Dịch cúm đang diễn biến phức tạp, bác sĩ khuyến cáo 2 điều không nên làm để tránh bệnh trở nặng

Sự kiện: Dịch cúm
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Những người có bệnh lý nền cần hết sức lưu ý, khi có biểu hiện sốt, đau rát họng, hắt hơi, sổ mũi.

Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cúm mùa là bệnh do những chủng vi rút cúm vẫn đang lưu hành trong cộng đồng (phổ biến gần đây thường là cúm A/H1N1, cúm A/H3N2, thường bùng phát thành các đợt dịch nhỏ lẻ thỉnh thoảng có những đợt bùng phát trên quy mô lớn.

“2-3 năm vừa rồi có lẽ do COVID-19 nên mọi người giãn cách, chịu khó đeo khẩu trang hơn nên số lượng người nhiễm cúm và nhiễm cúm nặng có vẻ ít hơn, đợt này COVID-19 vừa dịu chút mọi người lại quay lại cuộc sống như trước, lại chủ quan như thường nên cúm lại xuất hiện và có đợt bùng phát cũng vẫn là chuyện thường”, bác sĩ Đồng Phú Khiêm đánh giá.

Một bệnh nhân nguy kịch vì mắc cúm.

Một bệnh nhân nguy kịch vì mắc cúm.

Theo bác sĩ Khiêm, cúm mùa có thể nói có độc lực thấp nên thường chỉ gây bệnh cảnh cúm nặng ở những người có yếu tố nguy cơ cao (người già > 65 tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai 3 tháng cuối, người có bệnh lý nền hô hấp, tim mạch, suy giảm miễn dịch...). Vì vậy, người dân không nên quá lo lắng về cúm mùa, nhưng cũng không chủ quan đặc biệt với nhóm người có nguy cơ nhiễm cúm nặng.

Biểu hiện cúm rất khó phân biệt với các biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do các căn nguyên khác, nhưng việc chẩn đoán được sớm, dùng thuốc kháng vi rút  phù hợp có thể ngăn ngừa nguy cơ nhiễm nặng và thậm chí tử vong cho nhiều người.

Những người có bệnh lý nền cần hết sức lưu ý, khi có biểu hiện sốt, đau rát họng, hắt hơi, sổ mũi nên được đi khám sàng lọc cúm và đánh giá và cân nhắc cho dùng thuốc kháng vi rút cúm sớm để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm cúm nặng. Mọi người đừng để lúc bệnh nặng rồi mới đi viện khám, điều trị tốn kém và khó khăn.

Đặc biệt, BS Khiêm lưu ý người dân không nên làm 2 điều sau:

- Không tự ý mua kháng sinh dùng: Vì kháng sinh ko có tác dụng với cúm mà có nhiều tác hại trong trường hợp này.

- Không tự ý mua thuốc kháng vi rút uống, điều này có thể gây tốn kém không cần thiết, có thể làm khan hiếm thuốc gây khó khăn cho người có chỉ định cần, hoặc gây gia tăng đề kháng thuốc. Thuốc kháng vi rút chỉ có lợi những người có nguy cơ nhiễm cúm nặng, những người có biểu hiện nhiễm cúm nặng.

Người dân nên tiêm phòng ngừa cúm hằng năm đặc biệt là người có tuổi, có bệnh nền tim mạch, hô hấp, tiểu đường, xơ gan, suy giảm miễn dịch...

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho 8 bệnh nhân mắc cúm. Một trong số đó đang phải đặt tim phổi nhân tạo tại giường (ECMO).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Dịch cúm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN