Dịch cúm H5N1 xuất hiện ở 21 tỉnh

Sự kiện: Cúm A/H5N1

Hiện nay, cả nước có 67 ổ dịch tại 21 tỉnh có dịch cúm gia cầm H5N1. Hơn 63 gia cầm mắc bệnh, chết.

Chiều  25/2, Cục Thú y (Bộ Nông Nghiệp và PTNT) cho biết, sau hai ngày không phát sinh ổ dịch, ngày 24/2 đã có thêm 3 tỉnh công bố có dịch cúm gia cầm là Phú Thọ, Trà Vinh và Bình Định.

Như vậy, tính đến ngày 25/2 dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 21 tỉnh, thành phố bao gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Cần Thơ, Vĩnh Long, Thanh Hóa, Phú Thọ, Bình Định, Trà Vinh, Bạc Liêu, Đắk Lắk, Long An, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Nam Định, Phú Yên, Lào Cai, Bà Rịa- Vũng Tàu. Số gia cầm mắc bệnh, chết là 63.611 con, toàn bộ số gia cầm trong đàn mắc bệnh đã được địa phương tiêu hủy.

Dịch cúm H5N1 xuất hiện ở 21 tỉnh - 1

Dịch cúm A/H5N1 vẫn đang có xu hướng gia tăng. (Ảnh minh họa)

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm, Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết: Hiện nay, dịch cúm gia cầm đang diễn biến ngày càng phức tạp, các ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 vẫn tiếp tục xuất hiện rải rác, nhỏ lẻ ở 1 số địa phương. Mỗi ngày trung bình xuất hiện thêm hai ổ dịch mới, có thời điểm gia tăng 4-7 ổ dịch/ngày.

Ông Thành cho hay, từ đầu năm 2014 đã sử dụng 7,2 triệu liều vaccine từ Quỹ dự phòng cho các tỉnh Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nam Định, Cần Thơ… Hiện tại còn 30,8 triệu liều vaccine, trong đó có 16,8 triệu liều vaccine RE6 và 14 triệu liều RE5. Cục Thú y đang làm thủ tục bổ sung dự phòng thêm 60 triệu liều vắc xin H5N1 để tiêm phòng kịp thời, bao vây, dập tắt khi phát hiện các ổ dịch ở các địa phương

Nhận định tình hình dịch cúm gia cầm, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm cho biết: Các ổ dịch vừa qua xảy ra chủ yếu trên đàn gia cầm nuôi tại các hộ gia đình và đã được chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn thú y phát hiện và xử lý kịp thời nên chưa có hiện tượng lây lan trên diện rộng. Cụ thể có 4 tỉnh có một hộ bị dịch; 6 tỉnh có 2 hộ có dịch, trung bình mỗi tỉnh có 3 ổ dịch xảy ra tại 2 huyện. Riêng Khánh Hòa và Lào Cai có số lượng gia cầm mắc bệnh phải tiêu hủy trên 10.000 con/tỉnh.

Nguyên nhân dịch bùng phát là do thời tiết nóng ẩm ở miền Nam và lạnh, mưa phùn ở miền Bắc là điều kiện thích hợp để vi rút cúm lây lan, bùng phát cộng với thời điểm Tết Nguyên đán, việc đi lại buôn bán gia tăng. Bên cạnh đó là tình trạng tái đàn với mật độ cao.

Phát biểu tại cuộc họp, Cục Y tế dự phòng cũng cho biết, hiện nay cúm A/H7N9 cũng đang diễn biến hết sức phức tạp. Tính đến thời điểm này, tại Trung Quốc đã ghi nhận 365 người mắc và 116 ca tử vong. Do đó song song với việc phòng chống dịch cúm trên gia cầm, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp giám sát chặt chẽ lưu hành virut cúm gia cầm trên người và đàn gia cầm, tăng cường lấy mẫu giám sát để phát hiện kịp thời.

Cục Thú y cho biết, trong thời gian tới, nguy cơ xảy ra dịch nhỏ lẻ ở các địa phương là rất cao. Nếu các địa phương không tăng cường công tác giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời thì dịch vẫn tiếp tục xảy ra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thùy (Infonet.vn)
Cúm A/H5N1 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN