Dịch Covid-19: “Không thể khẳng định sự lây lan trong cộng đồng đã hết”
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhấn mạnh.
Tại Việt Nam, theo Bộ Y tế, đến 6h ngày 21/4, tổng số ca mắc: 268 trường hợp, trong đó 160 người từ nước ngoài chiếm 59,7%; 108 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 40,3%.
Theo thông tin của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19 chiều 20/4 cho biết, tại Việt Nam, trong tuần qua chỉ ghi nhận thêm 8 trường hợp mắc mới, trong khi đó có 64 bệnh nhân đã khỏi bệnh.
Bệnh nhân nhiễm Covid-19 đang điều trị tại bệnh viện.
Số mắc mới trong tuần cao nhất được ghi nhận vào ngày 13/4 với 5 trường hợp, 3 ngày sau đó mỗi ngày chỉ ghi nhận thêm 1 trường hợp và liên tiếp 4 ngày từ 17-20/4 không ghi nhận trường hợp mắc mới. Điều đó cho thấy tình hình dịch hiện nay tại Việt Nam đang được kiểm soát tốt và hiệu quả của việc thực hiện cách ly xã hội trong những tuần vừa qua.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, đây là tín hiệu vui nhưng không vì thế mà chủ quan. Dịch bệnh diễn biến khó dự đoán, còn kéo dài, nguy cơ dịch tại nước ta vẫn còn hiện hữu.
“Không thể khẳng định sự lây lan trong cộng đồng đã hết”, TS Phu nhấn mạnh.
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng phân tích, dịch bệnh trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp (tăng nhanh số ca mắc và tử vong) và kéo dài. Nếu chúng ta không quản lý hết tất cả 100% các trường hợp nhập cảnh, đặc biệt là các những người nhập cảnh qua đường mòn, lối mở thì vẫn có thể có ca bệnh xâm nhập vào.
Chẳng hạn: Ca mắc Covid-19 mới đây tại Hà Giang. Bệnh nhân trú tại một thôn hẻo lánh ở gần biên giới giáp với Trung Quốc.
Trên thực tế, có một số trường hợp bệnh không có triệu chứng hoặc rất nhẹ, không vào bệnh viện, ngành y tế không thể kiểm soát được. Như vậy, vẫn có thể tồn tại ca bệnh ở cộng đồng, người này lại tiếp xúc người kia làm lây lan dịch bệnh thành ổ dịch nhỏ.
Do đó, việc tự cách ly tại nhà ít nhất 2 tuần sẽ giúp những người có triệu chứng nhẹ không biết mình mắc bệnh hoặc những người không triệu chứng có nguy cơ mắc bệnh không có cơ hội lây bệnh ra cộng đồng. Tuy nhiên, không phải 100% trong số hơn 96 triệu người dân nước ta đều thực hiện nghiêm điều này.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam. (Ảnh: VGP).
PGS.TS Trần Đắc Phu phân tích, với một ổ dịch phong tỏa 28 ngày thì có thể quản lý hết được, cách ly tuyệt đối, kiểm soát được 100%, không cho ai từ ổ dịch ra ngoài, có ca nào dương tính thì cách ly xét nghiệm các trường hợp F1, xác định các ca F2, F3. Tuy nhiên, với quy mô một tỉnh, thành hoặc cả nước thì không thể quản lý hết được, vẫn có người mang mầm bệnh. Ở ngoài cộng đồng chỉ bỏ sót một đối tượng cũng thể khiến dịch bùng lên.
Chẳng hạn: Tại Singapore, giai đoạn đầu quốc gia này làm rất tốt, nhưng thời gian qua số mắc tại quốc gia này lại tăng nhanh (hơn 8.000 ca bệnh, 11 người tử vong).
“Họ quản lý tốt đối tượng này nhưng lại bỏ sót đối tượng người lao động nhập cư. Dịch bùng lên từ chính nhóm đối tượng này. Đây là bài học cho chúng ta. Địa phương nào, chỗ nào làm không tốt dịch cũng có thể bùng lên”, PGS.TS. Trần Đắc Phu nói.
Do đó, người dân cần tiếp tục áp dụng các biện pháp chống dịch như hiện nay: Đeo khẩu trang; rửa tay với xà phòng/dung dịch sát khuẩn thường xuyên; tránh tiếp xúc, giao tiếp gần dưới 2m; không tập trung đông người; không đi ra khỏi nhà khi không cần thiết, đặc biệt là người có bệnh nền và người già; khai báo y tế….
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Nguồn: [Link nguồn]
“Với tình hình hiện nay, không cảnh giác với những người bị ho, sốt trong thời điểm này rất nguy hiểm”, TS Phu lưu...