Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số ca mắc chưa có dấu hiệu dừng lại
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, số ca mắc COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Tại buổi giao ban ngày 5/8, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, nếu như trong giai đoạn trước, Việt Nam không có bệnh nhân tử vong, chỉ có 2 thầy thuốc nhiễm COVID-19 thì trong giai đoạn này, dịch diễn biến phức tạp, có 8 bệnh nhân tử vong, 9 cán bộ y tế lây nhiễm. Số ca mắc chưa có dấu hiệu dừng lại.
Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng có thể được coi là ổ dịch lớn nhất hiện nay, 3 bệnh viện khác bị phong tỏa là Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Hoàn Mỹ có một ca cũng liên quan Bệnh viện Đà Nẵng. Tương tự, các ca mắc tại một số tỉnh thành đều có mối liên quan đến bệnh viện này như tại TP HCM, Quảng Nam, Hà Nội…
PGS.TS Lương Ngọc Khuê lưu ý, tất cả những trường hợp ho, sốt, khó thở, cúm, dịch tễ rõ ràng hay chưa đều phải xét nghiệm, cách ly. Các bệnh viện cần cảnh giác ngay từ đầu, chỉ cần lọt bệnh nhân thì cơ sở đóng cửa, nhiều hệ luỵ đi theo, chưa nói dịch bệnh lây.
Phát biểu tại buổi giao ban, GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Y tế cũng nhấn mạnh: Chúng ta phải hết sức khẩn trương, quyết liệt làm mạnh mẽ các biện pháp phòng chống dịch.
Quyền Bộ trưởng cũng thông tin, trong tiền lệ của Bộ Y tế chưa bao giờ Bộ cử những cán bộ, giáo sư, chuyên gia đầu ngành với lực lượng lớn, tinh nhuệ như vậy vào hỗ trợ cho Đà Nẵng, Quảng Nam và các tỉnh miền Trung, làm sao để khống chế triệt để được đợt dịch lần này nhanh nhất
"Việc khống chế triệt để không chỉ Đà Nẵng, Quảng Nam mà với tất cả các tỉnh, thành trong cả nước. Đó là lý do Bộ Y tế liên tục nhắc nhở, chỉ đạo, ra nhiều công điện, vì phải quyết tâm, cố gắng hơn nữa. Chúng ta có kinh nghiệm, có hướng dẫn, có năng lực. Đó là thế mạnh của chúng ta trong phòng chống dịch lần này".
"Do đó, với dịch lần này, phải khẩn trương, làm rất mạnh và phải cương quyết tất cả biện pháp để hạn chế ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế xã hội", Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh.
Người đứng đầu ngành y tế cũng nhiều lần nhắc các địa phương phải khẩn trương truy vết F1 thật nhanh, tất cả đều phải được cách ly tập trung; các địa phương phải có kế hoạch chuẩn bị nguồn nhân lực cho tình huống dịch lan rộng, tập huấn các đội lấy mẫu, truy vết....
Quyền Bộ trưởng Y tế lưu ý, các địa phương không cần chờ thẩm định với cơ sở đảm bảo an toàn sinh học cấp 2. Chỉ cần có con người, máy móc là đơn vị có thể thực hiện xét nghiệm PCR sàng lọc SARS-CoV-2. Chỉ những đơn vị cần khẳng định ca dương tính mới cần thẩm định.
GS.TS. Nguyễn Thanh Long yêu cầu phải bảo vệ những điểm yếu nhất là khoa Hồi sức tích cực, Cấp cứu, Thận nhân tạo, các khoa can thiệp hay các trường hợp ung thư giai đoạn cuối... bởi tại những khoa này có nhiều bệnh nhân đã phụ thuộc máy móc, sự sống rất mong manh. Nếu thêm COVID-19 thì họ không thể qua khỏi như 8 trường hợp ở Đà Nẵng.
Theo Bộ Y tế, tính đến 18h ngày 5/8, Việt Nam, có tổng cộng 713 ca mắc COVID-19, trong đó 309 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Số lượng ca mắc mới liên quan tới Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay: 264 ca. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 120.041, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 1.565; Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 20.645; Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 97.831. |
Nguồn: [Link nguồn]
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã xin phép Thủ tướng được ở lại tâm dịch Đà Nẵng đến khi hết dịch COVID-19...