Dịch COVID-19: Tại sao việc xác định “bệnh nhân số 0” lại quan trọng?
Khi một dịch bệnh xảy ra, việc xác định được bệnh nhân đầu tiên sẽ góp phần mở đường cho việc kiểm soát và ngăn chặn một cuộc bùng phát nghiêm trọng hơn.
Máu của “bệnh nhân số 0” - người đầu tiên nhiễm bệnh có thể được dùng làm cơ sở để nghiên cứu hành vi, đặc tính và sự biến đổi của virus.
Bệnh nhân số 0 là gì?
Trong y văn, bệnh nhân (BN) số 0 hay “patient 0” có nghĩa là trường hợp gốc trong một cuộc bùng phát dịch, người đầu tiên biểu hiện các triệu chứng bệnh. Thuật ngữ này ra đời vì một lỗi dịch thuật trong hồ sơ BN của Gaetan Dugas - một tiếp viên Canada gốc Pháp và cũng là BN HIV đầu tiên tại Bắc Mỹ. Năm 1981, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) lần đầu tiên công bố tài liệu về một căn bệnh bí hiểm. Trong nghiên cứu này, họ cho biết, HIV gây suy giảm miễn dịch ở người có liên quan đến quan hệ tình dục. Họ bắt đầu nghiên cứu một nhóm đàn ông nhiễm HIV, bắt đầu ở California và cuối cùng đưa hơn 40 người tại 10 thành phố khác của Mỹ vào danh sách này, trong đó có Dugas. Nhưng trong hồ sơ của Dugas, các bác sĩ ghi chú “patient O”, viết tắt của “Out of California”. Điều này đánh dấu rằng BN này đã rời khỏi California trước khi dịch bệnh bùng phát. Tuy nhiên, chữ “O” lại bị nhìn nhầm sang thành số 0 (zero). Chính vì vậy, Gaetan Dugas đã bị đổ lỗi là người “gieo rắc mầm bệnh” HIV tới Mỹ. Từ trường hợp của Gaetan Dugas, nền y học thế giới bắt đầu có thêm một thuật ngữ cũng như khái niệm mới: Bệnh nhân số 0 hay Patient Zero.
Việc xác định được ai là “bệnh nhân số 0” có vai trò đặc biệt quan trọng trong phòng chống dịch COVID-19.
Xác định được BN số 0 giúp kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh
Việc tìm được BN số 0 khi dịch bệnh bùng phát là một công việc rất gian nan và đòi hỏi sự tỉ mỉ rất lớn. Các nhân viên y tế cũng như các nhà nghiên cứu y khoa cần phải tìm hiểu từng trường hợp mắc bệnh để có thể xác định xem đâu là nơi mà dịch bệnh xuất hiện lần đầu tiên. Sau khi đã xác định được danh tính của BN số 0, đội ngũ y tế có thể tiếp tục tìm hiểu và lần ra những nơi người này đã đến, đã tiếp xúc trực tiếp với những ai. Về cơ bản, điều này giúp chúng ta hiểu được cách mà một dịch bệnh lây lan như thế nào. Virus có lây nhiễm qua không khí không? Có thể sống ngoài môi trường không hay chỉ tồn tại được trong vật chủ? Có thể sống sót nếu không có vật chủ? Nếu có thể thì trong bao lâu... Khi có được những thông tin đó, việc đưa ra những phương án để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan thêm trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Sau khi xác định được BN số 0, các nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu cuộc sống của người này như họ đã làm gì, cuộc sống thường ngày như thế nào, ăn gì, môi trường sống của họ ra sao, hàng ngày họ tiếp xúc với những loài động vật nào..., từ đó có thể lên danh sách những loài động vật tiềm năng và xem liệu những loài vật này có phải là vật chủ mang virus hay không.
Khi đã xác định được điều này, các nhà khoa học có thể cảnh báo tới cộng đồng tránh xa chúng. Ngoài ra, việc nghiên cứu dịch bệnh bùng phát bằng cách lây lan qua những loài động vật khác nhau có thể cho chúng ta hiểu rõ hơn về tầm ảnh hưởng mà những dịch bệnh này có thể gây ra trong tương lai và ngăn chặn những cuộc bùng phát tiếp theo có thể xảy ra.
Tuy nhiên, theo PGS. Thomas Friedrich - chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm, Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ) thì: “Xác định một người là BN số 0 một mặt có thể gây ấn tượng không chính xác về căn bệnh này, mặt khác, việc đổ lỗi cho một ai đó khi có dịch bệnh bùng phát là không phù hợp. Điều quan trọng về mặt khoa học và cho sức khỏe cộng đồng là việc xác định bệnh nhân số 0 có thể giúp các chuyên gia hiểu cách bệnh xâm nhập cộng đồng như thế nào và phải làm sao để ngăn chặn sự lây lan”.
Nguồn: [Link nguồn]
Bệnh nhân nhiễm Covid-19 là một người đàn ông 61 tuổi ở Hà Nội, đi cùng chuyến bay VN0054 với ca nhiễm Covid-19 thứ 17.