sự thay đổi quá lớn.
Hiện nay, dịch cúm mùa tại Việt Nam cũng xu hướng gia tăng với sự xuất hiện của các chủng cúm A (H1N1, H3N2) và cúm B, không có chủng bất thường. Nhiều người nhập viện với triệu chứng nặng hơn thông thường, đặc biệt ở nhóm trẻ em, người cao tuổi và người có bệnh nền. Bộ Y tế khuyến cáo người dân tiêm phòng vaccine, đeo khẩu trang và tăng cường vệ sinh cá nhân để phòng ngừa lây lan. Tình trạng khan hiếm thuốc kháng virus ghi nhận tạm thời tại một số địa phương, nhưng nguồn cung đang được bổ sung.
Lo ngại mắc cúm và biến chứng nặng, nhiều người dân đã đi tiêm vắc xin để phòng bệnh.
Nguồn: [Link nguồn]
-10/02/2025 13:55 PM (GMT+7)